Vài năm trở lại đây, cứ mỗi dịp cận Tết Nguyên đán (Tết cổ truyền âm lịch hay còn gọi là Tết ta) lại nổi lên luồng ý kiến đề xuất: “Ăn Tết tây (tết dương lịch), bỏ hoặc gộp Tết ta vào Tết tây…”. Đề xuất này đã gây nên nhiều tranh cãi.
Không ngoại lệ, thời gian này khi không khí Tết Nguyên đán đang rộn ràng trên khắp phố phường thì những ý kiến, đề xuất như trên cũng xuất hiện và gây nhiều tranh cãi.
Theo một số ý kiến ủng hộ thì việc gộp Tết ta với Tết tây sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc, kinh tế, không lãng phí và phù hợp với thời hội nhập.
Được biết, người đầu tiên khởi xướng cho ý tưởng gộp Tết ta vào Tết tây là Giáo sư Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH An Giang. Theo vị giáo sư này, việc “ăn Tết Ta theo ngày dương lịch” sẽ có những lợi ích sau đây: Như ít bỏ lỡ cơ hội nắm bắt đối tác kinh doanh giao thương với nước ngoài; tiết kiệm thời giờ của nông dân; học sinh và sinh viên có thời khóa biểu học tập và thi học kỳ một cách hợp lý; giảm tối thiểu tình trạng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức..; chấm dứt lãng phí nhiều ngày làm việc mà mình nghỉ, trong khi quốc tế làm việc…!
Ngay khi ý kiến trên xuất hiện đã có nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều. Bên cạnh một số người ủng hộ vì cho rằng Tết cổ truyền giờ “nhạt” hơn xưa lại gây phiền hà thì phần đông độc giả theo khảo sát của PV lại phản bác cho rằng Tết Nguyên đán là văn hóa, là những gì linh thiêng, tinh túy của dân tộc.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin xung quanh ý kiến này, Giáo sư Hoàng Chương – GĐ Trung Tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho rằng, việc đề xuất như thế là không hợp lý.
Bác bỏ đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây, ông Chương cho rằng, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp sum vầy, dịp nhớ về nguồn cội mà đã ăn sâu trong tâm trí cũng như là nét văn hóa đặc trưng của con người Việt Nam.
“Tết cổ truyền là văn hóa truyền thống có từ hàng mấy ngàn năm. Tết cổ truyền là nét đặc trưng gắn liền với đời sống xã hội, tinh thần cũng như văn hóa của người dân Việt Nam. Nói gì thì nói, người ta đi làm cả năm chỉ có những ngày Tết để trở về sum vầy bên gia đình, cớ sao nói bỏ. Chúng ta có Tết của chúng ta, người phương Tây có Tết của họ sao lại đi bỏ văn hóa của ta để theo văn hóa của họ… Tôi cho là bất hợp lý”, Giáo sư Hoàng Chương phân tích.
Theo Giáo sư Hoàng Chương, nếu nói về kinh tế thì những ngày Tết Nguyên đán khách du lịch đến với Việt Nam nhiều hơn. Dịp nghỉ Tết cũng làm người lao động có cơ hội tái tạo lại sức lao động sau một năm dài làm việc, giúp nâng cao chất lượng sống.
“Văn hóa của chúng ta có riêng biệt thì họ mới đến, mới thu hút được họ, mới là bản sắc. Nếu bảo hội nhập mà ngay cả nét văn hóa riêng như Tết cổ truyền cũng học theo họ thì không thể chấp nhận được”, Giáo sư Hoàng Chương bày tỏ.
Nhận định về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống - Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng, việc thay đổi một nét văn hóa có từ vài ngàn năm không đơn giản, cũng không phải chuyện muốn mà được.
Tuy nhiên, giáo sư Biền cũng cho rằng không nên duy ý chí quá bởi khi điều kiện cho phép thì việc thay đổi là tất yếu.
“Đừng thấy các nước đổi là ta cũng chạy theo. Ví dụ như ở Nhật, họ thay đổi là khi các điều kiện kinh tế, xã hội, nền công nghiệp của họ thúc ép bộc họ phải thay đổi. Và ở chúng ta khi nào điều kiện xã hội, điều kiện kinh tế bắt buộc thì ta không muốn đổi nó cũng đổi”, ông Biền nhấn mạnh.
Trước đó, từng nhận định về việc này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Trong xã hội truyền thống của phương Đông, trong đó có Việt Nam, là xã hội nông nghiệp nên hay tính lịch theo mặt trăng (Âm lịch). Còn Dương lịch gắn liền với phương Tây, dựa trên lịch của người công giáo. Hai nền văn hóa có nhiều sự khác biệt về tín ngưỡng, phong tục, văn hóa... nên không thể gộp Tết Âm và Tết Dương lại làm một.
“Tết Âm lịch là khoảng thời gian rất quan trọng, cốt lõi của nó chính là những tập quán gắn liền với đời sống xã hội, tinh thần cũng như văn hóa của người dân Việt Nam. Có ý kiến cho rằng gộp lại để hội nhập với thế giới, tôi không tán thành. Để hội nhập với thế giới còn rất nhiều cách, đâu phải cứ gộp lễ Tết lại mới là hội nhập. Hội nhập là cần thiết nhưng không được hòa tan, hội nhập xong rồi nhưng lại mất đi các giá trị truyền thống của dân tộc liệu có chấp nhận được không?”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm.
Nhất Nam