Tân Hoa Xã đưa tin hôm 25/2, Trung Quốc sẽ xóa bỏ hạn chế về số nhiệm kỳ tối đa của chức danh Chủ tịch nước trong Hiến pháp, điều được giới quan sát cho rằng sẽ mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình có thêm một nhiệm kỳ mới sau năm 2023.
Trong một tuyên bố ngắn do phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc đưa ra, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề nghị xóa bỏ giới hạn Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước “không được phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.
Chi tiết cụ thể về quyết định trên hiện vẫn chưa rõ ràng và quyết định này chỉ mới được đưa ra một ngày trước khi Ủy ban Trung ương Đảng triệu tập tại Bắc Kinh để thông qua danh sách lãnh đạo nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đề xuất dự kiến sẽ được trình tại phiên họp toàn thể thường niên Quốc hội Trung Quốc khai mạc hôm 5/3.
Ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, được bầu lại làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào phiên họp tháng Ba tới.
Theo các nhà quan sát, 68 tuổi được coi là tuổi nghỉ hưu không chính thức đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, nhưng không phải là quy tắc được ghi trong Hiến pháp.
Thay vào đó, Trung Quốc chỉ giới hạn đối với chức danh Chủ tịch nước là hai nhiệm kỳ 5 năm. Mặc dù có thể vẫn giữ chức danh Tổng bí thư nhưng ông Tập sẽ phải rời bỏ chiếc ghế Chủ tịch nước vào năm 2023.
Các nhà phân tích cho biết việc chấm dứt giới hạn hai nhiệm kỳ cho thấy khả năng ông Tập sẽ giữ quyền lực lâu hơn những người tiền nhiệm gần đây vào thời điểm Trung Quốc đang cần có một sự ổn định.
Trước đó đã có những tranh cãi xoay quanh Đại hội Đảng Trung Quốc hồi tháng 10/2017 về việc liệu ông Tập có nắm thêm một nhiệm kỳ nữa hay không khi những kế hoạch trong vòng 10 năm tới của ông vẫn còn đang dang dở.
Deng Yuwen, cựu biên tập tờ Study Times, cho rằng đây là một tín hiệu cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng nhất mục tiêu muốn nhà lãnh đạo 64 tuổi tiếp tục ở lại.
"Đây là một dấu hiệu rất rõ ràng rằng Chủ tịch Tập sẽ có thêm nhiệm kỳ vượt quá giới hạn hiện tại. Nhưng liệu ông Tập sẽ có một nhiệm kỳ trọn đời hay không thì chưa thể chắc chắn", Deng nêu quan điểm.
Kerry Brown, giám đốc Viện Lau China tại Đại học King London, cho biết những bất ổn gần đây của nền dân chủ phương Tây có thể đã khiến Trung Quốc nhận thức rằng đất nước họ cần phải hướng đến sự ổn định và tính liên tục.
"Trump, Brexit, sự nổi lên của chủ nghĩa cực hữu đã khiến cho giới chính trị gia Trung Quốc muốn gắn bó hơn nữa với sự ổn định và loại bỏ hoàn toàn những rủi ro", Brown nói. "Tập Cận Bình là nhân vật tiêu biểu cho mục tiêu này, người vẫn đang có quyền lực và tầm ảnh hưởng trên mọi lĩnh vực".
Lý giải cho quyết định trên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu cho hay, việc loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ có thể giúp duy trì hệ thống quyền lực tập trung Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch quân ủy trung ương vào cùng một người – giống như ông Tập đang nắm giữ hiện tại.
"Trong hai thập kỷ qua, mô hình lãnh đạo ba chức danh đã được hình thành và chứng tỏ là có hiệu quả", bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu nhận định. "Loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ có thể giúp duy trì hệ thống ba ngôi và cải tiến thể chế lãnh đạo của Đảng và đất nước".
Có những lo ngại cho rằng việc loại bỏ giới hạn này sẽ dẫn tình trạng một người thể nắm giữ chức danh trọn đời, tuy nhiên bài xã luận dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên nói: "Sự thay đổi này không có nghĩa là Chủ tịch Trung Quốc sẽ có một nhiệm kỳ suốt đời".
"Theo lý thuyết, ông Tập có thể phục vụ lâu hơn Robert Mugabe nhưng trong thực tế, chưa có điều gì chứng minh viễn cảnh này chắc chắn sẽ xảy ra", Zhang Lifan, nhà sử học và nhà bình luận chính trị, nói với Reuters trong một sự so sánh với cựu Tổng thống Zimbabwe, người đã trải qua bốn thập kỷ nắm quyền.
Johnny Lau Yui-siu, nhà bình luận chính trị, nói với kênh truyền thình RTHK của Hồng Kông: "Chủ tịch Tập bây giờ kiểm soát tất cả quyền lực về kinh tế, chính trị và quân sự ở Trung Quốc và thậm chí ảnh hưởng của ông ấy còn vượt ra khỏi các vị tiền bối”.
Tất cả các nhà phân tích đều có chung quan điểm rằng, một quyết định chính thức về loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ trong những tháng tới sẽ không chỉ xác định tương lai của ông Tập Cận bình mà còn là tương lai của Trung Quốc vào thập kỷ tới.