Sự việc đóng cửa nhốt bốn đứa con từ ngày 19 đến 23/4 trong nhà, không cho người ngoài tiếp cận và nói sẽ giết một đứa con do "bề trên" yêu cầu nhưng đang phân vân chưa biết nên giết đứa nào của bà Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi, xă Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân, Bình Định) vẫn còn "nóng" trong dư luận.
Đây không phải trường hợp duy nhất mà cha mẹ có biểu hiện, bệnh lý tâm thần đe dọa tính mạng con cái họ. Những vụ việc đau lòng bắt nguồn từ việc cha, hoặc mẹ đứa trẻ bị tâm thần khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi về việc có nên cho cha mẹ tâm thần được phép nuôi con?. Theo các chuyên gia về bệnh tâm thần, người bị bệnh tâm thần có thể bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Người bệnh tâm thần ở một số dạng cụ thể có xu hướng sử dụng bạo lực, do đó không những nguy hiểm cho chính những người thân, những người sống quanh họ mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho cả cộng đồng.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (công ty tư vấn An Việt Sơn) cho rằng: "Với những người tâm thần, chúng ta không thể bảo họ nên làm cái này hay không nên làm cái kia. Chúng ta cũng không thể cách ly con cái họ vĩnh viễn vì đôi khi nó lại phản tác dụng khiến cho bệnh trạng của người mẹ nặng thêm. Tuy nhiên, chính quyền và những người thân phải có trách nhiệm ngăn chặn các hành vi kể cả bằng biện pháp bạo lực mạnh, hoặc không cho trẻ ở cùng người mẹ khi không có người khác. Tôi được biết, bà mẹ ở Bình Định nhốt con nhiều ngày, vậy mà phải tới ngày thứ 5, chính quyền và lực lượng công an mới can thiệp!. Vai trò của người thân, hàng xóm, chính quyền sở tại trong việc giám sát, bảo vệ tính mạng cho trẻ em dù được giao cho nhiều đơn vị nhưng đến những thời điểm cần thiết lại không thấy vai trò cụ thể rõ ràng của đơn vị nào!".
Theo quan điểm của luật sư Phạm Văn Phất, trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm, để giúp đỡ họ và bảo đảm an toàn cho cộng đồng, các đối tượng mắc bệnh tâm thần này cần phải được chữa trị một cách bắt buộc. Tuy nhiên, hiện tại, việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Nghị định 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/7/2011 chỉ được áp dụng đối với các đối tượng bị áp dụng biện pháp này theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Thi hành án hình sự, tức là sau khi người bị bệnh tâm thần đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Điều đó có nghĩa là cho đến nay Nhà nước chưa có biện pháp phòng ngừa thích đáng đối với những người bị mắc bệnh tâm thần nhưng chưa từng bị khởi tố.
Thơm - Lan