Những ngày qua làng báo Việt Nam lại chấn động bởi thông tin Bộ Công an có ý kiến sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng chánh án Tòa án nhân dân, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để rộng đường dư luận về vấn đề này báo Người đưa tin xin trích đăng một số ý kiến của các chuyên gia pháp lý, luật sư xoay quanh đề xuất của Bộ công an.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên quyền Trưởng ban Nội chính TW Đảng, ông Phạm Quốc Anh thẳng thắn cho hay: Nếu quy định như Bộ Công an đề xuất thì không ai cung cấp thông tin cho báo chí nữa.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết thời gian tới, ông sẽ có ý kiến với Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan khác về vấn đề này.
Luật sư Trương Toàn Thắng, trưởng VPLS Tâm Hoàng Nghĩa cho rằng: “Việc đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải là nhiệm vụ riêng của ngành công an. Tất cả các ngành cũng như mọi tầng lớp nhân dân đều cần có ý thức chung tay đấu tranh đầy lùi “vấn nạn” này. Tuy nhiên mỗi ngành, nghề đều có những nguyên tắc hoạt động riêng, có tính độc lập và pháp luật phải tôn trọng những nguyên tắc đó. Việc đề xuất của ngành này mà ảnh hướng đến sự hoạt động bình thường của ngành khác thì dù vì mục đích gì cũng cần phải xem lại đề xuất ấy”.
Nhà báo David Barboza của tờ NYTimes đã có bài viết về tài sản của cựu TT Trung Quốc bị chính quyền Trung Quốc chỉ trích dữ dội. Bài báo sau đó được giải thưởng danh giá Pulitzer
Xét trên góc độ một đề xuất sửa đổi văn bản pháp luật, ông Lưu Xuân Vĩnh, Công ty Luật Quốc tế Indochine Counsel nói: “Một đề xuất sửa đổi luật phải dựa trên nhiều yếu tố trong đó ngoài tính cấp thiết như để làm gì? thì còn phải xem xét tính hợp lý của đề xuất và vấn đề đạo đức liên quan đến chủ thể thực hiện. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà các nhà làm Luật lại đưa quy định về bảo mật nguồn tin lên ngay đầu của Luật báo chí. Điều đấy cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của điều luật. Báo chí cũng có nhiều điểm tương đồng với nghề luật sư. Việc cung cấp thông tin của khách hàng đối nghề luật sư cũng như cung cấp thông tin của nguồn tin đối với nghề báo mà làm ảnh hưởng, gây hại đối với người cho tin là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nghề nào cũng có tôn chỉ đạo đức của nghề ấy. Việc Bộ công an có ý tưởng đề xuất như vậy là chưa phù hợp.”
"Xét về quyền tác giả đối với tin bài thì các tác phẩm báo chí thuộc thể loại: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác (trừ tin tức thời sự thuần tuý đưa tin) còn được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Bộ luật dấn sự, Luật sở hữu trí tuệ và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tác giả của bài báo có quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Như vậy, việc đưa ra một quy định mới mà có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền của tác giả đã được pháp luật công nhận cần phải được cân nhắc và xem xét kỹ. Theo tôi việc yêu cầu báo chí cung cấp thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như Điều 7 Luật báo chí hiện hành vẫn còn phù hợp với thời đại và xu hướng tự do báo chí của thế giới", luật sư Trần Anh Dũng, Công ty Luật Đại Phúc chia sẻ với báo Người đưa tin
Giang Quyết (ghi)