Tránh dịch ngoài đảo
Trong lúc dịch Covid-19 đang khiến nhiều người tự cách ly trong những căn hộ chỉ vài chục mét vuông, giới siêu giàu châu Á có một lựa chọn hấp dẫn hơn để lánh nạn, đó là ra đảo.
Theo SCMP, các công ty mua bán đảo tư nhân đã nhận được ngập tràn lời đề nghị từ giới siêu giàu châu Á đang tìm kiếm một khoản đầu tư có thể vừa là giải pháp tạm trú giữa lúc đại dịch hoành hành vừa có thể là mối kinh doanh dài hạn.
Trong khi một số hòn đảo có giá lên tới 100 triệu USD, một số lại chỉ có giá 55.000 USD, bằng một phần nhỏ chi phí của căn hộ trung bình ở Hồng Kông.
Edward de Mallet Morgan, một đối tác của Knight Frank’s International Super-Prime Sales Team ở London, cho biết hoạt động mua bán đã gia tăng đáng kể từ khi các trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên được ghi nhận ở Vũ Hán, Trung Quốc.
“Nhiều người cảm thấy tình hình đã thúc đẩy họ cần tìm một nơi trú ẩn an toàn cho bản thân và gia đình”, Morgan nói.
“Không chỉ là một khoản đầu tư tài chính, một hòn đảo tư nhân còn là một khoản đầu tư cho sức khỏe, hạnh phúc và mang đến những giây phúc đặc biệt cho mọi gia đình. Đối với một số khách hàng, đó còn là biểu tượng cho sự giàu có – bên cạnh các yếu tố sức khỏe, hạnh phúc và gia đình.
“Đối với người châu Á, đó không chỉ là một hòn đảo xinh đẹp mà vị trí của nó còn nằm trong môi trường không bị ô nhiễm và thuần khiết nhất có thể”.
Giới siêu giàu châu Á đã tìm kiếm nhiều hòn đảo trên toàn thế giới, nhưng có hứng thú đặc biệt đối với các địa điểm ở châu Mỹ, đặc biệt là ở vùng Caribbean và Trung Mỹ.
“Người châu Á là những nhà đầu tư cẩn thận, họ tìm kiếm một nơi trú ngụ cho mục đích sử dụng của riêng mình cũng như một nơi nào đó sẽ mang lại tiền trong tương lai, có thể là phát triển hoặc bán đi”, Chris Krolow, CEO của Private Islands Inc cho biết.
Công ty của Krolow đã liệt kê gần 700 bất động sản được rao bán, từ đảo Half Island rộng 2,5 ha ở Nova Scotia, có giá 59.000 USD, đến đảo Nusa Riro rộng 9 ha ở Quần đảo Solomon, có giá 25 triệu USD.
Rủi ro
Mặc dù các hòn đảo tư nhân rất hấp dẫn giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn biến khó lường, nhiều chuyên gia kêu gọi khách hàng nên thận trọng trước khi quyết định đầu tư loại bất động sản đặc thù này.
Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao là rủi ro lớn, mặc dù các yếu tố này vốn được coi là mối đe dọa thường trực đối với tất cả các tài sản ven biển. Khách hàng cũng nên xem xét cách tiếp cận và tiện nghi (bao gồm thời tiết và khoảng cách từ đất liền), nguồn điện và nước uống, và các quy định xây dựng địa phương.
“Do đó, các nhà đầu tư châu Á có xu hướng thích các hòn đảo đã được phát triển sẵn”, Krolow nói.
“Sự quan tâm từ các khách hàng châu Á đã gia tăng mạnh mẽ và trong nhiều năm qua chúng tôi đã bán cho họ các hòn đảo ở Canada, New Zealand, Scotland, Caribbean và Maldives, trong khi Panama đặc biệt rất được người Trung Quốc ưa thích do xin visa dễ dàng”, Farhad Vladi, nhà điều hành Vladi Private Islands từ Hamburg, Đức cho biết.
“Các đảo này khá cô lập và tương đối an toàn, nhưng chúng hiếm khi có đủ hoàn toàn các điều kiện tự cung tự cấp, do đó, chủ sở hữu sẽ phải thường xuyên kết nối với đất liền”, Vladi nói thêm.
Các đảo được bán trên trang web của Vladi từ Round Island ở Canada, có giá 55.000 USD, đến Pumpkin Key ở Florida, có giá 95 triệu USD.
“Sự khác biệt lớn nhất giữa một hòn đảo và một khu nghỉ trên đất liền là bạn không có hàng xóm, không gian xung quanh thoải mái mà không phải trả tiền”, Andrew Dixon, một chuyên gia đầu tư người Australia, người điều hành hai khu nghỉ mát ngoài khơi Singapore, cho hay.
Dixon cho biết các đảo thường được bán với giá thấp hơn một lô đất tương đương trên đất liền.
Mức giá thấp đó thường sẽ phản ánh chi phí đến và đi từ một hòn đảo và chi phí thiết lập cơ sở hạ tầng ở đó. Các đảo lớn có thể tự cung tự cấp vì chúng nhiều khả năng có nguồn nước, đất đai có thể trồng trọt và không gian đặt các tấm pin mặt trời.
Nhìn chung, công nghệ có thể giúp cho cuộc sống ở ngoài khơi xa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và điều này giúp giảm chi phí sở hữu một hòn đảo.