Hãng nghiên cứu Wealth-X vừa công bố báo cáo về người siêu giàu thế giới - World Ultra Wealth Report. Theo đó, những người siêu giàu được hãng này định nghĩa là các cá nhân có tài sản trên 30 triệu USD.
Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu giai đoạn 2012 - 2017, ở mức 12,7% mỗi năm, xếp sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).
Châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới. Theo đó, có 3 nền kinh tế châu Á trong top 10 nền kinh tế có nhiều người siêu giàu nhất là Nhật Bản, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc). Tính trung bình, số người siêu giàu châu Á cũng trẻ hơn so với thế giới, gần một phần tư có độ tuổi dưới 50.
Tính chung toàn cầu, báo cáo cho thấy, sau năm 2017, số lượng cá nhân siêu giàu toàn cầu đã tăng gần 13% lên hơn 255.800 người, vượt xa mức 3,5% của năm 2016. Tổng tài sản của những người này đạt mức 31,5 nghìn tỷ USD, một con số kỷ lục.
Trong một thập kỷ qua, tỷ lệ người giàu trên tổng số toàn cầu của châu Á đã tăng từ 18% lên 27%, xếp sau khu vực giàu thứ 2 thế giới là châu Âu (chiếm 28%).
Xếp theo thành phố, Hongkong cũng đã vượt New York để trở thành nơi có nhiều người siêu giàu nhất. Xếp sau đó là Tokyo (Nhật), Los Angeles (Mỹ) và Paris (Pháp).
Theo World Ultra Wealth, trong những năm tới, khoảng cách này có thể còn thu hẹp nữa với dự báo tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu của châu Á - Thái Bình Dương có thể đạt con số 8,3% trong 5 năm tới, trong khi tổng tài sản tăng nhanh hơn 8,6%.
Cải thiện kinh tế và thị trường chứng khoán tăng vọt vào năm 2017 góp phần giúp giới siêu giàu tại châu Á tăng vọt. Dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á vẫn được dẫn dắt bởi một làn sóng các doanh nhân siêu giàu, những người đang tận dụng được cơ hội phát triển trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ cao.
Đào Vũ