Giới thiệu sách: Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống - Hình tượng tiên nữ

Vương Thị Thảo

Vương Thị Thảo

Thứ 5, 26/10/2023 11:31

Cuốn sách Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống – Hình tượng tiên nữ của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2022. 

Đây là công trình chuyên khảo đầu tiên, có quy mô về hình tượng tiên nữ Việt Nam trong nghệ thuật tạo hình. Đưa hình tượng Tiên Việt, cụ thể là tiên nữ làm đối tượng nghiên cứu, nhóm tác giả đã phát lộ một đối trọng xứng đáng ngang bằng với hình tượng rồng, vốn đã được chú trọng quan tâm sâu rộng lâu nay.

Sách Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống – Hình tượng tiên nữ có khảo cứu công phu, nhiều ảnh chụp, minh hoạ vẽ tay và ảnh chụp từ di tích, những sáng tạo mới của các nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam trong nước và ở hải ngoại. Các tác giả đã thể hiện một sở kiến rộng rãi trên tinh thần lao động nghiêm túc trong việc giới thiệu một cách bao quát về khối lượng tranh tượng khổng lồ trong văn hoá Hy – La từ những manh nha ở thế kỷ IV tới sự bùng nổ trong thời Phục hưng…

Nghiên cứu về tiên (fairy) và hình thức văn chương gắn liền với nó – truyện cổ tích (fairytale) chỉ ra mẫu số chung rằng, thời Trung đại là một giai đoạn lịch sử không bị giới hạn ở riêng một khu vực lục địa nào cả. Chính nó đã tạo ra cơ sở cho tín ngưỡng và kho tàng dân gian.

Cuốn sách đưa cái nhìn rộng mở đến sự xuất hiện của hình ảnh Tiên trong văn hoá Ấn Độ (tiên ông Rishi, tiên nữ Apsara); trong văn hoá Trung Hoa (mà tâm điểm là ở Đạo giáo), trong thần thoại và văn hoá châu Âu (mà ví dụ về các nàng tiên cá với giọng hát mê hoặc và ma lực quyến rũ khiến bao thủy thủ Odysseus khi đi qua vùng biển nọ phải nhét sáp ong).

Văn hoá - Giới thiệu sách: Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống - Hình tượng tiên nữ
Văn hoá - Giới thiệu sách: Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống - Hình tượng tiên nữ (Hình 2).

Tiên nói chung bao gồm cả nam lẫn nữ, thời xưa coi là nhưng nhân vật siêu phàm tu trên núi và gần với thượng đế. Riêng ở Việt Nam, tiên mang nữ tính, gắn với đạo Mẫu truyền thống về bà mẹ sinh đẻ, nuôi nâng, cấy trồng… Tiên đi với Rồng là sự kết hợp của giống nòi, âm dương tạo ra cuộc sống mãi mãi. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đã khái quát vấn đề này. Hình tượng Tiên cưỡi rồng tràn ngập trong điêu khắc dân gian trong ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Khi nghiên cứu vấn đề này cho thấy đời sống tinh thần, tâm linh và thực tế sinh tồn của dân tộc Việt.

Nhóm tác giả dẫn người đọc tới các tầng văn hoá – nhận thức – triết mĩ của việc kiến tạo, giải huỷ, tái cấu trúc hình tượng tiên mà sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp ở bề mặt của các di sản vật thể mang tính thị giác chỉ là bề nổi. Dưới tác động không ngừng nghỉ từ hàng loạt động thái lịch sử – chính trị – văn hoá trong thời gian và không gian, hình tượng Tiên nữ trở thành một phần quan trọng trong văn hoá nhân loại. Dù chỉ những nét khái lược, nhưng những lý thuyết quan trọng, các căn cứ nền tảng như lý thuyết archétype (mà nhóm tác giả dịch là mẫu siêu nguyên) được hình thành từ vô thức tập thể của C. Jung, lý thuyết sáng tạo truyền thống (invented traditions) của Eric Hobsbawm, hay thuyết “Những cộng đồng tưởng tượng” (Imagined Communities) của Benedict Anderson, cho tới thuyết “Dân tộc biểu tượng luận” (Ethnosymbolism) của Anthony D. Smith, những biểu hiện manh nha của sự hình thành chủ nghĩa dân tộc đã góp phần soi rọi vào khuôn mặt, hình hài tiên nữ Việt.

Văn hoá - Giới thiệu sách: Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống - Hình tượng tiên nữ (Hình 3).
Văn hoá - Giới thiệu sách: Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống - Hình tượng tiên nữ (Hình 4).

Nhận xét về cuốn sách, PGS.TS. Trần Thị An viết: “Từ cái nền liên văn hoá, cuốn chuyên khảo đi sâu giới thiệu các đồ án tiên nữ trong chùa, tháp, đền, miếu; sự tương đồng giữa hình tượng tiên nữ ở đình, chùa, đền, miếu ở đề tài, hình thức thể hiện, phong cách tạo hình và trang phục mà qua đó, nhóm tác giả gợi ra những suy nghĩ về cơ tầng văn hoá truyền thống và sâu xa hơn là mẫu gốc mà “vô thức cộng đồng” tạo ra trong lịch sử. Cũng như vậy, sự đọc của nhóm tác giả cuốn Tinh hoa mỹ thuật Việt truyền thống – Hình tượng tiên nữ với những dẫn liệu hình ảnh phong phú, với những cảm nhận tinh và phân tích sâu từ góc độ liên ngành, không thể khác, là những bước tiếp trên dặm dài thời gian để lưu giữ, nuôi sống và làm mới bản sắc Việt trong một tình yêu đậm sâu và niềm tự hào vô bờ bến của con dân nước Việt.”

Trần Hậu Yên Thế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.