Việc hoang mang trước thông tin trà sữa trân châu chứa polymer từ năm 2009 đã tạm thời lắng đi, hiện nay, trà sữa trân châu này vẫn được coi là món khoái khẩu của giới trẻ khắp cả nước. Tuy hiện tại chưa có bằng chứng về việc trà sữa trân châu được làm từ bột nhựa sản xuất bỉm trẻ em đã thâm nhập chui thị trường Việt Nam, nhưng chắc chắn các loại trà sữa không nguồn gốc này rất nguy hiểm.
Mặc dù đã được khuyến cáo về chất lượng của trà sữa trân châu, nhưng mặc kệ cho chất lượng có ra sao thì các của hàng trà sữa trên địa bàn Hà Nội cùng như các tình thành trong cả nước vẫn mọc lên như nấm và kinh doanh rất ổn mà tín đồ của nó chính là giới trẻ.
Những viên trân châu trông rất hấp dẫn và bắt mắt
Có lẽ chưa có loại thức uống nào lại phong phú về tên gọi như thế, nào trà sữa bạc hà, sữa dừa, sữa mật ong, sữa nho, sữa kiwi, sữa cam, sữa dâu, sữa táo, sữa đậu xanh, sữa chanh dây… được ghi chi chít trên biển ở cửa quán hoặc trước bảng hiệu xe bán trà.
Dù có mùi vị, mầu sắc khác nhau như thế nào thì mọi ly trà sữa đều có một điểm chung không thể thiếu, đó là những hạt trân châu vừa dẻo vừa giòn vừa dai. Với nguyên liệu vô cùng phong phú như: sữa tươi, trà xanh, dưa vàng, dâu, cam… nhưng các “thượng đế” của chúng ta không hề hay biết rằng thứ nước uống mà họ cho là bổ dưỡng ấy, được sản xuất bằng nguyên liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Dạo quanh Hà Nội để tìm hiểu thị trường, chúng tôi có mặt tại chợ Đồng Xuân. Qua tìm hiểu được biết ở đây có bán các loại trân châu đa dạng cả về màu sắc lẫn chủng loại, nhưng do thông tin việc trà sữa trân châu có chứa polymer nên gần như các cửa hàng chỉ bày bán một loại trân châu đen.
Loại rẻ, không nhãn mác giá 17.000 đồng/ kg, loại bình thường có nhãn là 18.000 đồng/kg. Người bán hàng cho hay, cả hai loại này đều cùng một nhà sản xuất, chỉ chênh lệch nhau giá cả vì thêm chi phí in ấn bao bì, chất lượng như nhau chính vì vậy các đại lý thường mua loại rẻ hơn để giảm chi phí.
Trên các sạp hàng, những túi hồng trà (40.000 đồng/gói) với bao bì hai màu chủ đạo xanh và đen được xếp cạnh nhau san sát. Người mua khó có thể biết được đó là cái gì nếu không được giới thiệu, vì trên sản phẩm chỉ có mấy dòng chữ loằng ngoằng mà chủ hàng thường nói là chữ Trung Quốc hoặc chữ Đài Loan. Lật đi lật lại gói hàng, tôi không thể tìm thấy bất cứ một chữ nào tiếng Anh (ngôn ngữ thường dùng cho hàng xuất khẩu) cũng như nhãn hiệu phụ bằng tiếng Việt như quy định của Bộ Thương mại về hàng nhập khẩu.
Một gói trân châu không rõ nguồn gốc này có thể chế biến được hàng trăm cốc trà sữa
Trong khi đó, theo đại diện của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong trường hợp các sản phẩm nhập từ nước ngoài mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt là vi phạm nghị định 178, chủ hàng sẽ bị phạt xử phạt hành chính, hộ kinh doanh không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm cũng sẽ bị phạt tiền tương ứng theo giá trị lô hàng, tối đa là 20 triệu đồng.
Đáng ngạc nhiên hơn trong nguyên liệu làm trà sữa Trân châu không hề có loại sữa hộp, sữa đặc có đường nào mà chúng ta vẫn thường sử dụng hàng ngày. “Sữa” được dùng trong việc chế biến loại nước uống này là một loại bột có màu trắng ngà, được đóng đơn giản trong túi bóng trắng và buộc thắt nút bằng dây chun ở phía trên. Với công thức vô cùng đơn giản là: Trà hồng, bộ sữa, trân châu, đường, thạch và bột vị, khi khách gọi uống vị gì thì pha với vị đó.
Cách thức xử lý với gói trân châu khô mua về cũng đơn giản, chỉ cần luộc trân trâu chừng 12 – 15 phút, vớt ra, rửa bằng nước lã, hạt trân châu lúc này đã đen như hạt cườm. Sau đó, tráng lại với nước đun sôi để nguội, có nước, trân châu sẽ không bị dính.
Những người buôn bán, kinh doanh đang đánh vào tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng là thích rẻ và bổ dưỡng. Nguy hiểm nhất là vì không được kiểm định nên có thể trong loại bột sữa này sẽ có một số thành phần độc.
Nếu dùng phải sẽ rất nguy hại, đặc biệt là có những loại hóa chất độc hại không có phản ứng ngay mà phải cần một thời gian dài mới biểu hiện triệu chứng. Lời khuyên tốt nhất cho mọi người là chỉ sử dụng những loại đồ ăn, thức uống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đức Duy