Đặt cả tháng mới có hàng
Thú chơi này vốn ban đầu do một số bạn trẻ phía Nam truyền bá, sau đó lan rộng trong giới chơi thú cưng cả nước. Các cửa hàng bán thú cưng ở cả trong Nam và ngoài Bắc đang chạy đua nhập "tiểu sư tử" về để đáp ứng nhu cầu của người chơi.
Loại thỏ sư tử này vốn là một loại thỏ lai có nguồn gốc xuất xứ từ các nước Tây Âu, được du nhập về Việt Nam qua những du học sinh. So với giống thỏ nhà thì loại thỏ này hoàn toàn khác biệt về hình dáng. Thỏ sư tử có thân hình mập hơn thỏ nhà, tai ngắn như tai mèo và có bộ lông xù rất dày ở phần đầu khiến cho chúng ta liên tưởng đến bờm sư tử.
Để tìm hiểu thêm về thú chơi này, chúng tôi dạo qua phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), phố chuyên bán những động vật cảnh ở Hà Nội. Đi dọc dãy phố, chúng tôi tìm mãi không thấy cửa hàng nào bán thỏ cảnh. Hỏi thăm mới biết, ở đây họ thường bán nhiều sinh vật cảnh trong cùng một cửa hàng. Chúng tôi bèn ghé vào một cửa hàng mà bên ngoài treo rất nhiều lồng chim để hỏi. Chủ cửa hàng là anh Hùng cho biết: "Chúng tôi có bán thỏ cảnh giống thỏ sư tử nhưng đang hết hàng. Chúng tôi tạm thời chưa nhập về, nếu có cũng chỉ nhập theo đơn đặt hàng trước".
Anh Hùng cho biết thêm: "Vì giá loại thỏ này rất cao nên hiện tại nhiều cửa hàng không dám nhập về ồ ạt. Hiện tại, thời tiết ẩm thấp, nếu không cẩn thận thỏ sẽ bị bệnh và chết, dễ gây thiệt hại cho người bán, trong khi mặt hàng này khá kén khách".
Hiện tại, giá một con thỏ sư tử trưởng thành dao động từ 1,5 tới 2 triệu đồng. Trong khi đó, những con thỏ từ 3 - 5 tháng tuổi có giá dao động từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng, tùy vào hình dáng và trọng lượng mỗi con. Đặc biệt, có những con bị đẩy giá lên cao ngất ngưởng chỉ vì gặp được khách "sộp".
Những vị khách này sẵn sàng trả tiền cao gấp đôi giá thị trường chỉ vì gặp được con thú mà mình thích. Cũng bởi giá cao như vậy cho nên không phải ai cũng có thể tiếp cận thú chơi này.
Một con thỏ sư tử được rao bán trên mạng.
Mặt khác, loài thỏ vốn sống bầy đàn và có đặc tính sinh hoạt xã hội cao. Những người chơi loại thỏ này thường phải mua một đôi trở lên, chứ rất ít khi mua lẻ từng con một, nếu không thỏ sẽ biếng ăn và chậm lớn, dễ phát sinh nhiều bệnh tật và nguy hiểm hơn là có thể lây bệnh sang cho người.
"Bởi thế, tiền vốn người mua phải bỏ ra nhiều, trong khi người bán chúng tôi cũng không dám tùy tiện nhập. Hiện nay, những ai có nhu cầu mua thỏ sư tử phải đặt hàng trước một tháng và đặt cọc một nửa tiền thì chúng tôi mới lấy hàng. Bởi lẽ, loại thỏ này được tiêu thụ khá chậm, chăm sóc không cẩn thận dễ mất cả chì lần chài", anh Hùng cho biết thêm.
Cô Nguyễn Hải Thanh (phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội), một khách hàng cho biết: "Giống thỏ này cần chăm sóc khá cầu kì. Nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến thỏ bị bệnh và cắn phá đồ đạc. Thường người nuôi phải đảm bảo cho thỏ hấp thụ một số lượng lớn các thức ăn như cỏ khô, nhiều chất đạm và ít đường. Chế độ dinh dưỡng hợp lí sẽ giúp thỏ tránh được các bệnh về tiêu hoá, răng miệng, hạn chế chúng cắn phá đồ đạc".
Kinh doanh "tiểu sư tử" hốt bạc
Với những dân chơi có máu kinh doanh, việc buôn bán loại thú cưng này mở ra một tương lai hết sức tươi sáng. Hiện nay, do hệ thống phân phối ở Việt Nam chưa nhiều, giá cao nên nhiều dân chơi đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng này. Nắm được đặc tính tự nhiên của thỏ là khả năng sinh sản cao, nhu cầu sinh sản cũng cao (thường là 5 - 6 lứa/năm) nên nhiều người đã cho những chú thỏ cưng của mình sinh sản rồi bán những chú thỏ non cho người muốn mua. Giá cả tuy không thể đắt bằng giá thỏ thuần chủng nhưng vẫn có thể kiếm được món tiền kha khá.
Bạn Trần Hải Yến (sinh viên trường đại học Thương mại Hà Nội), con gái cô Thanh, cho biết: "Nhà em có nuôi hai đôi thỏ sư tử để cho sinh sản. Ban đầu, em mua về vì nhìn chúng rất đáng yêu, muốn nuôi nó như thú cưng trong nhà. Sau một thời gian, em thấy nhiều bạn trẻ lên mạng hỏi mua thỏ sư tử mà không biết nơi nào bán, em đã nảy ra ý tưởng lập một diễn đàn buôn bán thỏ sư tử trên mạng. Như vậy, em vừa có thể tiếp xúc với những chú thỏ con đáng yêu, vừa có tiền để cải thiện thu nhập và theo đuổi những niềm đam mê khác".
Tuy nhiên, theo bạn Yến, công việc cho thỏ sinh sản không đơn giản chút nào và phải đòi hỏi người nuôi rất nhiều công sức. Thỏ mang thai khoảng 35 ngày. Trước khi đẻ, thỏ cần được ăn nhiều cám, củ cải, rau quả tươi để tránh táo bón và có nhiều sữa nuôi con. Thỏ cũng cần phải ăn nhiều cỏ phơi khô để tránh bụng chứa quá nhiều nước làm ép thai. Nếu thỏ đẻ vào mùa đông, ta cần phải thắp đèn sưởi ấm ổ và thỏ con, nếu không thỏ con rất dễ bị chết.
Tuy nhiên, theo Yến, việc chăm sóc thỏ con mới thật sự vất vả và bận rộn. "Nhiều khi bận rộn như nuôi con mọn, bởi thỏ đẻ một lứa từ 5 - 7 con nên chăm sóc rất vất vả. Nếu không cẩn thận thỏ mẹ sẽ ăn hoặc dẫm chết chúng. Thỏ con vốn rất khó nuôi, phải giữ ấm thường xuyên và cho ăn làm nhiều bữa. Nếu không cả lứa không giữ được con nào, vừa phí công, vừa phí sức", Yến nói.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ đã lập diễn đàn để chia sẻ, trao đổi thông tin, hình ảnh về cách nuôi dưỡng, chữa bệnh và mua bán thỏ sư tử khiến cho phong trào kinh doanh mặt hàng này càng thêm nhộn nhịp. Tuy nhiên, cũng như nhiều trào lưu nuôi thú cưng khác đã từng "làm mưa làm gió" tại Việt Nam, trào lưu này sẽ đến lúc bị bão hòa và việc bán thỏ sư tử giống không còn phát triển được nữa.
Trần Hải Yến tỏ ra là người thức thời cho biết: "Việc bán thỏ giống hiện nay vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên, chỉ một thời gian nữa, khi trào lưu này lắng xuống, việc chăm sóc thỏ con sẽ trở thành một gánh nặng. Bởi thế, bản thân em luôn lấy mục tiêu nuôi vì sở thích làm đầu, chứ không hề có ý định phát triển việc nuôi thỏ sinh sản".
Cẩn thận lây bệnh từ thỏ cưng Bác sĩ Trần Thanh Tâm (bác sĩ tư vấn ở Tạp chí Sức khỏe và Đời sống) cho biết: "Bệnh lây từ thỏ sang người do vi khuẩn Tularemia gây ra. Các triệu chứng bệnh thường gồm: Sốt, đau đầu, buồn nôn. Tổn thương ban đầu có thể ở đầu chi hoặc trong mắt, sau đó dễ gây ra viêm phổi. Nếu ăn hoặc uống phải vi khuẩn thì có thể có cả triệu chứng viêm dạ dày. Bệnh nhân thường có lách to, ban trên da, đau khớp và mệt nặng. Biến chứng của bệnh là viêm màng não, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm tủy xương". |
Phạm Thiệu