Ma trận xếp hàng
10h30 sáng ngày 11/11, H&M mới chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội nằm trong trung tâm thương mại Vincom Royal City. Nhưng trước đó hàng giờ, hơn 1.500 tín đồ thời trang đã có mặt để trở thành những người đầu tiên sở hữu sản phẩm mới nhất của thương hiệu thời trang đến từ Thụy Điển.
Sau chưa đầy 2 tiếng kể từ khi chính thức mở cửa, lượng người đổ về store H&M Hà Nội đã lên tới 2.000 người. Đến TTTM Royal City trưa 11/11, PV không khỏi sửng sốt trước dòng người quá đông đúc, để được vào store H&M, khách hàng xếp hàng dài mấy cây số từ trên sảnh của trung tâm đến vào bên trong trung tâm. Vì lượng người quá đông, nhân viên H&M bố trí lối xếp hàng như ma trận. Đặc biệt, có những khách hàng xếp hàng từ 2h sáng hay phải xếp hàng ngoài trời nắng để chờ đến lượt vào mua sắm. Nhân viên của H&M đã bố trí nước, gối ôm, ô cho khách hàng vì phải chờ đợi quá lâu.
Chị Thùy Dung, một khách hàng đã nhẫn nại xếp hàng chờ vào store H&M cho biết: “Mình đã đứng xếp hàng ở đây từ sáng mà vẫn chưa được vào. Không ngờ số lượng khách đến đây lại đông như thế. Vì hàng thời trang này rất nổi nên mình đến để check-in và lựa chọn một bộ thời trang nhất năm nay”.
Trước đó, vào tháng 9, H&M cũng mở một store đầu tiên tại TP. HCM. Hôm 9/11, thương hiệu thời trang Zara khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội và cũng gây một cơn "sốt nhẹ" với khách hàng.
Việt Nam là thị trường thứ 68 trên toàn cầu và là thị trường thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á của H&M. Cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam khai trương trong ngày 9/9 ở TP.HCM vừa qua là cửa hàng thứ 5 mở cửa từ đầu năm 2017 đến nay.
Nhà bán lẻ thời trang nhanh này được cho là đã nghiên cứu thị trường Việt Nam nhiều năm trước khi chuẩn bị cho cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM. Công ty thời trang H&M đang tìm kiếm rất nhiều địa điểm khác nhau để mở một số lượng lớn cửa hàng trong 2 năm tiếp theo.
Tùy theo từng tỉnh thành và nhu cầu mua sắm mà các cửa hàng của thương hiệu này sẽ có quy mô phù hợp. Tham vọng của H&M muốn trở thành là điểm đến thời trang số 1 ở Việt Nam trong vài năm tới.
Lối đi nào cho thời trang Việt?
Có lẽ, ai cũng biết đến một thương hiệu thời trang Việt, đó là NEM. Thương hiệu thời trang này xuất hiện từ năm 2002, là một trong những thương hiệu thời trang dành cho phái đẹp, với các thiết kế lấy cảm hứng chủ đạo từ thời trang Pháp. Các dòng sản phẩm hướng đến đối tượng khách hàng là phụ nữ công sở từ 20 đến 40 tuổi. Hiện NEM Fashion đã có 44 cửa hàng trên toàn quốc và gần 1/2 số này tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.
Thế nhưng, mới đây, theo thông tin của báo chí Nhật Bản, vào ngày 8/11, Công ty Stripe International Inc, một công ty bán lẻ quần áo thời trang của Nhật Bản, công bố đang đàm phán thỏa thuận hợp tác với công ty thời trang NEM của Việt Nam. Chi tiết của thỏa thuận hiện vẫn chưa được hai bên tiết lộ.
Được biết, Công ty cổ phần Stripe Việt Nam sẽ là đơn vị hợp tác với NEM trong lĩnh vực kinh doanh may mặc.
Phải chăng thời trang Việt ngày càng bị lép vế trước sự “đổ bộ” ồ ạt của các hãng thời trang nước ngoài? Và người tiêu dùng Việt ngày càng chuộng đồ ngoại.