Chinh phục đỉnh Phan (cách mà dân du lịch thường gọi) cảm giác được chạm tay vào cái chóp cao nhất Đông Dương vẫn làm cho con tim những kẻ mê du lịch mạo hiểm đập loạn nhịp dù để có được điều đó có thể gặp không ít nguy hiểm.
"Chân yếu tay mềm" cũng leo...Phan-xi-pang
Để chồng sách cao khoảng 10cm giữa nhà, đứng hai mũi chân lên và kiễng chân hết mức rồi hạ xuống gót chạm đất. Hình ảnh hì hục luyện tập mỗi ngày để giữ thăng bằng được Lê Phương Thảo, một người chuyên làm phiên dịch tiếng Pháp thực hiện hàng ngày.
Đặc biệt là khi đứng lên phải kiễng đầu mũi chân cho đến khi chân mỏi không làm được nữa thì thôi. Bài tập giúp phá cơ chân, trong khoảng 4-5 ngày đầu sau khi tập, cơ chân căng đến nỗi mỗi bước của Thảo như của hoàn toàn một người khác. Không chỉ bạn bè mà cả bố mẹ cô cũng khá bất ngờ vì sự chăm chỉ tập thể dục một cách bất thường của Thảo. Tất cả chỉ vì cô muốn một lần được thử cảm giác chạm tay vào chóp Inox và hét vang trên "nóc nhà Đông Dương" như những người bạn của cô đã từng làm khi leo Phan-xi-pang.
Chinh phục "nóc nhà Dông Dương" là mơ ước của rất nhiều người
Thảo chia sẻ rằng, bài tập này sẽ giúp cơ bàn chân quen với việc đi bằng mũi, dễ cho việc leo núi, không bị chuột rút. Đồng thời việc đổi các tư thế tập giúp cho việc khi lên xuống, giẫm chân lên các hòn đá nhỏ không bị trẹo chân, đau chân. Đó chỉ là một trong số ít các bài tập mà theo Thảo là phải luyện tập nếu muốn chinh phục đỉnh Phan-xi-pang.
Cùng với luyện tập giữ thăng bằng cơ thể, mỗi ngày, Thảo và những người bạn cùng thực hiện chuyến đi còn phải tập đeo ba lô nặng khoảng 3-5kg và tập đứng lên ngồi xuống liên tục. Không chỉ Thảo, mà rất nhiều bạn trẻ đang nuôi ý định sẽ chinh phục "nóc nhà Đông Dương" vào đợt nghỉ lễ dài ngày sắp tới. Trên nhiều diễn đàn du lịch, giới trẻ đang nô nức chuẩn bị cho hành trình chinh phục đỉnh Phan-xi-pang vào dịp 30/4 năm nay.
Theo kinh nghiệm của những người từng thực hiện hành trình này, để có đủ sức khỏe chinh phục thử thách mà không bị bỏ cuộc giữa chừng, yêu cầu đầu tiên là thể lực. Leo Phan sẽ không đơn giản như leo núi ở chùa Hương mà đó là những đường mòn xuyên rừng, dòng suối rất hẹp, có những đoạn phải vượt đá rất nguy hiểm. Nhưng có những đoạn của hành trình, du khách được đi qua rừng trúc và rừng thảo quả, cũng như khám phá một hệ thực vật phong phú. Phong cảnh nơi đây thì thật sự rất hấp dẫn, núi rừng hung vĩ, mây mù, cỏ cây, suối và thời điểm tháng 3, tháng 4 các loài ở Phan-xi-pang nở khá nhiều.
Thót tim trong hành trình chạm tay... chóp Inox
Anh Đỗ Võ Tuấn Dũng, một trong các thành viên của nhóm đưa Vespa cổ lên "nóc nhà Đông Dương" từng được công nhận kỷ lục Việt Nam chia sẻ: "Chinh phục "nóc nhà Đông Dương", chạm tay vào chóp Inox là một cảm giác vô cùng khó tả. Tuy nhiên để chuẩn bị cho chuyến đi này, bản thân tôi và tất cả các thành viên phải mất gần hai tháng chuẩn bị để có thể yên tâm chinh phục mơ ước của mình. Mỗi người chúng tôi có cách luyện tập riêng của mình. Mỗi ngày, tôi đều phải dành hơn một tiếng để chạy lên và xuống tòa nhà 16 tầng ngay cạnh khu mình ở. Những ngày đầu, hai chân mỏi nhừ, chân không nhấc lên nổi. Còn các thành viên khác, người thì mỗi tối sau giờ làm việc đều phải có cách luyện tập của riêng mình nếu không muốn bị thương giữa đường".
Leo Phan-xi-pang đang là trào lưu "hot" của giới trẻ hiện nay cũng như mọi lứa tuổi. Với khát khao thể hiện mình, khẳng định bản lĩnh và trên hết là du lịch, dã ngoại mạo hiểm. Giới trẻ đang thực hiện chúng theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù có rất nhiều các công ty tổ chức tour cho du khách chinh phục đỉnh Phan-xi-pang nhưng chủ yếu các bạn trẻ tự lập nhóm, tổ chức tour riêng.
Những chàng trai nhóm Vespa Hà Nội đã từng đưa Vespa lên đỉnh Phan-xi-pang
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, trên các trang chuyên dành cho dân du lịch tự do như phuot.vn. trek.vn...đều có những topic riêng cho các thành viên muốn việc chinh phục Phan-xi-pang. Mọi thông tin về việc làm sao để có chuyến đi an toàn, lịch xuất phát của các nhóm leo Phan-xi-pang được cập nhật liên tục. Dù có những thông tin khá chi tiết được dân du lịch mạo hiểm chia sẻ rộng rãi nhưng với những tour tự tạo, các tín đồ du lịch mạo hiểm vẫn có thể gặp phải những tình huống ngoài dự tính, nguy hiểm thót tim.
Anh Đặng Huy An (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Việc đi du lịch theo tour tự tạo mà chúng tôi hay gọi là phượt có lẽ không quá xa lạ với nhiều người. Tôi cũng nghĩ mình có kha khá kinh nghiệm cho những chuyến đi như vậy từ thời sinh viên. Tôi và bạn bè đã từng đặt chân lên Lũng Cú (Hà Giang), Mù Căng Chải (Yên Bái)... Tuy nhiên leo Phan-xi-pang lại là một việc hoàn toàn không đơn giản". Anh An kể lại hành trình "đau thương" khi cả nhóm leo đến gần Trạm Tôn sau đó phải quay lại vì... xâm nhập vườn quốc gia bất hợp pháp. Do chưa nắm được thủ tục để được vào vườn quốc gia, nên cả nhóm thành ra leo Phan-xi-pang "chui". Cả nhóm phải viết tường trình, bị lập biên bản vì tội ra vào rừng trái phép và nộp tiền phạt gần 2 triệu đồng.
Từ một "rừng" kế hoạch được cả nhóm "vẽ" ra khi leo lên đỉnh Phan-xi-pang bỗng chốc tan biến, thay vào đó là quay về "chôn chân" ở thị trấn Sapa (Lào Cai) trong thời gian còn lại của kỳ nghỉ. Không khí chuẩn bị đi vui vẻ bao nhiêu thì giờ trở nên khó chịu bấy nhiêu. Các thành viên trong nhóm quay lại đổ lỗi cho An. Kỳ nghỉ biến thành một cuộc cãi vã của cả nhóm. Đến giờ An vẫn "ngán" khi được ai đó rủ leo Phan-xi-pang theo cách tự lập nhóm và tổ chức tour đi.
Không phải quay về giữa đường, nhưng với việc chọn nhầm thời điểm tổ chức chuyến đi, nhóm của Lương Hải Yến, sinh viên học viện Ngân hàng đã gặp phải cơn ác mộng bão rừng ở vườn quốc gia. Yến kể lại rằng, cả nhóm không có thời gian nên chọn đi vào tháng 6. Tuy nhiên đây là thời điểm có nhiều cơn bão rừng. Đó là điều khủng khiếp nhất với những ai leo Phan-xi-pang. Những cơn mưa rừng xối xả khiến tất cả đều ướt sũng quần áo, giày dép. Bão rừng ập về, dù chỉ cách đích chưa đầy 1km nhưng đoạn đường trở nên vô cùng khó khăn khi mà mưa làm những con đường mòn trở thành những dòng thác nhỏ.
Trong tâm trí Yến nhớ như in hình ảnh bước chân của mỗi thành viên vừa đặt xuống, nước đã muốn cuốn đi. Những dốc đá sau trận mưa dữ dội biến thành các vũng lầy. "Dù được hướng dẫn viên người Mông nhiệt tình hướng dẫn và mang đồ cho các thành viên nữ nhưng có một cô gái đã phải bỏ cuộc giữa chừng vì chật khớp chân. Cả đoàn một nửa đi tiếp và một nửa ở lại. Chính vì thế tôi nghĩ ai có ý định thực hiện hành trình này thì việc chuẩn bị sức khỏe và luyện tập trước từ hai đến ba tháng là không thừa chút nào. Chuyến leo Phan-xi-pang thành công sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ theo suốt cuộc đời của tôi vì sự nỗ lực, tinh thần bạn bè và trên hết là chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân", Yến chia sẻ.
Theo bạn Trần Thị Thu (nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội) người đã từng tham gia leo Phan - xi - pang thì ước mơ được chinh phục "nóc nhà Đông Dương" của những người trẻ là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên theo Thu, kèm theo việc muốn chinh phục thiên nhiên, chinh phục bản thân thì tất cả ai đã từng đi và có ý định thực hiện chuyến đi này cần có ý thức bảo vệ môi trường không xả rác ra rừng. Đặc biệt nếu leo Phan-xi-pang nên đi theo tour do trung tâm du lịch vườn quốc gia tổ chức hoặc do các công ty du lịch tổ chức vì phải băng qua núi rừng trùng điệp, núi cao hiểm trở nên nhiều nguy hiểm rình rập và có độ rủi ro cao. Nếu đi chui hoặc qua hướng dẫn viên tự do thì khi xảy ra sự cố sẽ không có ai đại diện về mặt pháp lý để giải quyết hậu quả mà chỉ có du khách thiệt. |
Hoàng Mai