Nhiều người cho rằng, đi xe đạp điện là chuyện... bình thường, không có gì là sành điệu cả. Nhưng theo chân giới trẻ đi mua và bàn về loại xe này mới thấy rằng, việc lựa chọn xe đạp điện thời trang đang là trào lưu "nóng" của nhiều bạn trẻ. Có người trẻ đã dành tiền cả năm mới “tậu” được một chiếc xe đạp điện... ra hồn.
Các bạn trẻ cho biết, họ gọi xe đạp điện thời trang là... "xế điếc" vì xe có tốc độ gần bằng xe Cub 50 nhưng máy không phát ra tiếng ồn như xe máy. Và chỉ những teen "quý tộc" mới dùng được xe này vì... giá cả.
Đắt như... xe máy
Chị Lê Thục Hiền, chuyên viên y tế, làm ở Bảo hiểm Y tế Việt Nam (phố Vọng, Hà Nội) đang lúi húi chọn xe đạp điện cho cô con gái đang học lớp 10. Chị Hiền cho biết, con gái chị từ lâu đã mơ ước có chiếc xe đạp điện màu hồng để đi cho "bằng bạn bằng bè". Nhìn đủ loại xe đạp điện thời trang bày bán khiến chị hoa mắt khi tham khảo giá. Xe rẻ nhất cũng có giá 9,8 triệu đồng và đắt nhất là loại xe đạp điện nhập khẩu từ Nhật về với giá 20 triệu đồng, đúng bằng giá của một chiếc xe máy.
Ở Hà Nội "xế điếc" được bày bán ở những phố chuyên xe đạp như Tôn Đức Thắng, Bà Triệu, Phố Huế, Nguyễn Lương Bằng... và một số cửa hàng gần Công ty xe đạp Thống Nhất trên phố Thái Hà. Thị trường "xế điếc" có rất nhiều loại để giới trẻ lựa chọn, vì xe bán chủ yếu cho tuổi teen nên màu sắc và mẫu mã rất phong phú, có thể kể đến những thương hiệu được ưa chuộng như Honda, Yamaha, HKBike, Giant, Bridgestone, Songtian...
Một số xe nhập khẩu về từ Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc có tem đảm bảo chất lượng và giấy tờ xuất xứ hàng hóa. Nhiều bạn trẻ cho biết, nhiều người nghĩ rằng, chỉ nhà nghèo mới đi xe đạp nhưng không phải, giờ đây phải là "quý tộc" mới đủ tiền sắm "xế điếc" để đi bởi không phải ai cũng "cam lòng" bỏ từ 10 - 20 triệu đồng để mua xe đạp, cho dù nó là loại xe đạp điện, dùng ắc quy sạc điện là có thể "rồ" ga như xe máy.
Tại cửa hàng N.T trên phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội có bày bán khoảng hơn 50 chiếc xe đạp điện với đủ mẫu mã, thương hiệu. Lúc chúng tôi đến, chủ cửa hàng xe đạp đang giới thiệu sản phẩm cho một khách hàng nữ. Ở cửa hàng này có tất cả các loại "xế điếc" mà thị trường có, từ xe có gắn mô tơ kéo đến những loại xe được thiết kế chi tiết, gọn nhẹ như bình điện nằm trong thân xe, hay loại mô tơ gắn dưới gầm xe giống một chiếc xe ga thực thụ với vận tốc 35 - 40km/h.
Hiện nay, xe đạp điện thời trang được cải tiến, thay vì phải dùng các loại sạc ắc quy, người dùng có thể dùng loại pin sạc gọn nhẹ hơn, kéo dài thời gian di chuyển. Nếu trước đây, sau khoảng 30km là phải sạc ắc quy thì nay quãng đường có thể tăng lên 60 - 80km thì mới phải cắm pin.
Cửa hàng bán xe đạp điện đắt khách
Anh Tiến, chủ cửa hàng xe đạp N.T cho chúng tôi biết, để duy trì độ bền của pin, xe mua về chỉ nên sạc từ 6- 8 tiếng, không nên để sạc qua đêm để tránh làm chai pin, loại xe đạp điện nhập khẩu từ Nhật giá 20 triệu đồng, sau khi sạc 8 tiếng, có thể đi được 80km thì mới phải sạc tiếp, nhưng nếu đi hai người thì chỉ 60km là người dùng phải nạp điện vào vì trọng lượng ngồi lên xe liên quan đến sự hao mòn năng lượng của "xế điếc".
Mua cho bằng chị bằng em
Theo khảo sát của chúng tôi, dù không phải mùa tựu trường nhưng các cửa hàng bán xe đạp điện vẫn đắt khách. Tại nhiều cửa hàng bán xe đạp điện, các phụ huynh đưa con cái đến mua "xế điếc" nhộn nhịp như hội vì... trào lưu.
Anh Trần Văn Nguyên (phố Đằng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Cả nhóm bạn học của con gái ai cũng có xe đạp điện thời trang đi học nên tôi cũng phải "cắn răng" tiết kiệm tiền mua cho cháu, dù số tiền 10 triệu đồng không phải là nhỏ. Gia đình cũng tính đến phương án là đưa đón cho đi học nhưng hơi khó, vì bố mẹ làm giờ hành chính, 5h mới tan sở không thể đưa đón con giờ giấc khác nhau được.
Cộng với việc năm nay cháu học lớp 9, phải đi học thêm nhiều nên chúng tôi quyết định mua xe cho cháu đi học để đảm bảo sức khỏe cho năm cuối cấp".
Chị Thu Trang, chủ cửa hàng bán xe đạp điện trên phố Bà Triệu cho biết, hàng ngày cửa hàng bán được từ 5- 7 chiếc "xế điếc". Kỷ lục là cuối tháng 12 năm ngoái, một ngày cửa hàng bán được 12 xe đạp điện, do biết nhu cầu vẫn còn tăng nên dù vừa mới tết xong, cửa hàng đã bổ sung nhiều loại xe đạp điện có mẫu mã đẹp, trẻ trung với giá trung bình là 12 triệu đồng/chiếc.
Loại xe được ưa chuộng nhất là những xe đạp điện bánh to, vành đúc, kiểu dáng thời trang vì loại xe này đảm bảo an toàn cao với bảng điện tử hiển thị thông số sạc pin, khách hàng có thể biết lúc nào pin sắp hết để chủ động sạc chứ không “tù mù” như các loại xe đạp điện cũ - loại xe mà chủ xe có thể "cong lưng" đạp xe bất cứ lúc nào vì không có bảng thông báo lượng pin.
"Xế điếc" hiện nay có hai loại yên: Yên rời được lắp thấp hơn phía sau xe đạp điện hoặc yên liền giống như xe ga Attila, hai loại yên này đều có thể chở thêm người phía sau. Với kiểu dáng hiện đại, trẻ trung, nhiều người trẻ "nằng nặc" đòi phụ huynh mua bằng được xe để đi học, nếu không sẽ dọa bỏ... ăn khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng.
Yến Trang (lớp 11, trường PTTH Việt Đức, Hà Nội cho biết: "Em thấy nhiều bạn đi xe đạp điện, trông cá tính lắm. Thấy em thích nên bố mẹ đã mua xe cho em để đi học. "Xế điếc" phù hợp với cả con trai và con gái, nếu con trai chọn những màu trầm như đen, nâu, xám... để mua thì các bạn nữ có những màu thời trang như hồng, cam, xanh, trắng... lớp em có 40 bạn thì một nửa lớp đi "xế điếc". Có một vài bạn nhà giàu hơn thì đi xe đạp điện 20 triệu đồng, xe này đi ga rất êm, thời gian sạc điện ít mà đi được lâu...".
Công chức cũng “sốt” xe đạp điện
Không chỉ có giới trẻ mới "mê mẩn" xe đạp điện thời trang mà nhiều công chức trẻ cũng lựa chọn "xế nổ" để di chuyển đến cơ quan. Ngô Hải Anh, biên tập viên Công ty sách Nam Phương cho biết: "Từ khi xăng tăng giá, em đã rất băn khoăn về việc có nên mua xe đạp điện hay nên đổi xe ga đang đi thì một chị cùng cơ quan em rủ đi mua xe đạp điện do sự tiện dụng, thân thiện với môi trường mà không phải tốn tiền mua xăng, em đã đồng ý ngay.
Với một chiếc xe đạp điện giá 12 triệu đồng, hai ngày em mới phải sạc pin một lần, xe không có tiếng ồn, không khói bụi nên đi rất yên tâm. Nhiều bạn thấy em đi xe đạp điện thì cũng muốn đổi xe máy đi làm bằng xe đạp điện cho an toàn và tiết kiệm. Chỉ cần dậy sớm hơn một chút để đến cơ quan vì xe không nhanh bằng xe máy, còn lại em rất hài lòng khi đi làm bằng "xế điếc" thời trang".
Không chỉ có Hải Anh mà mới đây dân cư mạng cũng truyền nhau câu chuyện về một giám đốc công ty truyền thông tại Hà Nội. Mặc dù có ô tô đi làm, nhưng một tuần ba buổi, vị giám đốc này đến cơ quan bằng xe đạp điện trước con mắt ngạc nhiên của bạn bè và nhân viên.
Anh cho biết, ô tô hay xe đạp cũng là phương tiện di chuyển của con người. Không phải anh đến công ty bằng xe đạp để tạo scandal mà đấy là cách rèn luyện sức khỏe, thân thiện với môi trường. Cái mà những bạn trẻ hiện nay đang thiếu chính là sự trải nghiệm với cuộc sống. Với anh, dùng đạp điện đi làm là cách anh cảm thấy cuộc sống bình dị hơn sau những vòng xe.
Cẩn trọng với hộp pin Anh Trần Tâm, chủ cửa hàng bán xe trên phố Huế, Hà Nội cho biết, vì xe đạp điện thời trang có giá trị gần bằng xe máy nên giới trẻ cần bảo quản tài sản của mình, khi gửi xe nên khóa cẩn thận cả xe và hộp pin vì nếu hộp pin bị mất xe đạp điện không còn tác dụng nổ máy, mà sẽ phải dùng chân đạp như... xe đạp bình thường. Khi sử dụng, tránh sạc khi pin vẫn còn đầy, tốc độ của xe đạp điện nên để 25km/h để đảm bảo an toàn và tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, giá của chiếc "xế điếc" thời trang không phải rẻ, phải tùy vào điều kiện từng gia đình để "lên đời" xe đạp điện, đừng vì hai chữ "sành điệu" mà nhiều bạn trẻ "làm khó" bố mẹ mình. |
Lạc Thành