Ngẫu hứng Flash mob
Hình thức nhảy múa này du nhập vào Việt Nam thông qua những Clip tỏ tình độc đáo bằng Flash mob, hay những phân cảnh nhảy múa ngẫu hứng đầy sôi động của các bộ phim âm nhạc, và bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. ở TP. Hồ Chí Minh, hàng loạt các câu lạc bộ nhảy Flash mob ra đời, chủ yếu là từ các hội, nhóm của những trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố.
Theo bạn Nguyễn Tấn Hậu - Chủ nhiệm CLB Flash mob, trường ĐH Luật TP.HCM thì: "Flash mob dịch sát nghĩa là "một cuộc huy động chớp nhoáng", hiểu đơn giản hơn, Flash mob là hình thức nhảy múa một cách ngẫu hứng. Để bắt đầu một màn nhảy Flash mob, sẽ có một nhóm người tụ tập nhau ở nơi công cộng, họ nhảy múa, huy động mọi người trên đường phố cùng tham gia và sau khi nhảy xong họ tự động giải tán một cách nhanh chóng. Bất kể là ai, làm nghề gì, nếu muốn, đều có thể tham gia vào màn trình diễn đó". Và chính sự ngẫu hứng, bất ngờ, những điệu nhảy đậm chất "đường phố" cũng như tính "quần chúng" đã khiến hình thức nhảy múa này được giới trẻ trên toàn thế giới ưa chuộng.
Trình diễn Flash mob cần lựa chọn địa điểm phù hợp để tránh ách tắc giao thông
Ở TP. HCM, dễ dàng bắt gặp các nhóm bạn trẻ cùng nhau luyện tập Flash mob tại công viên hay những khu đất trống vùng ven. Trên các trang mạng xã hội như You tube, Face book, các diễn đàn dành cho tuổi teen, .v.v. cũng không khó để tìm thấy những clip nhảy Flash mob do chính teen Việt thực hiện. Các clip này mang đến những thông điệp rất ý nghĩa, gây được sự chú ý và sôi động không kém những màn trình diễn của nước ngoài.
Các kiểu Flash mob "kỳ quặc"
Bên cạnh những nhóm nhảy dàn dựng màn Flash mob sôi động, mang nhiều thông điệp ý nghĩa cũng có khá nhiều bạn trẻ hiểu sai lệch về Flash mob và sử dụng hình thức này để gây sự chú ý.
Điển hình như màn trình diễn "lạy gấu bông" của nhóm Improv Everywhere HaNoi (IEH). Sau khi đăng tải, clip "lạy gấu bông" đã khiến không ít người bị sốc. Trong khung cảnh thiếu ánh sáng, một bạn nam đeo khẩu trang đội gấu bông trên đầu chạy ra. Sau đó, có vài bạn trẻ chạy tới và quỳ sụp xuống lạy lấy lạy để, cứ một lát sau lại có hai ba bạn cùng tới lạy gấu bông và tiếp diễn như thế cho đến khi chàng trai bỏ gấu bông xuống thì đám đông đang quỳ lạy mới giải tán. Cảnh tượng này bị cho là "ma quái, kì dị", không phù hợp với thuần phong mỹ tục tại Việt Nam. Tương tự như thế, một nhóm Flash mob khác lại dàn dựng màn trình diễn "quái chiêu" không kém. Theo đó, các bạn trẻ đang đi đứng bình thường trên đường phố bỗng nhiên giơ tay lên bắn nhau rồi lăn đùng ra đất. Hành động này khiến người đi đường một phen giật mình, hoảng sợ. Sau khi bị cộng đồng mạng phản đối dữ dội, thành viên của các nhóm này đã lên tiếng nhận sai và cho rằng đó là những hành động nhất thời sốc nổi, chưa suy nghĩ cặn kẽ.
Về vấn đề này, bạn Phạm Trần Khánh Dương, đội trưởng đội Flash mob một CLB nhảy tại TP.HCM bày tỏ quan điểm: "Mỗi nhóm nhảy Flash mob sẽ có cách thể hiện khác nhau, tùy theo quan điểm của mỗi nhóm. Những màn "lạy gấu bông" hay "bắn nhau rồi lăn đùng ra đất" vẫn thu hút sự chú ý của những người đi đường, vẫn huy động được đám đông và nhanh chóng giải tán nhưng với mình đó không phải là Flash mob. Mà chỉ là những hành động kì quặc để gây sự chú ý. Khi chuẩn bị một màn trình diễn, điều đầu tiên mình nghĩ đến là tất cả mọi người có tham gia được không? Có phù hợp với văn hóa Việt Nam hay không? Và điều gì sẽ đọng lại trong lòng người xem? Đó mới là quan trọng".
Ngoài ra, vì bản chất của Flash mob là sự khuấy động đám đông nơi công cộng nên ở một khía cạnh nào đó các màn trình diễn Flash mob sẽ gây mất trật tự trên đường phố. Chính vì thế, các nhóm nhảy nên chọn địa điểm thật cẩn thận, tổ chức phải bài bản kỹ lưỡng, để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc như: ách tắc giao thông, gây gổ, ẩu đả, .v.v. đã từng có tiền lệ ở một số màn trình diễn tại Việt Nam và nước ngoài.
Ngọc Giàu