Lên sóng tập đầu tiên vào ngày 12/8 trên kênh YouTube, Date & Kiss (Hẹn và hôn), được sản xuất theo format từ MBC Holding Japan, dù đã gắn nhãn 18+ nhưng sau 2 tập phát sóng Date and Kiss vẫn phải nhận làn sóng chỉ trích gay gắt từ phía người xem bởi những màn hôn nhau phản cảm và quan niệm “hôn trước yêu sau” mà người chơi phải thể hiện. Thậm chí, việc cặp đôi hôn nhau rồi sau đó một người bước ra ngoài và chứng kiến người còn lại tiếp tục hôn người khác khiến khán giả phẫn nộ về giá trị của tình cảm đang bị hạ thấp.
Theo lời giới thiệu của nhà sản xuất khi phát hành trên Youtube cho biết: “Trong quá trình hẹn hò, cần thực hiện các tình huống giả định đang yêu nhau, nên sẽ có tiếp xúc, đụng chạm cơ thể. Các nhân vật phải dám thể hiện, mạnh dạn bày tỏ cảm xúc và có đụng chạm sexy thực sự. Chương trình đề cao cảm xúc cơ thể, động chạm, ánh mắt theo hướng phương Tây hiện đại nhiều hơn”.
Theo đó, trong chương trình, mỗi tập sẽ có 3 người chơi, gồm 1 nam và 2 nữ hoặc ngược lại. Riêng tập 3 có 2 chàng trai thuộc cộng đồng LGBT (thế giới thứ ba). Ở vòng đầu tiên, người chơi chính và hai ứng viên sẽ được bịt mắt, ngồi trò chuyện với nhau. Họ có quyền ôm, hôn, sờ, chạm đối phương.
Vòng thứ hai, lần lượt từng ứng viên sẽ bước vào một căn phòng tối với người chơi chính, cùng nằm trên một chiếc sofa, tự do trò chuyện, hôn hít và sờ soạng cơ thể nhau. Ứng viên còn lại sẽ theo dõi những cảnh này thông qua một màn hình từ phòng tối. Vòng cuối cùng, người chơi chính sẽ đưa ra quyết định hẹn hò cùng ai.
Tập 2, còn có cảnh chàng trai vô tư ôm ấp, vuốt ve vòng ba, dùng tay kéo váy của cô gái hay cô gái còn lại hôn đến tuột cả áo khiến người xem không khỏi đỏ mặt. Thậm chí, chương trình còn cho phép người chơi sử dụng rượu nhằm tăng sự kích thích khi ở bên nhau trong phòng tối.
Ngay ở tập đầu tiên, gameshow này đã bị lên án mạnh mẽ bởi không khác gì những bộ “phim người lớn” trá hình. Và sau khi phát sóng 3 tập, làn sóng phẫn nộ càng lúc càng dâng cao. Không ai có thể chấp nhận được những trò thô thiển đến bậy bạ của gameshow này.
Chương trình Anh chàng độc thân cũng gây nhiều tranh cãi. Mua bản quyền từ show truyền hình hẹn hò đình đám của nước ngoài The Bachelor, chương trình là hành trình đi tìm một nửa còn lại của chàng trai độc thân trong tổng số 25 cô gái tham gia. Việc những cô gái tranh cãi, thậm chí là hạ thấp bản thân để gây ấn tượng trong mắt chàng trai khiến người xem không khỏi bức xúc.
Để có góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn nhanh một vài bạn trẻ về gameshow hẹn hò ngày nay.
Anh Tuệ - Hà Nội cho biết: “Tôi thấy những chương trình thực tế hiện nay, nhất là chương trình hẹn hò khá nhạy cảm. Nhất là gameshow Date & Kiss thì nên đổi tên chương trường là tìm bạn tình thì đúng hơn là đi tìm người yêu. Bởi lẽ, tìm người yêu thì phải có những xúc cảm, có thời gian nói chuyện tìm hiểu lẫn nhau chứ không phải là những hành động ôm ấp, hôn hít ngay lần đầu tiếp xúc. Bản thân tôi cũng đã có người yêu và tôi không thể chấp nhận việc lựa chọn một nửa còn lại như thế”.
Có cùng quan điểm với anh Tuệ, chị Thảo – Hà Nội chia sẻ: “Mình thấy có những chương trình hẹn hò, đặc biệt là chương trình Date & Kiss vô cùng nhảm nhí, phản cảm, reo rắc quan điểm lệch lạc cho giới trẻ và chỉ mang tính chất câu view. Trong chương trình, người chơi có những hành động phản cảm như sờ soạng, ôm hôn quá mức, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt. Hơn nữa, đối tượng người xem không chỉ có các bạn thanh niên mà còn có cả trẻ em, khi các em nhỏ xem những chương trình này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng xấu tới bản thân các em”.
Chị Thảo cũng cho biết thêm: “Việc lần đầu tiên hai người không quen biết gặp nhau mà đã có nhưng hành động hôn mãnh liệt như thế là không thể chấp nhận được”.
Là một người có cháu nhỏ, ông Nguyễn Thanh Tâm (Hà Nội) tâm sự: “Theo tôi, việc phát sóng những chương trình hẹn hò có những màn thể hiện tình cảm thái quá trên các trang mạng xã hội, trên sóng truyền hình là không thể chấp nhận, vì có rất nhiều trẻ nhỏ theo dõi chương trình này và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc học hành, tâm lý của các cháu”.
Anh Thanh Nguyên, Kỹ sư xây dưng tại Hà Nội cho biết: “Mình thấy những chương trình hẹn hò ngày nay được xây dựng kịch bản không được ổn cho lắm. Nhiều chương trình có những nhìn nhận, quan điểm tình yêu, hôn nhân sai lệch. Chuyện hôn trước yêu sau là một quan niệm tìm tình yêu sai lệch. Tình yêu thực sự không chỉ nằm ở những đụng chạm, thân mật cơ thể. Hay chuyện một người đàn ông hẹn hò cùng lúc 25 cô gái theo tôi là quá coi nhẹ giá trị của phụ nữ, đi ngược lại với đạo đức, nếp sống của người Việt. Dường như, chương trình đang hạ thấp giá trị tình yêu khi biến tình cảm tốt đẹp thành một thứ nhu cầu không hơn không kém. Các gameshow này hầu như không có giá trị về giáo dục hay định hướng giới trẻ tới một lối sống văn minh hơn, mà hầu như chỉ mang nặng tính thương mại với mục đích chính là câu like, câu view để kiếm tiền”.