Những cách xưng hô, những lời lẽ nghe chướng tai ngay cả trong ngôn ngữ đời thường nay lại được đưa vào âm nhạc mà thứ âm nhạc ấy lại được một bộ phận giới trẻ ưa thích, đua nhau hưởng ứng.
Rapper kiêm nhạc sỹ Karik
Giới trẻ nghiện thảm họa?
Rap là thể loại nhạc ra đời vào khoảng những năm 1979 ở nước Mỹ. Nhưng chính nơi đó lại không đón nhận loại nhạc này. Những người trí thức, người có học, những gia đình có văn hóa không bao giờ nghe rap và cấm đoán con cái họ nghe thể loại nhạc này đơn giản vì nó xuất phát từ tầng lớp hạ lưu trong xã hội.
Ngày đầu, rap được biểu diễn bởi những tên du côn chính hiệu, những con người không có chỗ đứng trong xã hội. Những chuyện bất công, sự việc họ nhìn thấy hàng ngày, họ đều gửi vào rap. Do vậy, ngôn từ của dòng nhạc này không trau chuốt, rất giản dị, thậm chí là thô tục như chính cuộc sống của họ. Gồ ghề, thô ráp, bụi bặm, cục cằn nhưng gần gũi, ít nhất là với họ và với những người có hoàn cảnh như họ. Đó là nguồn gốc của rap. Nhưng hiện nay, một bộ phận giới trẻ tự sáng tác những ca khúc rap với những ngôn từ "bẩn", và oan uổng thay, những người chuộng nó lại gắn cho nó cái mác, đã là ráp là phải "bẩn".
Xin trích ra đây một đoạn lời trong ca khúc Ba thằng bạn của rapper nổi đình nổi đám trong giới trẻ hiện nay: "Tao có 1 thằng bạn thân khá là bản lĩnh/ Lúc nào mở miệng cũng nói chơi chung với tao không hề toan tính/ Nhưng sau lưng thì lại đâm chọt để cho tao mất bạn tình /What the f... ! nhiều khi tao không dám tin đó là bạn mình!/ Nhưng không sao! sống như vậy cũng hay/ Nhờ vậy tao mới tìm được điểm chung của đám súc vật và mày đề cao vậy thôi ! chứ thua xa chó nhà tao /Nếu không tin thì cứ nghe tiếp coi nó hơn mày chỗ nào! /Con rex nhà tao vẫn sủa hằng ngày nhưng cơm nó ăn không no /Còn mày ở không sung sướng và khi thấy anh em chết không lo /Và con rex hễ thấy ai đụng đến tao là nó cắn hoài không nhả/ Riêng mày thấy đầu gấu "thăm" tao thì lo kiếm chỗ núp trước trong nhà /Còn nhiều! Cái này là tao tóm tắt..."
Kỳ lạ thay, một bộ phận giới trẻ hiện nay đam mê thể loại nhạc này, đi đâu cũng thấy các nhóm teen ngâm nga những ca khúc dạng này, thậm chí còn cài làm nhạc chuông, nhạc chờ trong điện thoại. Một số bạn trẻ còn coi đó chính là linh hồn của họ và dùng mọi cách để bảo vệ trước mọi sự lên án về loại ngôn từ tục tĩu và thiếu tính giáo dục.
Nhạc sỹ Giáng Son cho rằng: "Đây là một dạng của thảm họa âm nhạc, càng ngày thảm họa càng lên đời. Dường như giới trẻ càng ngày càng nghiện thảm họa. Tôi đã lường trước được chuyện này. Với những người nghe nhạc thực sự sẽ không bao giờ click vào những đường link ấy bởi nếu chẳng may phải nghe thì sẽ phát điên vì không thể chấp nhận, không thể tiêu hóa được những loại âm nhạc như vậy".
Cần có luật hạn chế sự nổi loạn ngôn ngữ
Ca sỹ Trần Lập, thành viên của nhóm nhạc Bức Tường thì cho rằng: "Quan điểm về âm nhạc là tùy thuộc vào tư tưởng của từng người, tôi không bao giờ nghe ca khúc như vậy cũng chưa từng hưởng ứng dòng nhạc ấy. Mỗi dòng nhạc có một đời sống tư tưởng riêng. Trong âm nhạc có hai dòng tư tưởng là đố tục giảm thanh, đi thẳng vào cái xấu để lên án, phản ánh những thói xấu nhưng có những trường hợp lấy tục để giảm tục. Còn hiện tượng này thì tôi chưa lý giải được".
Rap bắt nguồn từ nước ngoài, từ dân da đen, từ âm nhạc đường phố nên thường bắt gặp những ngôn từ bậy không thể đưa vào trong âm nhạc, ca khúc. "Tùy theo hoàn cảnh xã hội, môi trường văn hóa của từng nước, làm sao có thể đưa những từ quá bậy bạ như ngoài đường ngoài chợ vào trong âm nhạc, như thế không thể gọi là âm nhạc. Chính những nhà quản lý không có biện pháp mạnh tay xử lý ngay từ những thảm họa đầu tiên nên những thảm họa ngày càng nặng hơn, phi văn hóa hơn. Một bộ phận giới trẻ lấy đó là niềm vui, coi đó là một trò chơi biến thái mà chẳng bị ai xử lý", nhạc sỹ Giáng Son cho biết thêm.
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ ngôn ngữ học, TS ngôn ngữ học Mai Xuân Huy cũng cho rằng: "Đây là một sự méo mó về ngôn ngữ và không thể chấp nhận được. Điều này gần như một bệnh hoạn. Giới trẻ dường như đã đi quá so với giới hạn. Âm nhạc là một trong những sự tinh túy về cảm xúc và tinh thần, nó đem đến cho người ta cái đẹp, cảm xúc từ âm thanh và từ ngôn ngữ.
Chức năng của âm nhạc cũng như nghệ thuật nói chung là chuyển tải chân - thiện - mỹ, phản ánh hiện thực, hướng con người ta đến điều thiện và làm con người rung động trước cái đẹp. Đó là định nghĩa cổ điển". Nhưng trong quá trình phát triển với một xã hội hiện đại thì hình như hết khôn người ta dồn đến dại. Chán những cái nghiêm túc thì tìm đến những thứ nhố nhăng để giải trí. Do vậy mà sinh ra những loại nhạc rap tự chế.
Ông Huy cho biết: "Giống như người lớn nói đừng vi phạm luật giao thông hay đeo khẩu trang khi ra đường, thì một số người trẻ luôn có xu hướng muốn làm ngược lại. Không thích tuân theo cái đúng, thích đi giữa đường hay đi bên lề trái của chuẩn mực là sở thích của giới trẻ. Thực ra đây là một kiểu chơi trội, thích khác người, muốn khẳng định cá nhân, muốn tìm lối thoát về tư tưởng, và đơn giản giống mọi người là không chịu được. Đây là một kiểu nổi loạn". Về mặt hậu quả, ông Huy cho rằng hiện tượng này đang giết chết ngôn ngữ, giống như làm ô nhiễm bầu không khí, vấy bẩn ngôn ngữ của dân tộc, làm hoen ố tâm hồn của những người trẻ trong sáng.
Tìm giải pháp cho vấn đề này, ông Huy cho rằng phải dựa vào Luật. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên ra quy định về ngôn từ của âm nhạc, ca từ phải có văn hóa. Ngoài ra Viện ngôn ngữ đang làm công trình tư vấn cho Chính phủ về Luật ngôn ngữ, quy định về tất cả ngôn ngữ trên truyền thông đại chúng, trên báo chí và cả trong âm nhạc. ông Huy nói: "Bố mẹ dạy không được, nhà trường dạy không được nên cần có Luật mới có thể hạn chế được những hiện tượng nổi loạn trong ngôn từ này. Nói chung đây là vấn đề khó để kiểm soát".
Lại Quỳnh