Về "làng tò he" học làm... "nghệ nhân"
Theo tìm hiểu của PV, thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ đã tìm về làng nghề Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội)- làng nghề nặn tò he duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại cho đến ngay nay- để học cách làm mâm ngũ quả bằng bột hay những món đồ chơi dân gian. Tại đó, họ được các nghệ nhân dạy cách nhào bột, se bột và công đoạn chế tác các tác phẩm theo ý muốn. Bằng bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, chỉ trong vài phút, những nghệ nhân làng Xuân La đã biến bột gạo thành vô vàn chú tò he ngộ nghĩnh, đáng yêu và những mâm ngũ quả giống y như thật.
Thu Hà (ngõ 143, đường Giải Phóng, Hà Nội) chia sẻ, khoảng gần 4 tháng nay, chủ nhật nào cô và đám bạn cũng tìm về nhà nghệ nhân Đặng Văn Thảo ở "làng tò he" Xuân La để học làm đồ chơi, mâm ngũ quả bằng bột... Với cô, đây là thú vui sau những ngày làm việc vất vả, mệt nhọc. Hà bảo rằng, cô cũng muốn dành tặng bố mẹ một sự bất ngờ nhân dịp Tết Nguyên đán sắp đến bằng việc tự tay làm một mâm ngũ quả bằng bột thật ý nghĩa. Hà tâm sự, thời trẻ mẹ cô rất yêu thích mâm ngũ quả bằng bột.
Hà cho biết, để học được cách làm mâm ngũ quả bằng bột, người học phải kiên nhẫn và có sự khéo léo. Nguyên liệu chính để làm là gạo tẻ trộn với một phần gạo nếp, nhưng theo tỷ lệ ra sao để bột gạo phải dẻo, dễ nặn và không được dính tay lại là một bí quyết riêng của mỗi nghệ nhân, đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm lâu năm. Gạo sau khi được trộn sẽ đem ra xay nhuyễn cho thật mịn, trộn với chút nước rồi phơi khô. Thứ bột ấy được trộn với nước màu, đem đồ chín thành bột nặn. Còn về nước màu, những nghệ nhân lâu năm của làng Xuân La vẫn luôn dùng các màu tự nhiên, chủ yếu được chế từ các loại lá cây hay rau củ ăn được. Ví dụ như màu đỏ có thể được lấy từ quả gấc, màu vàng chiết từ củ nghệ, còn lá giềng sẽ cho màu xanh...
Theo lời kể của Hà, sau nhiều ngày học làm "thợ nếp"- nặn đồ chơi, hoa quả bằng bột nếp, cô được nghe các nghệ nhân trong làng kể về một phong tục của người dân đất tổ tò he Xuân La. Ấy là, mỗi rằm tháng 8, người dân Xuân La lại dâng lên tổ tiên mâm ngũ quả bằng bột nặn tò he, mong một mùa an vui, hạnh phúc.
Những mâm ngũ quả được làm từ bột nếp giống y như thật (Ảnh lớn). Nghệ nhân làm mâm ngủ quả Nguyệt Ánh (Ảnh nhỏ).
Không chỉ riêng Hà mà rất nhiều bạn trẻ say mê nặn đồ chơi, mâm ngũ quả bằng bột. Với Kiều Liên (Tây Hồ, Hà Nội), thú vui làm hoa quả bằng bột nếp được nhen nhóm sau nhiều lần đến công viên Thống Nhất Hà Nội chơi và bắt gặp người bán tò he trổ tài. Sau những lần được chứng kiến các "nghệ nhân" nặn đồ chơi dân gian, những bông hoa giống y như thật... cô đã bị "hút hồn". Điều đặc biệt cuốn hút Liên còn bởi mùi thơm thơm của bột nếp tỏa ra từ những món đồ chơi đó. Sau này, cô được bạn bè giới thiệu đến nhà nghệ nhân Trương Hữu Ba (Nguyễn Siêu, Hà Nội) học làm mâm ngũ quả bằng bột. Cô còn thường xuyên lên mạng, đến hiệu sách tìm hiểu các tư liệu làm hoa, quả từ bột nếp.
Người giữ hồnTết xưa
Trong những gia đình làm nghề nặn mâm ngũ quả bằng bột nếp năm xưa, nay chỉ còn vài ba nhà vẫn theo nghề cũ. Bà Phạm Nguyệt Ánh (xóm Cổng Hậu, làng Nhân Chính, Hà Nội) là một trong số đó. Say mê thứ đồ chơi dân gian từ thuở bé, đến đầu những năm 70, bà Ánh bắt đầu "làm hàng" ngũ quả bằng bột nếp. Hàng của bà nổi tiếng khắp trong ngoài Hà Nội. Cứ mỗi dịp Trung thu, Tết Nguyên đán là các nhà buôn ở khu phố cổ Hà Nội - phố Hàng Đường, Hàng Mã, Hàng Lược, rồi cả Nam Đinh, Hải Phòng... lại kìn kìn đến đặt mua hàng của bà. Thời ấy đã qua lâu rồi, giờ bà chỉ "túc tắc" làm hàng song vẫn giữ nguyên cái nếp cẩn thận.
Bà Ánh kể, nghề làm mâm ngũ quả này do một người có tên Quý ở phố Ô Quan Chưởng Hà Nội "truyền" lại cho gia đình bà. "Nhưng công thức là một chuyện, làm có "hồn" hay không lại do cái khéo, cái tinh tế của mỗi người", bà Ánh nói. Thời xưa vào dịp Trung thu, gia đình bà bán đến cả ngàn đĩa, dịp Tết cũng nhiều người đặt hàng lắm. Cứ dịp Trung thu, Tết đến là bà lại lôi đồ nghề ra làm, làm vì say nghề, vì nhớ nghề chứ không phải vì lợi nhuận kinh tế.
Nghề làm quả bằng bột này tưởng đơn giản nhưng thực ra lắm công phu. Để tạo ra sản phẩm, phải có bột nếp, đường trắng, nước và bột đao... mà thứ gì cũng phải là loại tốt "thượng hạng" nếu không làm ra màu của quả sẽ xấu hoặc dễ bị vỡ, vì vậy phải làm cẩn thận từng chi tiết. Công thức pha chế cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt, cứ một lạng bột đao (bột dong) thì đi kèm với nửa lạng đường, nửa lạng nước. Những thứ này được trộn đều với nhau, nhào liên tục đến khi nào tay mất cảm giác thì mới dùng để nặn được. Làm các loại quả này hoàn toàn thủ công, chỉ với những vật dụng đơn giản như dao nhọn; những mảnh lưới nghệ nhân có thể tạo mắt quả na, quả vải...
Tạo quả xong, người thợ dùng phẩm màu, dầu bóng để tạo màu sắc. Khâu cuối cùng là phơi những mâm quả này dưới ánh nắng mặt trời để cho quả khô, sắc màu đẹp, bền hơn. Bên trong những quả đó, ngày xưa người ta dùng trấu để nhồi, nhưng hiện bà Ánh lại dùng những loại giấy mềm để cho vào trong vừa dễ tạo dáng, vừa giữ cho quả bền, đỡ bị mối mọt. Bà bảo rằng, có mâm ngũ quả bà để đến 4 năm mà màu sắc vẫn còn nguyên vẹn.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Ánh rầu rĩ nói: "Người trẻ thì chẳng ai muốn theo cái nghề này, vừa cầu kỳ, vất vả mà cũng chẳng được bao nhiêu, trong khi đó để có được những "tác phẩm" này cũng thật lắm công phu. Với lại, lâu rồi, trên các phố như Hàng Mã Hà Nội mâm ngũ quả của Trung Quốc bán tràn ngập nên người ta cũng thường mua về bày cho tiện". Vì vậy, bà Ánh lo rằng chẳng mấy lúc mà cái nghề làm mâm ngũ quả bột của bà sẽ bị mai một.
...Chia tay bà, tôi cảm thấy "vấn vương" với những nét văn hóa Tết xưa của người Hà thành. Tiếc thay, nghề này còn được mấy người!?
Ngân Giang