Nếu muốn trở thành tay lặn biển cừ khôi, bạn cần phải học các thao tác và kỹ năng cơ bản như: tháo rửa kính, tháo lắp thiết bị, mặc và cởi thiết bị lặn BCD, bơm và xả thiết bị lặn BCD để đạt độ cân bằng dưới nước, đeo và tháo dây chì…
Thế giới trong lòng đại dương hấp dẫn giới trẻ
Theo anh Khương có thâm niên nhiều năm làm việc tại Câu lạc bộ lặn biển Nha Trang Sailing Club Divers: “Khoản đầu tư ban đầu có tốn kém chút đỉnh, ví dụ đôi giày lặn dùng được giá khoảng 35 đô, cặp chân vịt loại tốt khoảng 145 đô, kính lặn trên dưới 45 đô, ống thở có giá khoảng 20 đô”. Với những người chưa có bằng cấp, chỉ cần trải qua một khóa học vài ngày là có thể tham gia lặn biển.
Khi xuống nước, người lặn cần chú ý tránh những đàn cá dữ, những rặng san hô dày đặc, hoặc cẩn trọng trước những nguy hiểm khác để không bị thương tích. Ngoài ra, bạn cũng thực sự cần nhận thức được thủy triều và dòng chảy ở khu vực lặn.
Dưới làn nước xanh trong suốt cùng tiếng rì rào huyền hoặc của biển cả, đàn cá tung tăng bơi lượn quanh những cụm san hô với đủ loại màu sắc, hình dạng “hớp hồn” không ít kẻ săn tìm cảm giác lạ dưới đáy đại dương.
Nhiều bạn trẻ còn có sở thích lặn đêm. Anh Việt, một người đam mê thế giới trong lòng đại dương chia sẻ: “Lặn đêm thì không đi nhanh và xa được, chỉ bám sát đáy biển, nhìn la bàn, soi đèn pin gặp con gì thấy con nấy. Được cái buổi tối thì cá phần lớn hơi lờ đờ nên có thể nhìn ngắm thoải mái”.
Nhóm bạn trẻ thử sức với cuộc lặn đêm
Để ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp dưới đáy đại dương, bạn có thể dùng máy chụp hình dưới nước hoặc đơn giản là bọc điện thoại trong túi chống nước để chụp hình.
Hiện nay ở Việt Nam, địa điểm Hòn Mun, Nha Trang là nơi lặn biển đẹp nhất, thu hút nhiều bạn trẻ cũng như khách du lịch thử sức với thú giải trí mới lạ này.
Doãn Thanh