Sự ngưỡng mộ quá "lố"
Gần đây, việc ba chàng trai Ả Rập Xê Út bị trục xuất khỏi đất nước mình vì quá đẹp trai đã trở thành một cơn sốt lớn trong cộng đồng mạng. Ngay sau đó, cư dân mạng thế giới và Việt Nam đã nhanh chóng "săn lùng" danh tính và hình ảnh của các anh chàng điển trai này. Và điều tất yếu là facebook của ba anh chàng đẹp trai người Ả Rập sẽ dần bị cư dân mạng "khai quật" để thể hiện "tình yêu" và sự ngưỡng mộ.
Sau khi ngắm nhìn chân dung của các anh này, nhiều người đã sửng sốt trước vẻ đẹp nam tính và đôi mắt sâu đầy cuốn hút của họ. Nhiều người còn lên tiếng ủng hộ lệnh trục xuất kì quặc này, vì cho rằng rất có thể vẻ đẹp đó sẽ dễ làm người khác "phát cuồng".
Cư dân mạng chế ảnh của diễn viên Thái Hòa thành chàng trai Ả Rập Xê Út bị trục xuất khỏi đất nước mình vì quá... đẹp trai để "ném đá"
Tuy nhiên, khi kết nối vào facebook của những anh chàng này, điều khiến nhiều người vô cùng bất ngờ chưa hẳn là vẻ đẹp nam tính đầy "ma mị", cũng không phải là số lượng fan hâm mộ đông đảo. Mà đáng kinh ngạc hơn chính là sự xuất hiện dày đặc những tài khoản facebook đến từ Việt Nam. Hàng loạt lời bình luận bằng tiếng Việt để bày tỏ sự yêu mến và ngưỡng mộ những anh chàng này.
Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là bên cạnh những lời bình luận tích cực thể hiện sự ngưỡng mộ vẻ đẹp còn có một số lượng "khủng" lời bình đùa cợt bất lịch sự, thiếu văn hóa, nếu không nói là xúc phạm đến người khác. Không chỉ vậy, có người còn bắt chước theo cách ăn mặc trang phục cũng như để kiểu râu gần giống rồi chụp hình tung lên mạng để bình phẩm, "chém gió" một cách đầy giễu cợt.
Bên cạnh các anh chàng đẹp trai này, trước đó, các fan Việt Nam còn đột nhập vào trang cá nhân riêng của trọng tài Cakir. Ông Cakir được xem là trọng tài chính và có những quyết định được cho là sai lầm trong trận đấu giữa Man United và Real Madrid nên đã bị các fan của MU, trong đó có Việt Nam chỉ trích, "lăng mạ" với những lời lẽ hết sức khiếm nhã, xúc phạm rất lớn tới danh dự của ông Cuneyt Cakir, thậm chí còn gửi email đe dọa đến tính mạng. Chính những hành động quá khích này không chỉ làm cho những người Việt Nam cảm thấy xấu hổ mà còn làm cho thần tượng của chính mình khiếp sợ.
Nói về vấn đề này, Nguyễn Mai Lan (19 tuổi, ngụ tại quận 7, TP.HCM) cho biết: "Cứ thấy có tin mới lạ là tôi vào xem sao, nhưng khi vào thì thấy quá trời cộng đồng người Việt Nam cùng lá cờ đỏ sao vàng đang nói chuyện, bình luận rất rôm rả nên tôi cũng nhập cuộc. Thấy biểu tượng cờ đỏ sao vàng cũng hay hay nên tôi thay đổi hình đai diện luôn cho hợp với phong trào. Người ta đua nhau bình luận thì tôi cũng bình một vài câu để góp vui".
Trần Hòa Bình (22 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cho hay: "Vì đây là vào facebook của người nước ngoài nên chắc chắn rằng họ sẽ không biết mình là ai, đến từ đâu. Dùng biểu tượng cờ đỏ sao vàng để cho người ta biết rằng mình là người Việt Nam, một cộng đồng Việt đang rất ưu ái và có sự quan tâm đặc biệt đối với họ.
Bên cạnh đó còn thể hiện sự đoàn kết phong trào của người Việt trên mạng xã hội nữa. Mục đích ban đầu là vậy, nhưng khi vào đó gặp gỡ và nói chuyện với nhau nên một số bạn đã kéo cả hội bạn bè vào "chém gió" quá đà nên có những lời lẽ không hay".
Làm xấu hình ảnh giới trẻ Việt
Việc "đột nhập" vào facebook của người khác rồi đăng lên những lời lẽ chế nhạo, bỡn cợt quá khích sẽ làm cho chủ nhân đó hết sức khó chịu. Bên cạnh đó, khi thể hiện những hành động quá "lố" ở nơi tập trung rất nhiều người đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, sẽ khiến cho hình ảnh giới trẻ Việt Nam trở nên xấu xí. Vô tình họ trở thành những kẻ đi xâm phạm facebook, đời tư của người khác.
Đặc biệt, việc thể hiện những lời lẽ khiếm nhã hay đùa giỡn một cách quá trớn sẽ làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đặc biệt hơn, việc sử dụng lá cờ tổ quốc làm "avatar" để đi tung những lời lẽ không phù hợp như vậy sẽ làm ảnh hưởng sự tôn nghiêm, cao quý của một biểu tượng quốc gia.
Bạn Nguyễn Hải Anh (21 tuổi, sinh viên trường ĐH Sư phạm kĩ thuật TP.HCM) chia sẻ: "Thực sự, tôi cảm thấy xấu hổ thay cho các bạn ấy khi dùng những lời lẽ vô văn hóa để nói về người khác. Bạn có thể tán gẫu, đùa giỡn với bạn bè ngay trên facebook của mình. Nhưng đối với face của người khác, đặc biệt là face của người nổi tiếng, nơi thường có nhiều người trên nhiều quốc gia ghé vào mà lại có những lời mất lịch sự như vậy thì thật là quá đáng. Những người đọc nó sẽ nghĩ sao về bạn và quốc gia bạn, khi thấy có biểu tượng cờ đỏ sao vàng cùng những lời lẽ tục tĩu!".
Trần Mai Hằng (25 tuổi, ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai) cũng cho rằng: "Các bạn thử nghĩ đến cảm nhận của chủ nhân facebook sẽ ra sao khi hằng ngày phải thấy những lời bình luận nào đó áp đặt cho mình, bằng một thứ ngôn ngữ mà mình không hiểu nổi. Bên cạnh đó, khi thể hiện sự hâm mộ một cách thái quá sẽ làm cho sự việc trở nên lố bịch, phản cảm. Chúng ta nên có cách ứng xử văn minh hơn, không nên đùa giỡn quá trớn sẽ làm mất đi hình ảnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế".
Theo cách nhìn khác của các chuyên gia tâm lí khi nhận thấy sự thể hiện niềm hâm mộ quá "lố" này đa phần các bạn trẻ thường chạy theo phong trào. Cứ thấy mới lạ, nhiều người chen chân là "nhảy vô" bất luận nó như thế nào. Xu hướng này được các bạn trẻ có nhiều thời gian rảnh rỗi, sống buông thả nên "giết thời gian" bằng việc suốt ngày rong chơi trên mạng để quậy phá người khác. Nguy hại hơn lại mang biểu tượng quốc gia để "đột nhập" vào trang cá nhân của người nước ngoài sẽ gây phản cảm, tạo ảnh hưởng tiêu cực trong cách suy nghĩ về đất nước và con người nước đó.
Chuyên gia tâm lý Bùi Nhài (trung tâm Tư vấn tâm lý Thành Đạt) cho biết: "Hành động lấy cờ đỏ sao vàng làm biểu tượng trên facebook cá nhân, rồi đăng những lời nói bất lịch sự, ảnh hưởng đến sự nhận thức, đạo đức của giới trẻ nói chung và của người thực hiện hành động đó nói riêng. Nó còn làm suy thoái đạo đức một bộ phận giới trẻ thích"xả stress", "thích gây sự chú ý", "thích thể hiện cá tính", "thích "đẹp-độc-lạ"... Việc hành động theo trào lưu luôn là lời cảnh báo trong giới trẻ về nhận thức, hành vi đạo đức, lối sống, suy nghĩ".
Hạ Du