Nhiều sinh viên và các bạn trẻ mới đi làm sẵn sàng uống một ly trà sữa giá 50-60.000 đồng. Lại có cảnh sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện với giá 2.000 đồng. Vì sĩ diện, thích thể hiện, thỏa mãn sở thích cá nhân hay không có lòng tự trọng... đó là những đánh giá của người ngoài cuộc.
Nên chăng, dùng thước đo đạo đức để đánh giá cách người ta dùng tiền của mình?
Với tôi đó là biểu hiện của việc những người trẻ chưa biết cách hoạch định chi tiêu của mình phù hợp. Người trẻ Việt tiếp xúc với tiền bạc rất muộn, kiếm được tiền để tự tiêu dùng lại càng muộn hơn. Cha mẹ, trường lớp rất ít nếu không nói là không bao giờ dạy cách các bạn trẻ tiêu tiền.
Trong suy nghĩ của nhiều người đồng tiền mang nhiều ý nghĩa tiêu cực, con người tiếp xúc với tiền bạc càng sớm thì càng dễ bị đồng tiền tha hóa đánh mất bản chất tốt đẹp. Con người dùng tiền bạc để ứng xử sẽ không có tình người. Vì thế, có những bạn trẻ 18 tuổi rồi đến tốt nghiệp đại học vẫn tiêu tiền của cha mẹ.
Đó mới chỉ là tiêu tiền còn làm đồng tiền đó sinh sôi lại là chuyện khác.
Chúng ta biết đến câu chuyện người Do Thái dạy con lập kế hoạch chi tiêu và chịu trách nhiệm với đồng tiền của mình từ rất nhỏ: Ban đầu là nhận biết tiền, kỹ năng cầm tiền đến kỹ năng kiếm tiền và quản lý tài chính. Cuộc sống có nhiều mục đích phải chi tiêu như sinh hoạt hàng ngày, từ thiện, tiết kiệm, đầu tư và đóng thuế. Họ sẽ dành 5 đồng cho sinh hoạt hàng ngày, 2 đồng cho đầu tư, và 1 đồng cho các mục đích còn lại.
Một sinh viên hào phóng dành 200 – 500.000 đồng một tháng chỉ để uống trà sữa, dành 2 triệu đến 4 triệu cho sinh hoạt như tiền phòng, tiền ăn, tiền đi lại, sách vở, trang phục... điều đó đồng nghĩa với việc 1 tháng sinh viên đó phải có thu nhập từ 4 đến 8 triệu đồng.
Nói cách khác, nếu lương tháng của bạn là 8 triệu thì mỗi tuần uống 2 cốc trà sữa là chuyện bình thường. Và nếu bạn chỉ có thu nhập 1 triệu 1 tháng thì việc xếp hàng mua cơm 2. 000 đồng cũng là hợp lý.
Thu nhập của mỗi người có thể chia thành 3 phần một phần dành cho chi tiêu, hưởng thụ cuộc sống hiện tại, một phần dành cho đầu tư, mua sắm các tài sản nhằm tạo thêm thu nhập trong tương lai và một phần còn lại để chia sẻ lợi ích cộng đồng.
Sai lầm của các bạn trẻ là nhiều khi chỉ nghĩ đến phần chi tiêu, hưởng thụ cuộc sống mà không dành cho đầu tư mua sắm các tài sản. Các bạn trẻ chưa phân biệt được giữa tài sản và tiêu sản. Tài sản là những thứ có thể làm tăng thêm thu nhập của bạn, tiêu sản là những thứ làm tăng thêm chi phí bạn phải bỏ ra. Nếu phải lựa chọn đầu tư hãy đầu tư cho một tài sản thay vì một tiêu sản. Chiếc máy tính để biên soạn, thiết kế, lập trình thì đó là tài sản, một chiếc máy tính để chơi game, nghe nhạc thì đó là tiêu sản.
Mua 1 cốc trà sữa, chi tiền cho một món ăn vặt sẽ làm túi tiền bạn vơi đi. Mua 1 cuốn sách, tham gia một khóa học sẽ trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm cho bạn thêm vốn sống để thành công đó là tài sản là sự đầu tư lâu dài và cực kỳ quan trọng. Có những sinh viên tiếc tiền mua 1 cuốn sách sẵn sàng dùng 1 cuốn sách phô tô với giá rẻ hơn nhưng lại không tiếc tiền uống một cốc trà sữa với giá tiền tương đương.
Tất nhiên những ai từng trải qua thời kỳ sinh viên đều hiểu cuộc sống của sinh viên rất khó khăn, kinh tế và thu nhập hạn chế. Chúng ta có thể thông cảm cho sinh viên trong việc hoạch định chi tiêu của bản thân. Không ai có thể đánh giá đạo đức người khác qua cách họ sử dụng tiền. Nhưng cách sử dụng tiền chưa hiệu quả, sử dụng tùy tiện không có kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến chính tương lai của bạn.
Các bạn trẻ hãy biết làm chủ cuộc sống từ việc làm chủ chi tiêu.
Trịnh Quỳnh
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả