“Sính ngoại” và thích chạy theo số đông
Những vấn đề xoay quanh “fan cuồng” hay chuyện các fan đấu đá, tranh cãi với nhau đã tốn rất nhiều giấy mực trong thời gian qua. Trước mỗi lần xuất hiện của các ngôi sao, nghệ sĩ đình đám từ nước ngoài đến Việt Nam, một bộ phận giới trẻ lại “mất ăn mất ngủ”, lại có những câu chuyện về các cá nhân dám chấp nhận từ bỏ gia đình, từ bỏ mọi thứ để chạy theo thần tượng.
“Trai đẹp bị trục xuất” đến Việt Nam, không ít các bạn trẻ đã thể hiện sự “máu me” của mình khi mong ngóng, chờ đợi từng ngày. Cảnh tượng chen lấn, đám đông xô đẩy, hò hét lại diễn ra trong ngày đón Omar Al Gala. Để rồi sau đó, giới trẻ lại “tiu nghỉu” chàng trai đẹp không được long lanh như trong những bức ảnh lan truyền trên mạng.
Omar Al Gala và bạn của mình không hề bị trục xuất vì lý do “quá đẹp trai”, mà đơn giản chỉ bị đuổi khỏi một lễ hội vì đi vào khu vực cấm và có hành động nhảy nhót không được cho phép... Khi bí mật về chàng trai đẹp được hé lộ, nhiều người ngỡ ngàng và xuất hiện suy nghĩ hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam đã thần tượng, tung hô một người... vô kỷ luật.
So với các sự kiện người nước ngoài đến Việt Nam như Nick Vujicic hay Arsenal, sự kiện “trai đẹp” rất đáng hoài nghi về tính truyển tải, ý nghĩa hay việc mang lại bài học cho giới trẻ. Chàng trai đẹp có thể có tài năng bởi anh là người mẫu, ca sĩ, nhiếp ảnh gia... nhưng chắc chắn từng đó vẫn chưa đủ để giới trẻ coi anh là một hình mẫu, một điều đáng tôn sùng. Trai đẹp sang Việt Nam làm từ thiện, đó là điều nhiều người cho rằng là có ý nghĩa... nhưng cũng cần xét đến việc ban tổ chức chương trình có sự xuất hiện của Omar cũng phải bỏ ra một số tiền (chưa công bố) để “rước” chàng trai này về Việt Nam.
Dân mạng so sánh sự xuất hiện của Omar và lần về nước với danh hiệu mới của tay vợt Nguyễn Tiến Minh
Gần thời điểm chàng trai đẹp đến Việt Nam, tay vợt Nguyễn Tiến Minh, người từng làm rạng danh cầu lông và thể thao Việt Nam cũng trở về nước. Trong lần trở về sau giải Đài Loan mở rộng, Tiến Minh chỉ đứng thứ hai, hình ảnh Tiến Minh chỉ có bố ra đón tại sân bay được dân mạng so sánh với hình ảnh người trẻ Việt đang chào đón, tung hô “trai đẹp bị trục xuất”. Nhìn vào hình ảnh này, điểm lại những câu chuyện về fan cuồng từng gây xôn xao, thiết nghĩ giới trẻ Việt đang ngày một “sính ngoại”, khi bỏ qua những điều gần gũi, ở trong nước và có giá trị, ý nghĩa thiết thực hơn để chạy theo những phong trào đến từ xứ người xa lạ.
Phong trào chỉ để “làm màu”
Trước mỗi phong trào, mỗi sự kiện đình đám, giới trẻ Việt Nam lại nghĩ ra rất nhiều cách hưởng ứng, thể hiện khác nhau. Đây giống như một cách tạo sự nổi bật, tạo một cái nhìn thể hiện tính “cuồng” của người hưởng ứng. Tuy nhiên, không ít phong trào, cách thể hiện này đã trở thành trò cười và hứng chịu nhiều “gạch đá”, chỉ trích.
Tấm biển "nực cười" chào đón Omar Al Gala
Trong sự kiện Omar Al Gala đến Việt Nam, những người trẻ hâm mộ đã ra sân bay với rất nhiều băng rôn, bảng hiệu chào mừng. Một tấm bảng với lỗi sai tiếng Anh cơ bản đã khiến những gì người hâm mộ thể hiện trở thành trò cười. Đáng thắc mắc hơn là tấm bảng vẫn được trưng bày, vẫn được giăng lên rất nổi bật, thu hút mọi ánh nhìn.
Còn rất nhiều phong trào khác của giới trẻ Việt Nam tạo ra trở thành thảm họa hay một điều đáng xấu hổ. Người Việt Nam điểm danh trên các trang nước ngoài; tranh cãi, bình luận thô tục trên Facebook của tỷ phú Bill Gates... tất cả đều là những sự việc bắt nguồn từ những phong trào và tâm lý chạy theo số đông của một bộ phận giới trẻ Việt.
Người Việt điểm danh, cãi nhau trên Facbook Bill Gates và một vài trang nước ngoài cũng là hành động đáng xấu hổ
Giới trẻ Việt liệu có dễ bị cuốn theo những phong trào vô bổ? Những điều gần gũi, quý báu có ý nghĩa hơn lại dễ dàng bị quên lãng bởi tâm lý sính ngoại, thích chạy theo số đông? Một loạt sự việc thời gian qua đã phần nào trả lời được câu hỏi này. Tuy chỉ tồn tại ở một bộ phận giới trẻ nhưng những gì diễn ra đang tạo ra định kiến, đánh giá về cả một thế hệ trẻ ngày nay.
Theo Kiến thức