Học tiếng Anh vì mê phim Mỹ
Bà Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1933, là con gái lớn của "ông hoàng" thủy tinh Đông Dương. Từ nhỏ, bà theo học ở trưởng tiểu học Hàng Cót. Trong ký ức của người em trai ông Trịnh Đình Tiến, người chị gái từ khi đi học đã là một nữ sinh xinh đẹp và nét chữ ít người sánh kịp. Khi đó, nhiều người còn đến nhà "ông hoàng" thủy tinh Đông Dương để nhờ cậy bà viết chữ nho vào văn bằng.
Năm 1943, bà Trịnh Thị Ngọ đậu bằng Certifficat (một loại chứng chỉ thời Pháp), phần thưởng mà bố mẹ bà tặng cho cô con gái là một chiếc đồng hồ đeo tay và một chiếc xe đạp Terro. Những ngày Cách mạng Tháng 8 diễn ra, cô nữ sinh Trịnh Thị Ngọ cũng như nhiều thế hệ thanh thiếu niên yêu nước lúc đó đều tham gia cứu thương, phân phát gạo cho những người nghèo đói ngoài đường.
Ông Trịnh Đình Tiến chia sẻ: "Không hiểu sao, bố tôi là một ông chủ sản xuất kinh doanh thủy tinh có tiếng ở Đông Dương, nhưng tôi và chị gái lại chỉ mê được đi xem phim Mỹ. Lúc đó, những khung hình chuyển động thực sự là một điều thu hút mạnh mẽ với cả hai chị em. Lúc nào có tiền, hai chị em lại để dành mua vé vào rạp. Chị tôi đã xem đi xem lại phim Cuốn theo chiều gió đến 5 lần. Những bộ phim màu sử dụng tiếng Anh hồi đó là đam mê lớn nhất của chị.
Bà Trịnh Thị Ngọ thời trẻ
Chị tôi có nhu cầu muốn được biết các tài tử đang nói gì thay vì phải xem phụ đề qua bản dịch của người khác. Chính vì thế, chị đã theo học tiếng Anh của bà Hà Văn Vượng. Cô giáo Vượng chỉ dạy tiếng Anh cho những ai biết tiếng Pháp. Học phí mỗi giờ là 25 đồng tiền Đông Dương. Đó là cái giá vô cùng đắt vì học phí ở các trường nổi tiếng ở Hà Nội cũng chỉ vài chục đồng một tháng. Chị Ngọ theo học mấy năm trời để theo đuổi thứ tiếng của tài tử điện ảnh. Đó cũng là lý do trong khi hầu hết thế hệ thanh niên lúc đó học ngoại ngữ là tiếng Pháp thì chị tôi lại theo học cả tiếng Anh".
Năm 25 tuổi, kháng chiến chống Pháp thành công, Đài tiếng nói từ chiến khu về, qua một người quen giới thiệu, Trịnh Thị Ngọ vào làm cho Đài với công việc ban đầu là đọc bản tin tiếng Anh cho chương trình đối ngoại dưới sự hướng dẫn của một số chuyên gia Úc, trong đó có nhà báo nổi tiếng Winfred Burchett. Bản tin khi đó của Đài mục đích muốn hướng tới các nước nói tiếng Anh khu vực châu Á nhưng không ngờ tần số phát sóng và được tiếp sóng tốt đến mức ở châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu và các đài Mỹ đặt xung quanh châu Á đều thu được.
Ông Trịnh Đình Tiến tâm sự: "Trong những lần ra Hà Nội, chị kể rằng sau năm 1995, khi đất nước mở cửa là thời gian chị phải tiếp nhiều nhà báo nước ngoài nhất. Dù câu chuyện chỉ có vậy, nhưng bất cứ nhà báo, thậm chí cựu binh Mỹ nào cũng đều muốn nghe từ chính giọng chị nói ra. Họ tò mò muốn diện kiến người phụ nữ có giọng nói ám ảnh hàng nghìn lĩnh Mỹ trong đời thường và hiện tại sống như thế nào".
Trái ngược với những "danh xưng" từ lính Mỹ, bà Trịnh Thị Ngọ lúc về hưu sống một cuộc sống nhẹ nhàng, lặng lẽ bên người chồng là chuyên gia lĩnh vực thiết bị y tế từ Pháp về, làm việc ở Bộ Y tế dưới thời Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Người đã gắn bó với bà từ khi ở đất Hà Thành, sau này hai vợ chồng cùng chuyển vào Sài Gòn sống.
Đến Hannah Hà Nội một thời
Ông Tiến lý giải: "Tên khai sinh của chị tôi là Trịnh Thị Ngọ, những dấu nặng ở cái tên là rất khó đọc với những người nói tiếng Anh. Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó đề nghị chị tôi chọn một cái tên dễ đọc hơn. Thu Hương là cái tên được chị chọn. Đó là tên một cô bạn gái rất thân (con gái của ông Phạm Quỳnh) mỗi khi đi hát, cô ấy lấy tên Thu Hương và hiện đang sống bên Pháp. Chị Ngọ đã chọn tên cô ấy cho cả con gái của mình.
Về nghệ danh Hannah, chị tôi từng nói rằng, Hannal là tên lính Mỹ gọi bà. Hannal chỉ là một cái tên phụ nữ Mỹ thông dụng. Có lẽ lính Mỹ gọi như thế cho thân quen.
Lính Mỹ tử trận tại chiến trường
Theo những gì chị tôi từng chia sẻ thì chị nghĩ rằng, đó là sự chơi chữ của lính Mỹ. VC là Việt Cộng, họ cũng gọi là Victor Charlie, Jane Fonda sang Việt Nam cũng được gọi là Hà Nội Jane. Mỗi ngày bản tin của chị gái ông được phát đi từ Hà Nội, nên gọi là Hannah Hà Nội cho dễ nhớ. Sau này ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp chị tôi, ông cũng gọi chị là Hannah Hà Nội".
Những bản tin mà bà Trịnh Thị Ngọ (Thu Hương) đọc, là con số thương vong của lính Mỹ, tình hình chiến trận và thậm chí là lời chúc sinh nhật một người lính nào đó muộn màng bởi anh ta đã chết. Đó là điều ám ảnh với nhiều binh lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam khi đó. Đa số các bản tin được biên tập bởi phòng chính trị, phòng địch vận bên quân đội. Nội dung chính họ phụ trách, lấy nguồn từ báo nước ngoài, từ các tờ như Stars and Stripes của quân đội Mỹ.
Theo bà Ngọ từng chia sẻ, các biên tập viên của Đài đọc kỹ tờ đó để nghiên cứu tâm lý Mỹ. Mục được khai thác nhiều nhất là danh sách của binh lính Mỹ chết, để rồi đọc tên họ trong các bản tin. Mục đó được đặt tên là: "Những người đã chết nhưng không phải vì danh dự của nước Mỹ" nhằm tác động vào tinh thần của lính Mỹ. Quan trọng nhất là lấy chính lời báo chí của Mỹ đưa vào, một phần để khách quan, phần khác cho họ thấy chính đồng bào của họ cũng đang nói vậy. Thông điệp mà bà cùng với những người làm chương trình là cố gắng truyền đạt đến lính Mỹ: Các anh đang chiến đấu bởi một cuộc chiến tranh phi nghĩa và sẽ chết một cách vô ích!
Sau giải phóng 1975, người con gái từng được coi là có "giọng nói phù thủy" với lính Mỹ theo chồng vào TP.HCM. Bà được ông Huỳnh Văn Tiểng mời về làm việc ở Đài Phát thanh Truyền hình Thành phố để tiếp tục công việc yêu thích của mình trong thời bình. Suốt thời gian sống cùng chồng, căn bệnh rối loạn tiền đình vốn làm người ta rất khó chịu, nhưng bà cũng không dám nằm viện lâu vì chồng bà đang ốm. Sau một cơn đột quỵ liên quan đến não, ông đã bị lẫn. Và bà luôn phải ở bên ông, không dám đi đâu.
Qua lời kể của người em trai, cô gái bị lính Mỹ coi là "phù thủy" đó lại đậm chất của thiếu nữ Hà thành xưa. Dù học tiếng Anh, mê phim Mỹ nhưng ở bà không thiếu sự đảm đang, yêu thương, chăm lo chồng con tận tình của những phụ nữ Bắc kỳ.
Thời gian trôi qua, những vết thương do chiến tranh giờ đã nguôi ngoai. Những bản tin "Mỹ vận" của Hannal Hà Nội đã khép lại ngay sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Bởi nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình làm cho lính Mỹ và nhiều người trên thế giới hiểu được cuộc chiến tranh phi nghĩa của nước Mỹ ở Việt Nam. Lịch sử đang viết tiếp những trang mới như một điều tất yếu.
"Dù chị tôi là một thiếu nữ tư sản Hà Thành lừng danh một thuở với nhiều tài nghệ. Nhưng nếu bây giờ gặp lại Hannal Hà Nội, chị vẫn giản dị, bình thản, không hề mang dấu vết của con gái "ông hoàng" thủy tinh giàu sang" - ông Tiến nhẹ nhàng chia sẻ.
Nỗi ám ảnh khôn nguôi Bà Trịnh Thị Ngọ (còn gọi là Thu Hương hay Hannah Hà Nội) là hậu duệ đời thứ 10 của Định Vương Trịnh Căn. Không phải là một ngôi sao nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng Hannah Hà Nội lại được nhiều tờ báo nước ngoài (The New York Times, Life, L'Hebdo, People) đăng hình, viết bài và phỏng vấn. Trong suốt thời gian Mỹ chiếm đóng miền Nam Việt Nam, những bản tin Mỹ vận của Đài tiếng nói Việt Nam được phát đi bởi giọng tiếng Anh ngọt ngào từ một người phụ nữ Hà Nội đã là ám ảnh khôn nguôi với lính Mỹ và với bất cứ ai nghe được bản tin này. Câu mở đầu cho mỗi bản tin Mỹ vận là: This is Thu Hương addressing American GI in VietNam (Đây là Thu Hương đang nói chuyện với lính Mỹ ở Việt Nam). |
Đỗ Thơm
(Còn tiếp)