Ngày nhập trại, Nguyễn Văn Khánh còn quá trẻ để trả giá cho lỗi lầm gây ra. Gây tai nạn chết 3 mạng người, nghiệp tài xế chưa đủ cho Khánh tiền tài vật chất, đã lấy đi của anh tất cả. Một phút không làm chủ được tay lái, một phút cánh cổng ngục tù mở ra cướp đoạt tự do của một con người vốn dĩ lương thiện. Nghe những lời kể của Khánh trong trại giam, chúng tôi càng cảm thông cho số phận anh. Đôi tay lái xe đó đã phải gánh vác một trách nhiệm quá nặng nề, cực nhọc của cuộc đời, của gia đình. Nhưng dù đáng thương hay đáng giận, Khánh vẫn đang phải làm lại cuộc đời để đi tìm chính mình.
Người anh của những đứa em
Gia cảnh nhà Khánh đâu dễ gì để lựa chọn công việc mưu sinh. Trách nhiệm của một người con trưởng gánh vác cuộc sống của cả mấy con người trong gia đình thực sự là sức ép rất lớn. Bố mẹ làm nghề nông, một nắng hai sường, vất vả cả cuộc đời cũng chỉ mong sao hai anh em Khánh trưởng thành, làm người lương thiện. Đến ngày anh tốt nghiệp cấp hai, cũng là lúc người thanh niên đó hiểu, không thể không chung tay giúp sức gánh vác kinh tế gia đình vì những hoàn cảnh hiện thực không hề dễ dàng.
Khánh nói: "Em trai tôi thiệt thòi quá, tôi còn được ông trời ưu ái khi sống khỏe mạnh bình thường". Quyết, em trai Khánh mắc căn bệnh động kinh bẩm sinh. Mỗi lần cơn đau bất chợt đổ ập tới, cậu em trai lại co ro, đau đớn không thốt nên lời. Và cứ thế, đằng đẵng suốt 20 năm trời, Khánh chỉ biết thẫn thờ ôm lấy em, nghẹn ngào nước mắt...
Trong thâm tâm Khánh luôn đau đáu một cảm giác: giá như anh có thể sẻ chia, chịu đựng được chút gì nỗi đau của người anh em máu mủ, giá như căn bệnh quái ác có thể chia đều thể xác... Mỗi lần em trai gục xuống sàn, trái tim Khánh lại đau như thắt, chẳng thể kiềm chế nổi nỗi xót xa Khánh quyết tâm phải đứng dậy mạnh mẽ, phải đi làm để kiếm tiền chạy chữa cho em, cũng đồng thời gánh bớt nỗi vất vả đè nặng lên vai bố mẹ già.
Cuối năm 2006, sau một thời gian phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng, Khánh quyết định theo nhờ người họ hàng phụ lái xe tải đường dài với hy vong kiếm thêm thu nhập. Được gần hai tháng, Khánh bắt đầu đi học lái xe. Với tính cách cần cù, lại chịu khó nên chẳng mấy chốc, Khánh được đảm đương công việc như một lái xe thực thụ. Công việc dù vất vả và căng thẳng, nhưng bù lại những đồng tiền kiếm ra đủ giúp anh có thể lo lắng, cải thiện khó khăn kinh tế của gia đình.
Ảnh minh họa
Vắng nhà liên tục, Khánh chỉ biết tích góp để gửi về nhà cho em trai chữa bệnh, giảm bớt đi những cơn đau kéo dài. Có lúc đang ở những tỉnh, thành phố, xa nhà tới hàng trăm cây số, anh vẫn nhớ để gọi điện hỏi thăm, động viên sức khỏe em trai. Trái tim của người anh, tâm tưởng của Khánh chỉ biết dành trọn cho gia đình, không màng thứ khác. Một người anh mẫu mực. Một người đàn ông trách nhiệm với gia đình. Một người con không bao giờ quên đi nghĩa vụ gánh vác... Nhưng đâu dễ dàng như vậy, cuộc sống chẳng cho ai tất cả. Đôi khi, những nỗi đau, nỗi bất hạnh cứ rình rập, cứ ám ảnh rồi bất chợt đổ xuống cướp đi tự do của cả cuộc đời một con người.
Ác mộng tài xế
Nghề lái xe đường dài chẳng buông tha cho bất cứ ai về sự tàn phá sức khỏe. Người cầm lái không chỉ đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, tay nghề kinh nghiệm mà hơn cả là sự tập trung cao độ. Khánh hay bất cứ người khác cùng nghề cũng luôn phải đặt sự tập trung lên hàng đầu, mọi lúc mọi nơi. Bởi chỉ một chút sơ suất thôi, chiếc xe tải hàng tấn có thể gây ra những hậu quả vô cùng kinh hoàng. Anh quá hiểu điều đó, nhưng đáng tiếc, số phận đã buộc anh phải đối diện với những thứ mà anh không thể biết trước. Đã có lúc Khánh thốt lên: "Tại sao vậy? Tại sao điều đó lại xảy đến?"
Có lúc, trong anh bùng nổ cảm giác đau đớn, cảm giác mất đi mọi thứ rồi có lúc lại lặng thinh, bởi nỗi đau đã quá dài, đã quá lớn mất rồi.
Người tài xế lúc đó còn rất trẻ vẫn nhớ như in cái đêm kinh hoàng đó. Xe của anh đang trên địa phận huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế giữa cơn mưa dày đặc chẳng ngừng tuôn: "Mưa to lắm, lại nặng hạt. Tôi giảm tốc độ và không dám đi nhanh. Chỉ sợ đường trơn, dễ bị mất lái". Đã cẩn thận đề phòng, đã suy nghĩ đầy trách nhiệm, ấy vậy mà ác mộng vẫn xảy đến. Một đòn giáng đau đớn của cuộc đời khiến đôi chân người đàn ông gục ngã. 3 người đàn ông chở nhau trên một chiếc xe máy, đầu không đội mũ bảo hiểm, với dáng vẻ chuệnh choạng, lại điều khiển xe tốc độ cao giữa đêm mưa to bão bùng. Tai nạn xảy ra khi họ va chạm với chiếc xe tải chạy ngược chiều. Nghiệt ngã thay, đó là chiếc xe do Khánh điều khiển.
Khánh chẳng thể biện minh, chẳng thể phủ nhận trách nhiệm to lớn về tội lỗi vừa gặp phải. Khánh đã tránh chiếc xe máy "hung thần" bằng cách lấn sai làn đường, vì thế trước pháp luật, anh vẫn là người có lỗi. Khánh không thể mở lời phản kháng, vì anh vừa tước đi sinh mạng của 3 con người.
Cái tâm tính, cái phần người trong anh không thể tha thứ nổi cho bản thân. Huống hồ, vào thời điểm đó, gia đình vẫn là đích hướng tới đầu tiên: "Trong đầu tôi lúc đó cứ ám ảnh những câu hỏi: em trai rồi sẽ ra sao? Bố mẹ rồi sẽ ra sao? Gia đình rồi sẽ ra sao?"
Vừa nói, vừa nghĩ, nước mắt Khánh lại tuôn rơi, lại đau đớn, lại tủi hổ. Làm sao anh có thể bào chữa cho hành động gây ra hậu quả quá lớn đó? Làm sao anh có thể bào chữa cho sự thiếu kinh nghiệm đã cướp đi mạng sống quý giá của nhiều người? Khánh chỉ còn biết tự trách mình chưa đủ chín chắn, chưa đủ bản lĩnh...
Ảnh minh họa
Đứng dậy
Khánh vẫn nhớ như in bản án dành cho tội danh mình gây ra. Nhưng điều ăn sâu vào tâm trí của người tù đó lại chính là khuôn mặt thất thần của người em trai. Công việc đó, cuộc sống đó, Khánh chấp nhận bởi thương em, thương bố mẹ. Nào đâu, khi mọi thứ đang yên ổn, đang tốt đẹp thì mọi thứ xảy ra chóng vánh rồi cướp đoạt, đổi thay tất cả. Ngày vào trại giam, anh chẳng thể ngủ được, chẳng thể nhắm nổi đôi mắt đã nhạt nhòa vì thất vọng. Anh như gục ngã. Bản năng sống đổ sập trước sự thật choáng ngợp. Khánh chỉ biết chìm sâu vào bóng tối và ngủ mê trong sự chán chường. Đó cũng là một xúc cảm thường thấy và không thể tránh khỏi với một tù nhân bất hạnh thật sự.
Khánh tuyệt vọng vì cuốc sống, vì số phận. Nhưng cũng lại chính như gì số phận và cuộc sống ban tặng cho anh lại là chiếc cầu nối đưa anh tìm lại với ánh sáng niềm tin, với mong muốn làm lại thành người. Khánh biết em trai và bố mẹ đã đủ đau đớn ra sao khi anh rơi vào vòng lao lý. Khánh biết gia đình khó khăn giờ lại càng nguy ngập, nếu anh không vượt qua được bức tường rào sâu thẳm đó. Anh tự nghĩ phải mạnh mẽ lên gấp bội phần, phải dũng cảm đứng dậy đối diện với thực tế.
Giờ anh hiểu mình phải làm gì, phải cố gắng ra sao để sớm được trở lại với xã hội: "Tôi suy nghĩ nhiều lắm, nhiều lúc tưởng gục mất nhưng may mắn bình tâm được. Giờ chỉ còn cách chuyên tâm rèn luyện, cải tạo tốt để sớm được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Chỉ có vậy, tôi mới tự tha thứ được cho bản thân và cũng dũng cảm hơn để làm lại cuộc đời".
Nói đoạn, đôi mắt Khánh lại nhòe đi, giọng điệu chậm dần rồi im lặng quãng lâu. Khánh nghẹn ngào rồi xin dừng cuộc chuyện trò. Chúng tôi hiểu, một con người, khi đối diện trước thất bại của cuộc đời và trả giá cho chỉ một vài phút giây vụt tắt, chỉ một câu nói thôi cũng đã đủ để hiểu hết về họ.
Khánh là một người như vậy: "Như thể một định mệnh. Cái đêm tôi gây ra tai nạn, em trai cũng đã lên cơn co giật liên hồi. Mãi sau này, tôi mới biết và nỗi ân hận lại lớn gấp vạn lần. Cuộc đời đã gắn bó số phận hai anh em và tôi biết phải sống thật tốt để xứng đáng với điều đó".
Ngày Khánh trở lại với xã hội, hẳn cũng là ngày cuộc sống chào đón lại những con người dám sống, dám chấp nhận và dám yêu thương hết mình.
Theo Đang yêu