Giọt nước mắt của nhà khoa học và nỗi đau chảy máu chất xám

Giọt nước mắt của nhà khoa học và nỗi đau chảy máu chất xám

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 7, 26/12/2020 19:52

Để yên tâm nghiên cứu nên những công trình có giá trị cho xã hội, trước hết các nhà khoa học phải phần nào thoát khỏi gánh nặng cơm áo.

Nghiên cứu sinh Hồ Thị Thương sinh năm 1991, đang công tác tại Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Chị Thương là đồng tác giả của một đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế năm 2018, có tên là: Oligomeric vaccine from plants by S-tag- S-protein fusions (số hiệu đăng ký sáng chế là WO/2018.115305 A1, do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới cấp).

Bên cạnh đó, chị Thương cũng đồng thời là tác giả chính của 2 công bố và đồng tác giả của 4 công bố quốc tế uy tín. Chị từng tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của một khoa thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Quan điểm - Giọt nước mắt của nhà khoa học và nỗi đau chảy máu chất xám

Nghiên cứu sinh Hồ Thị Thương ngậm ngùi rơi lệ khi nhắc tới thu nhập của nhà khoa học không đủ để chị giúp đỡ cha mẹ. Ảnh: báo Dân Trí

Với các nhà khoa học trong nước, đăng ký sáng chế quốc tế không chỉ là niềm tự hào mà là mơ ước. Chị Thương cùng với Giáo sư Udo Conrad và TS. Phan Trọng Hoàng (Viện Di truyền Thực vật và Nghiên cứu cây trồng, IPK, CHLB Đức) là 3 tác giả đã phát minh ra phương pháp sản xuất protein oligomer trong tế bào nhân thực bằng cách đồng biểu hiện của hai protein dung hợp trong tế bào nhân thực, bao gồm 1 protein dung hợp S-Tag, trong đó protein có thể là kháng nguyên hoặc kháng thể và một protein dung hợp S-protein- tp. Sáng chế này nhằm tìm ra một chiến lược tiêm chủng hiệu quả và nhanh chóng, ứng dụng cho việc phát triển vaccine, trong đó có vaccine phòng chống cúm gia cầm A/H5N1 và dịch tả lợn Châu Phi.

"Tôi có một khát vọng đó là được đóng góp và cống hiến một phần sức lực, nhỏ bé của mình vào sự phát triển khoa học của nước nhà, đồng thời mang đến cho nước nhà những sản phẩm vaccine thú y có hiệu quả ứng dụng tốt trong tương lai", nhà khoa học Hồ Thị Thương bày tỏ.

Tuy nhiên, trong chia sẻ mới đây về việc mình lựa chọn cống hiến cho khoa học nhưng không đủ tài chính báo hiếu cha mẹ, Hồ Thị Thương đã bật khóc.

Có nhiều thành tựu cho khoa học, cộng đồng nhưng ít ai biết rằng việc lựa chọn cống hiến cho khoa học của nhà khoa học nữ này khiến cô không đủ tài chính báo hiếu cho cha mẹ. Mức lương 3 triệu đồng/tháng dành cho một nhà khoa học thực là một con số khó tin.   

Tuy nhiên, thực tế đây không phải trường hợp hiếm hoi các nhà khoa học trẻ công tác trong những cơ quan, viện nghiên cứu của nhà nước phải chịu nhận mức lương như vậy. Một trong những lý do khiến cán bộ khoa học trẻ lương thấp là bởi họ chưa có bằng cấp TS, chưa được phong PGS, hay có những công nhận tương tự để được tăng lương. Tính lương cho khoa học chỉ dựa trên bằng cấp hay chức vụ như hiện nay thực quá ư bất hợp lý.

Nghiên cứu khoa học là phải dựa trên kết quả, trên hiệu quả, trên đóng góp cụ thể, chứ không thể chỉ dựa trên bằng cấp hay chức vụ. Nghiên cứu khoa học đích thực không nên bị đánh đồng với các công trình... trên giấy.

Đầu tư cho khoa học là đầu tư cho tương lai và tiến bộ. Thực tế, ở nhiều nước, mức lương dành cho các nhà khoa học luôn ở mức khá. Chẳng hạn, từ năm 2016, mức lương dành cho các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học sự sống ở Mỹ đạt 100,400 USD. Mức lương dành cho các nhà khoa học trong giới học thuật cũng ở mức thấp hơn không đáng kể. Tương tự, ở các nước Châu Âu hay Canada, Pháp, mức lương dành cho người làm khoa học cũng không thấp hơn con số trên.

Lương thấp sẽ dẫn đến nguy cơ chảy máu chất xám trong đội ngũ các nhà khoa học tài năng. Nhìn những trí thức phải dứt áo rời khỏi đất nước ra nước ngoài làm việc thực không khỏi ngậm ngùi. Câu chuyện một tiến sĩ y khoa phải bỏ khao khát làm việc ở quê hương vì mức lương chưa đến 4 triệu đồng để sang Canada làm việc với lương gấp 7 lần từng gây xôn xao dư luận hẳn sẽ chưa phải trường hợp cuối cùng.

So sánh về mức lương giữa các nước dành cho các nhà khoa học đôi khi có sự khập khiễng bởi nền kinh tế và tốc độ phát triển mỗi nước có sự khác nhau. Tuy nhiên, để yên tâm nghiên cứu nên những công trình có giá trị cho xã hội, trước hết các nhà khoa học phải phần nào thoát khỏi gánh nặng cơm áo. Có như vậy, tình trạng chảy máu chất xám mới không còn là điều xót xa.   

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.