15 năm không một giấc ngủ trọn vẹn
Ngôi nhà cấp 4 của anh Phan Sỹ Diệu (SN 1977), trú ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An tàn tạ đến mức khó tin. Mái ngói cũ kỹ nhiều nơi đã mục nát, thấp lè tè như túp lều của chị Dậu. Trong nhà không có một đồ dùng nào có giá trị ngoài chiếc ti vi và bộ bàn ghế gỗ cũ.
Thấy khách vào nhà, anh Diệu mới cố gắng gượng dậy, lết đôi chân tàn tật lên chiếc xe lăn để đón tiếp. Những hành động thành thục chứng tỏ anh bị tàn tật đã lâu, anh cười giải thích, từ một vụ tai nạn mà anh bị như thế này chứ không phải do bẩm sinh.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Vì vậy khi học hết cấp 2, anh Diệu xin vào làm công nhân mỏ đá tại địa phương, vừa gần nhà lại đỡ đần gia đình. Cơ duyên khiến anh gặp và kết hôn với một thôn nữ tần tảo Phan Thị Hiền (SN 1977).
Đây cũng là giai đoạn hạnh phúc nhất của anh khi có được người vợ dịu hiền, và sau đó đón người con trai đầu lòng Phan Sỹ Hiếu (SN 1999). Cuộc sống dù vất vả nhưng anh tin tưởng với bàn tay lao động của mình thì tương lai sẽ khác.
Thế nhưng, niềm vui ấy chẳng lâu dài khi vào cuối năm 2003, trong một lần làm việc thì mỏ đá đổ sập, anh là một trong những nạn nhân của vụ việc đó. Tai nạn đến bất ngờ khiến anh bị thương và gãy một bên tay, chân. Dù được đưa đến bệnh viện nhưng các bác sĩ không thể làm gì hơn, anh trở thành người tàn tật, mất khả năng lao động.
Mọi gánh nặng dồn vào đôi vai gầy của vợ. Thế nhưng ông trời chẳng buông tha cho gia đình nghèo, tiếp sau đó người con trai của anh trèo lên cây hái sung chẳng may bị ngã chấn thương sọ não. Để cứu con, 2 vợ chồng dồn hết tiền tiết kiệm lâu nay, còn phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để đưa con đi chữa trị.
“Khoảng thời gian đó tôi tuyệt vọng vô cùng, nằm một chỗ nhìn vợ vất vả, lam lũ. Có những đêm khuya, vết thương cũ tái phát, thằng bé lên cơn co giật phải nhập viện, nước mắt tôi chực trào mà chẳng làm gì nổi. Tôi nghĩ chỉ có mình chết đi mới hết làm khổ vợ con!”, anh Diệu nhớ lại.
Nước mắt của người bố
Trong lúc cùng cực, người đàn ông khốn khổ đã tìm đến cái chết để giải thoát mình. Nhân lúc vợ vắng nhà, nhiều lần anh đã tìm mọi cách để tự tử: Chích điện, lăn giếng, dùng dao,… nhưng may mắn vào khoảnh khắc quan trọng thì có người đi qua cứu sống anh.
Anh chỉ tay vào tấm di ảnh phủ bụi gác trong góc nhà cho biết: “Đã có lần nhà tôi chuẩn bị tinh thần lo hậu sự cho tôi rồi, ấy thế mà trời vẫn không để tôi đi. Sau 8 lần, trên người tôi chi chít vết thương nhưng vẫn không thể chết. Cuối cùng tôi bỏ cuộc. Tôi nghĩ rằng trời đã bắt mình sống để chịu đựng thì phải cố gắng để cho vợ cho con”.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho anh Phan Sỹ Diệu đi bán quạt tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Số tiền chẳng được bao nhiêu nhưng anh cảm thấy mình có ích hơn, có thể chung tay đỡ đần gia đình, từ đó nghị lực của người đàn ông năm nào quay về.
Niềm vui hạnh phúc nhân lên, vào năm 2015, vợ chồng anh đón thêm một thành viên mới chào đời. Người con đầu đã khôn lớn, có thể đi làm phụ giúp bố mẹ, gia đình anh dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có thể hi vọng vào một tương lai tươi sáng.
Thế nhưng cũng đúng thời điểm này, người con trai đầu dẫn người yêu về đòi cưới. Vợ chồng anh nhìn ngôi nhà trống hoắc trống huơ, rồi nhìn nhau thở dài chẳng biết phải làm như thế nào. Nhiều tháng nay tiền trong nhà chẳng đủ sống nữa là tổ chức đám cưới cho con.
“Làm bố mà chẳng thể nào cho con được một đám cưới khiến nhiều đêm tôi ôm gối khóc. Con trai đã khôn lớn lấy vợ là việc vui mừng, thế nhưng hoàn cảnh gia đình thế này chẳng thể nào làm đủ mấy mâm cơm nữa là…”, anh Diệu nghẹn ngào.
Trong nhà chẳng có gì ngoài ngồi trông chờ vào vài sào ruộng với con cua, cái tép mà chị Hiền kiếm được. Đã có lúc chị muốn đi làm xa để kiếm thêm đồng thu nhập nhưng rồi nhìn cảnh chồng đau yếu, con còn thơ dại ở nhà, bỏ đi chị không đành.
“Đầu năm 2019, chính quyền ra quyết định cấm bán hàng rong tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan nên anh Diệu chẳng có việc gì làm. Cả nhà lại rơi vào cảnh túng quẫn. Trong khi đó người con dâu đã có thai nên không cưới không được. Cả nhà đang loay xoay chưa biết phải làm như thế nào”, chị Hiền thở dài.
Ông Phan Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND Xã Nam Giang cho biết, hoàn cảnh của gia đình anh Phan Sỹ Diệu vô cùng khó khăn, dù chính quyền xã đã tạo điều kiện hết mức có thể nhưng cuộc sống vẫn rất chật vật. “Anh Diệu thì được hưởng chế độ người tàn tật nhưng chẳng đáng là bao, còn vợ thì đi làm thuê ngày có ngày không. Hiện chính quyền đang xem xét để tạo việc làm cho anh Diệu có thể giúp đỡ gia đình”, ông Hải nói.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
- Anh Phan Sỹ Diệu (SN 1977), trú ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. SĐT: 0836470627
- Hoặc, Báo điện tử Người Đưa Tin, tầng 4, toà nhà Star Tower, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội. Số tài khoản: 19129185908996, ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, chi nhánh Hoàn Kiếm, phòng giao dịch Lĩnh Nam; chủ tài khoản: Báo điện tử Người Đưa Tin.
Minh Tú – Kiều Oanh