Theo các điều tra sơ bộ ban đầu có thể do chập điện đã dẫn đến vụ nổ thảm khốc trên tàu ngầm INS-Sindurakshak của Ấn Độ làm 18 thủy thủ thiệt mạng. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony gọi đây là “một bi kịch lớn nhất trong thời gian gần đây”.
Vụ nổ tàu ngầm INS-Sindurakshak là “giọt nước tràn ly” trong quan hệ kỹ thuật quân sự Nga-Ấn.
Nguyên nhân của vụ tai nạn cho dù thuộc về ai cũng không làm tốt hơn mối quan hệ giữa Nga-Ấn trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Mặc dù, Ấn Độ đang là đối chiến lược trong hợp tác an ninh với Moscow nhưng các hạn chế về công nghệ của Nga đã khiến Ấn Độ tìm kiếm các nguồn cung vũ khí từ phương Tây.
Alexander Hramchihin người đứng đầu Viện nghiên cứu chính trị quân sự tại Nga cho biết: “Các quan chức chúng tôi vẫn tin rằng, Ấn Độ sẽ mua các thiết bị quân sự từ Nga. Tuy nhiên, Ấn Độ là một nước lớn họ có thể tùy chọn các nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của thế giới”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Roudik Iskuzhin cho biết, Nga đang mất dần thị trường vũ khí tại Ấn Độ, trong tương lại thị phần vũ khí Nga tại Ấn Độ sẽ giảm từ 75% như hiện nay xuống còn dưới 50%.
Tàu sân bay INS-Vikramaditya một thương vụ “đắng” trong hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Ấn.
Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Ấn trong hơn 20 năm qua không mấy suôn sẻ. Điển hình là thương vụ mua bán và hoán cải tuần dương hạm Đô đốc Gorshkov thành tàu sân bay Vikramaditya. Hợp đồng được ký kết từ năm 2008 đến nay vẫn chưa được hoàn thành. Chi phí hợp đồng từ 800 triệu USD đã tăng lên đến 2,35 tỷ USD.
Đây có thể coi là một thương vụ “đắng” của cả Nga và Ấn Độ, thậm chí quá trình đưa tàu vào biên chế cũng lắm gian truân. Đáng lẽ ra tàu sân bay này đã phải đi vào hoạt động từ cuối năm 2012 nhưng sự cố động cơ đã buộc tàu phải sửa chữa lớn.
Một ví dụ điển hình khác là chương trình thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân K-152 Nerpa, Ấn Độ gọi là Chakra bị chậm tiến độ đến 5 năm đáng lẽ ra tàu ngầm này phải được chuyển giao cho Ấn Độ vào cuối năm 2007 nhưng mãi đến năm 2012 mới được bàn giao.
Trong khi đó sự trỗi dậy không ngừng của Trung Quốc khiến New Dehli ăn ngủ không yên. Vikash Rapzhana, một quan chức của Hội đồng đối ngoại Ấn Độ cho biết: “Trung Quốc đã có một tàu sân bay thông qua Ukraine, vì vậy việc tăng cường sức mạnh hải quân Ấn Độ là một vấn đề an ninh quốc gia”.
Trước sự chậm trễ từ phía Nga, Ấn Độ đã công khai bày tỏ sự quan tâm đến công nghệ quân sự phương Tây. Ưu điểm chính của vũ khí Nga là giá cả thấp hơn khoảng 30% so với vũ khí phương Tây. Tuy nhiên, giá thấp có vẽ như chỉ là một thuật ngữ mang tính tương đối.
New Dehli đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Nga không chỉ làm gián đoạn nguồn, chậm trễ trong phát triển làm cho chi phí gia tăng mà còn cung cấp chất lượng thấp trong các dịch vụ bảo trì và sửa chữa. Ông Aron Kumar, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Ấn Độ chia sẻ: “Tại sao chúng ta phải mua các thiết bị thay thế cho các thiết bị quân sự của Nga từ Israel thay vì nhận chúng từ Nga”.
Có thể thấy rằng, vụ nổ tàu ngầm Kilo INS-Sindurakshak được ví như “giọt nước tràn ly” trong hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Ấn. Nó đã trực tiếp giáng một đòn chí mạng vào quan hệ Nga-Ấn , ngay cả khi nguyên nhân của vụ nổ có là gì thì dư âm của nó cũng đủ làm “lu mờ” triển vọng mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Ấn.
Minh Tâm (theo VPK)