Theo nhiều chuyên gia, việc bỏ quy định bắt người phải theo quyết định của tòa hoặc quyết định phê chuẩn của VKS như dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ dễ dẫn tới chuyện lạm quyền, tùy tiện vì thiếu kiểm soát...
Theo thống kê của VKSND Tối cao, từ tháng 10-2011 đến hết tháng 7-2012, các cơ quan bảo vệ pháp luật cả nước đã bắt, tạm giữ 65.437 trường hợp. Trong đó gần 1.000 trường hợp được thả về, gần 3.000 trường hợp phải chuyển qua xử lý hành chính (tương đương với gần 4% tổng số người bị tạm giữ).
Trong năm qua, VKS các cấp đã không phê chuẩn 94 lệnh bắt khẩn cấp, không phê chuẩn gia hạn tạm giữ 336 bị can. VKS các cấp cũng đã trả tự do cho 27 trường hợp bị tạm giữ, tạm giam không có căn cứ, trái luật.
Sửa đổi từ cụ thể thành… chung chung?
Những con số trên cho thấy trên thực tế vẫn xảy ra những trường hợp bắt người, tạm giữ chưa chính xác. Điều này càng làm các chuyên gia thêm e ngại khi dự thảo Hiến pháp sửa đổi không kế thừa một quy định của Hiến pháp hiện hành là “không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định phê chuẩn của VKSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”.
Quy định về bắt, tạm giữ, tạm giam càng chặt chẽ thì càng tránh được chuyện làm oan, làm sai. Ảnh minh họa: THANH TÙNG
Trước đây, TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH - Ủy viên Thường trực Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, từng lý giải: Nội dung “không ai bị bắt...” chỉ là cụ thể hóa như một biện pháp bảo đảm thực hiện quyền “bất khả xâm phạm”. Vì vậy, trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại Điều 22, Ban Biên tập không giữ lại nội dung này. Thay vào đó, theo ông Thông, nội dung “không ai bị bắt...” đã được hội tụ vào khoản 2 Điều 22 là “Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người”.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia không đồng tình với cách lý giải này.
Theo một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao, quy định hiện hành chỉ rất rõ về điều kiện bắt người là phải có quyết định của tòa hoặc quyết định phê chuẩn của VKS. Chính vì vậy, khi cụ thể hóa, các quy định liên quan trong BLTTHS cũng phải thể hiện đúng tinh thần này. Trong khi đó quy định “nghiêm cấm mọi hành vi…” tại khoản 2 Điều 22 dự thảo Hiến pháp sửa đổi chỉ mang tính nguyên tắc rất chung chung, nếu nói nó bao hàm cả điều kiện bắt người là hoàn toàn không thuyết phục.
Luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) bổ sung: “Có người cho rằng trong Hiến pháp chỉ nên cô đọng lại cho gọn, còn diễn giải quyền bất khả xâm phạm về thân thể cụ thể ra sao thì đã có pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định thêm điều kiện bắt người như vế sau của Điều 71 Hiến pháp hiện hành vẫn rất cần thiết vì nó là cơ sở vững chắc để cụ thể hóa trong luật chuyên ngành. Về mặt câu chữ thì nó không dài hơn bao nhiêu nhưng mang lại ý nghĩa lớn như vậy, tại sao lại bỏ đi?”.
Cần giữ quy định hiện hành
Cũng như luật sư Vinh, Thẩm phán Hoàng Văn Hải (Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh), luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), luật sư Nguyễn Hải Vân (Giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Á) đều đồng tình với việc cần giữ lại quy định về điều kiện bắt người trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Theo Thẩm phán Hải, quy định này là tiến bộ, phù hợp với nguyên tắc pháp luật hình sự nói chung và tập quán quốc tế khi chúng ta đã gia nhập hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Nếu bỏ điều kiện này đi là một bước lùi. Cơ quan điều tra không phải là nơi có thẩm quyền tuyên bố một ai đó có tội hay không mà chỉ có quyền nghi ngờ người đó có dấu hiệu phạm tội. Như vậy, bản thân cơ quan điều tra không thể tự ý muốn bắt ai thì bắt mà phải có ý kiến của VKS hoặc tòa. “Trong khi chúng ta đang trong quá trình cải cách tư pháp, giảm tối đa các trường hợp làm oan cho người vô tội thì việc quy định điều kiện bắt người này càng trở nên cần thiết” - Thẩm phán Hải nhấn mạnh.
Còn theo luật sư Đức, “quy định về điều kiện bắt, tạm giữ chặt chẽ như hiện nay mà thực tế vẫn còn xảy ra việc làm sai. Nếu dự thảo Hiến pháp sửa đổi “nới lỏng” điều kiện bắt, tạm giữ thì e rằng chuyện lạm dụng, tùy tiện sẽ càng phức tạp và khó lường hơn”. Tương tự, luật sư Vân cũng cho rằng việc giữ điều kiện bắt người là cần thiết vì nó đảm bảo một cách cụ thể về quyền tự do và bất khả xâm phạm về thân thể của con người.
Một số vụ bắt oan Năm 2010, con gái 13 tuổi của bà BTĐ (giáo viên một trường THCS ở TP Sơn La) bị kẻ xấu cưỡng bức. Sợ làm to chuyện thì mang tiếng, ảnh hưởng đến tương lai của con, bà Đ. đã đồng ý nhận 130 triệu đồng tiền bồi thường và lời xin lỗi của kẻ gây án trước sự chứng kiến của công an phường. Tuy nhiên, sau đó Công an TP Sơn La lại đến khám nhà và đưa bà Đ. về trụ sở, ra quyết định tạm giữ, sau đó tạm giam về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Sau 23 ngày tạm giam, Công an TP Sơn La đã phải thả bà về và tuyên bố bà không phạm tội, việc bắt, tạm giữ, tạm giam là sai. Sau khi VKSND Tối cao vào cuộc, bà Đ đã được Công an TP Sơn La tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan. Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh trường hợp của bà N. bị bắt oan. Số là do nghi ngờ bà đã mua một bức tượng đồng của kẻ trộm, nửa đêm công an một huyện của tỉnh H. đã xông vào lục soát nhà rồi dẫn giải cả nhà bà về trụ sở mà không có lệnh khám nhà, bắt người. Sau khi lấy lời khai ban đầu, những người khác được thả về, còn bà N. bị tạm giữ. 10 ngày sau, công an huyện mới thả bà ra kèm theo lời nhắn: “Khi nào chúng tôi có giấy triệu tập thì bà phải trình diện ngay”. Rồi sau đó mọi việc lặng lẽ… chìm xuồng. |
Theo Thanh Tùng (Pháp luật Việt Nam)