Trong hơn 10 năm làm công tác đối ngoại quốc phòng ông đã đến thăm và làm việc tại 67 quốc gia trên thế giới. Xin trích đăng một số quan điểm cá nhân với tư cách một chuyên gia về đối ngoại quốc phòng của thượng tướng, VS.Ts Nguyễn Huy Hiệu xung quanh việc vận dụng những nguyên lý, tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại quốc phòng trong việc giải quyết các tranh chấp và bảo vệ chủ quyền của nước ta tại Biển Đông hiện nay.
Thượng tướng VS.Ts Nguyễn Huy Hiệu
Kiên định mục tiêu, ứng biến trong xử lý tình huống
Là một nhà nghiên cứu khoa học quân sự, Thượng tướng, VS.Ts Nguyễn Huy Hiệu đã có nhiều bài viết, nghiên cứu về đường lối chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam từ trước đến nay. Trao đổi với PV, Thượng tướng, VS.Ts Nguyễn Huy Hiệu cho biết: "Những nghiên cứu mà tôi đã chưng cất trong cuốn sách: "Một số vấn đề đối ngoại Quốc phòng Việt Nam". Đó là cái nhìn xuyên suốt cả quá trình ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta và, kế tiếp sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới. Cuốn sách chỉ vẻn vẹn 275 trang nhưng nó là sự khái quát về công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam và được các đối tác của ta rất quan tâm nghiên cứu".
Với cái nhìn đó, theo Thượng tướng, VS.Ts Nguyễn Huy Hiệu thì không chỉ trong bất kỳ thời điểm nào, giải quyết vấn đề gì, khi chúng ta kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và dựng trên ngọn cờ chính nghĩa thì đều giành được chiến thắng. Bởi khi đó chúng ta vận dụng được sức mạnh tổng hợp trong nước, sự ủng hộ của nhân dân các nước trên thế giới. Và trên hết, đó là chiến thắng của chính nghĩa.
Thượng tướng, VS.Ts Nguyễn Huy Hiệu phân tích cụ thể: Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ kéo dài 30 năm trên quy mô rộng lớn, với tính chất quyết liệt và cường độ ngày càng gia tăng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban chấp hành Tư Đảng đã nêu cao ngọn cờ chính nghĩa quy tụ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân đánh thắng hai thế lực xâm lược lớn mạnh giành độc lập và thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn chúng ta phải chống hai đế quốc to, có một tình huống mà chúng ta phải vận dụng rất linh hoạt các nguyên tắc trong việc quan hệ với các nước để bảo vệ chủ quyền. Đó là thời kỳ cuối chiến tranh thế giới thứ 2, khi trục phát xít bị lật đổ, trong nước chúng ta đã nhanh chóng cướp thời cơ làm Cách mạng tháng 8 thành công rực rỡ. Tuy đã giành được độc lập nhưng khi chính quyền cách mạng còn non trẻ thì quân đội Anh, Pháp, Mỹ và Trung Hoa dân quốc khi đó kéo vào dưới danh nghĩa là quân Đồng minh vào tước vũ khí của phát xít Nhật ở Đông Dương.
Tuy nhiên, mục tiêu chính của những đội quân này là hòng đè bẹp nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam á. Không chỉ nguy cơ "giặc ngoài" mà khi đó chính quyền cách mạng non trẻ và nhân dân ta còn phải đối mặt với "thù trong" là những tàn tích của chế độ cũ còn sót lại và chồng chất những khó khăn về kinh tế, xã hội, chính trị... trong buổi đầu.
Trước mưu đồ hiểm độc của các lực lượng núp bóng quân Đồng minh đang ồ ạt vào nước ta, Tư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn, chính xác trên tất cả các mặt hoạt động chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao để lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những ghềnh thác nguy hiểm.
Ngày 5/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tuyên bố: "Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng kiên quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ là hãm dân tộc Việt Nam trong vòng nô lệ một lần nữa". Tư tưởng của Người đã đoàn kết chặt chẽ nhân dân xung quanh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh thành một lực lượng lớn mạnh, một chính quyền cách mạng được nhân dân hết lòng ủng hộ kiên quyết bảo vệ nền độc lập, sẵn sàng chống lại các thế lực muốn cướp đi nền độc lập ấy.
Tàu hải giám số 84 của Trung Quốc
Đặc biệt, trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tư Đảng chủ trương "hòa để tiến" với quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Đây là lực lượng tuy ô hợp nhưng lại có dã tâm nhất trong số những đội quân núp bóng Đồng minh đang chuẩn bị tràn vào nước ta.
Cụ thể, cuối tháng 9/1945, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch vào Hà Nội và các thành phố, thị xã. Âm mưu của chúng là tiêu diệt Đảng Cộng sản, phá tan Việt Minh và giúp bọn phản động đánh đổ chính quyền nhân dân, lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng. Tưởng Giới Thạch cử tướng Hà ứng Khâm, Bộ trưởng Chiến tranh đến Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới ngay tổng dinh của quân Tưởng gặp Hà ứng Khâm. Người kiên trì thương lượng với quân Tưởng. Người đưa ra chủ trương cải tổ Chính phủ lâm thời thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, lập Chính phủ chính thức. Sau đó, Hồ Chủ tịch còn chấp thuận để 70 đại biểu "Việt quốc" "Việt cách" tham gia Quốc hội không phải qua Tổng tuyển cử.
"Pháp quay lại, Hồ Chủ tịch đã thương lượng để ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 với Pháp. Đó là chủ trương "Hòa để tiến" kỳ diệu của Hồ Chí Minh. Trước kia, Người tranh thủ mâu thuẫn giữa Mỹ-Tưởng và Anh-Pháp để hòa hoãn với quân Tưởng ở phía Bắc, đánh Pháp ở phía Nam. Nay Người lại khéo léo lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng để hòa hoãn với Pháp để gạt 20 vạn quân Tưởng ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Dĩ bất biến ứng vạn biến". Người luôn kiên trì độc lập, chủ quyền nhưng ứng biến với từng hoàn cảnh cụ thể và ngày nay chúng ta cần vận dụng linh hoạt trong vấn đề bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông", Thượng tướng, VS.Ts Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh.
Ba định hướng lớn
Trong quan hệ ngoại giao quốc phòng với các nước có chung đường biên giới, Thượng tướng, VS.Ts Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh: Chúng ta luôn phải tăng cường phát triển quan hệ với quân đội các nước láng giềng có chung biên giới và các nước trong khu vực, từng bước đưa quan hệ vào chiều sâu, với phương châm Láng giềng tốt.
Cáp quang của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt đứt ngày 26/5/2011
Nhìn nhận về mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc, Thượng tướng, VS.Ts Nguyễn Huy Hiệu cho biết: "Từ năm 1992, quan hệ quốc phòng Việt Nam- Trung Quốc có bước phát triển trên nhiều mặt. Hai bên đã định kỳ trao đổi nhiều đoàn ở cấp lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục chính trị, các Tổng cục, Quân khu và ở các cấp khác.
Thông qua hoạt động giao lưu, trao đổi, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và quân đội hai nước đều đạt được nhận thức chung về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, bảo vệ vững chắc những thành quả của Chủ nghĩa xã hội trước những âm mưu thủ đoạn của Chủ nghĩa đế quốc và khẳng định quyết tâm có những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, từng bước đi vào giải quyết những vấn đề còn tồn tại và mở ra hợp tác cụ thể.
Đây là nền tảng quan trọng để lãnh đạo hai nước đạt được thỏa thuận về khuôn khổ hợp tác quan hệ song phương 16 chữ: "Láng giềng thân thiện / Hợp tác toàn diện / ổn định lâu dài / Hướng tới tương lai" và phương châm 4 tốt là: "Láng giềng tốt / Bạn bè tốt / Đồng chí tốt / Đối tác tốt".
Bàn về việc bảo vệ chủ quyền cũng như giải quyết tranh chấp ở Biển Đông hiện nay, Thượng tướng, VS.Ts Nguyễn Huy Hiệu khẳng định: Điều đó đã nằm trong chiến lược công tác đối ngoại quân sự từ năm 2010 đến những năm tiếp theo.
Cụ thể: "Một là: Nắm vững đường lối đối ngoại, độc lập tự chủ của Đảng ta, Bộ Quốc phòng phối hợp tham mưu trong việc triển khai Chiến lược Biển và giải quyết hòa bình các bất đồng trên Biển Đông trên tinh thần Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ký ngày 10/12/1982 về Quy tắc ứng xử Biển Đông ký năm 2007 giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN (gọi tắt là DOC); xây dựng Biển Đông hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Hai là: Mở rộng các hình thức và lĩnh vực hợp tác của hải quân, góp phần bảo vệ an ninh, ổn định và trật tự trên biển; thúc đẩy ký thỏa thuận hợp tác tuần tra chung với các nước láng giềng (Indonesia, Myanmar, Malaysia, Brunei); Hợp tác hải quân với Philippines, Singapore, Myanmar; Tiếp tục đưa tàu hải quân thăm viếng một số nước trong khu vực.
Ba là: Tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển với một số nước trong khu vực, ưu tiên ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và bắc Vịnh Bắc Bộ; Ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với một số nước, nhất là nước có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nước ta, nhằm xây dựng quan hệ lâu dài ổn định".
Những quyết sách này vừa xây dựng mối quan hệ tốt, hòa bình, cùng phát triển với các nước láng giềng, trong khu vực nhưng cũng là để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền trên biển, trên đất liền và trên không.
Vương Hà