Cận cảnh lễ cúng và rước y trang từ xã Phước Hà về làng Chăm Hữu Đức của đồng bào Ra Glai.
Người Chăm có câu thành ngữ “Chăm sa-ai Ra Glai adei”. Nghĩa là người Chăm là người chị cả, còn người Ra Glai là con gái út trong gia đình. Theo truyền thuyết, người con gái út trong gia đình có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc và thờ phụng cha mẹ khi về già.
Cho nên, từ xa xưa, người Ra Glai được giao vai trò đảm trách việc bảo quản y trang của vua chúa và các đồ cúng lễ trên đền tháp để thờ phụng ông bà, tổ tiên và thần linh. Theo tìm hiểu thực tế của PV, hiện nay, hai tộc họ giữ y trang đó là Chamalé và Pa Tâu A Xá; giữ những đồ vật dụng cúng trong nghi lễ y trang là tộc họ A Né.
Thời gian sinh sống trôi đi, tộc họ Pa Tâu A Xá đã đổi thành tộc họ Tâu Xá, riêng tộc họ A Né, trước đây là tộc họ người buôn bán, qua hàng thế kỷ, tộc họ này đã gìn giữ những đồ vật dụng trong nghi thức cúng y trang, cũng như trong nghi lễ cúng đầu năm của đồng bào Ra Glai, xã Phước Hà.
Bà Tâu Xá Thị Nhân (ngụ thôn Giá, xã Phước Hà), người thuộc một trong hai tộc họ đang giữ y trang của đồng bào Chăm, chia sẻ: “Tộc họ tôi đã giữ y trang được 3 đời nay. Theo tục lệ, đồ y trang sẽ truyền lại cho con gái trong tộc. Bởi đồng bào Ra Glai theo chế độ mẫu hệ, mọi tài sản của tổ tiên sẽ được để lại cho người con gái trong gia đình cất giữ”.
Để hiểu thêm về việc giữ và rước y trang của đồng bào Ra Glai, PV tìm đến nhà ông Chamalé Ơi (ngụ thôn Giá, xã Phước Hà). Ông Ơi cho biết: “Chưa có ai có thể khẳng định được thời gian đồng bào Ra Glai, xã Phước Hà giữ y trang”.
“Trước giờ rước y trang từ thôn Giá về làng Chăm ở thôn Hữu Đức, việc cúng y trang sẽ được tiến hành tại hai nhà tộc họ đang giữ y trang, nhưng chỉ có y trang của tộc họ Tâu Xá được đem đi. Vì người Ra Glai cho rằng, nếu như y trang của tộc họ kia mất đi hoặc bị rách, thì còn có y trang khác thay thế”, ông Ơi cho biết thêm.
Những ngày đầu tháng 10, PV về làng Chăm Hữu Đức, điều dễ nhận thấy ở đây là không khí rất sôi động, nhà nhà tất bật dọn dẹp nhà cửa, đi mua sắm các vật dụng như: Hoa treo tường, chén bát, khăn choàng... để chuẩn bị đón Katê...
Y trang không những tái hiện trong lễ hội Katê, mà còn xuất hiện trong nghi thức cúng đầu năm của đồng bào Ra Glai, xã Phước Hà.
Cả sư Hán Dậu (78 tuổi, ngụ thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu) nói: “Y trang phải xuất hiện trong nghi lễ, đây là quy định của tổ tiên đã để lại cho con cháu đồng bào Ra Glai. Tại nơi này, các tộc họ sẽ đem y trang ra phơi, kiểm tra đồ y trang có bị cũ, hư hỏng và từ đó báo lại cho ban Phong tục đền thờ Pô Inư Nưgar của người Chăm biết, để may hoặc bổ sung y trang trước ngày diễn ra lễ hội Katê”.
Trao đổi với PV, ông Tạ Yên Mơn - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà cho biết: “Hằng năm, cứ vào mỗi dịp Katê, UBND xã cũng chỉ đạo các thôn giữ gìn và bảo quản tốt y trang để chuẩn bị cho lễ hội. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các nhà lưu giữ y trang đã xuống cấp và không đảm bảo. Địa phương cũng mong muốn trong thời gian tới các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng lại những căn nhà mới để bà con yên tâm cất giữ y trang thật tốt để có mùa Katê sum vầy và vui tươi”.
Nói đến việc gìn giữ và bảo quản y trang, ông Chamalé Ơi, cả sư Hán Dậu, bà Tâu Xá Thị Nhân và những tộc họ Chamalé, Tâu Xá, đều lo lắng. Bởi, hiện nay, những ngôi nhà đang giữ y trang đang có dấu hiệu mục nát, việc bảo quản y trang đang gặp rất nhiều khó khăn. Đồng bào Phước Hà mong muốn được xây dựng một ngôi nhà cố định để cất giữ y trang và những vật dụng cúng y trang. Qua đó, góp phần dễ dàng thực hiện nghi thức cúng đầu năm và dần khôi phục lại bản sắc văn hoá sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Ra Glai. Và điều quan trọng hơn cả, khi y trang được cất giữ cẩn trọng, lễ hội Katê sẽ được giữ “hồn” một cách đúng nghĩa.