Từ món quà tặng bạn thân
"Nếu không đến xem tận mắt, cảm nhận tận mắt, tôi nghĩ không mấy ai tin việc lông gà có thể trở thành vật liệu để vẽ nên những bức họa đẹp một cách lạ lùng và riêng biệt đến vậy", ông Bùi Văn Quang, một người mê tranh lông gà ngụ tại phố Trần Quý Cáp (thành phố Hội An, Quảng Nam) nhận xét khi đến thăm phòng tranh của họa sĩ Đinh Ngọc Đạt lần đầu. Theo lời ông, chủ phòng tranh lông gà kỳ diệu trên chưa có được một giờ ngồi lớp học Mỹ thuật. Cũng như, những tự sự sau này của mình, họa sĩ Ngọc Đạt cho biết: Ông sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả. Nhưng ngay từ nhỏ, ông đã sớm được biết đến như một thần đồng hội họa. Tuy nhiên, "viên ngọc thô" mang tên Đinh Ngọc Đạt chưa một lần được phát hiện, mài giũa.
Họa sĩ Đinh Ngọc Đạt thực hiện công tác gián lông gà lên bản vẽ phác thảo
Kể về tuổi thơ nhọc nhằn của mình, họa sĩ Ngọc Đạt chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, tôi chưa bao giờ dám mơ đến ngày theo nghiệp hội họa. Song có lẽ, tôi có duyên với nó. Ngay từ nhỏ, tôi đã mê vẽ. Thay vì ghi lại cảm xúc bằng thơ văn như chúng bạn, tôi vẽ nó vào cuốn lưu bút nhỏ của mình. Hơn thế, tôi còn một tài lẻ khác là xé giấy dán tranh khá đẹp. Những tưởng, tài lẻ trên chỉ là những phút vô tư con trẻ, nào ngờ một ngày, chính nó đưa ông trở thành một kỳ nhân. Ông cho biết, nghiệp vẽ bằng lông gà được ông khai sinh từ năm lên 16 tuổi. Năm ấy, một người bạn thân của ông đi xa. Quyến luyến, nhớ thương bạn đã thôi thúc cậu bé nghèo tìm, tặng cho người bạn sắp phải đi xa một món quà ý nghĩa. Đó là một công việc khó. Ngọc Đạt luôn thừ người ra suy nghĩ. Lắm lúc, cậu suy tư, trầm ngâm như người mất hồn.
Bỗng một lần, trong lúc lang thang, suy tư về món quà cho bạn thân, một cách tình cờ, Ngọc Đạt trông thấy ngoài chợ bày bán những chú gà trống lông cánh sặc sỡ. Những gam màu tự nhiên đầy huyền ảo nhanh chóng mê hoặc cậu bé và ý tưởng dùng lông gà để vẽ tranh chợt lóe lên trong trí óc Ngọc Đạt. Chia sẻ về tác phẩm đầu tay của mình, ông cho biết: "Đó là lần đầu tiên tôi thực hiện một công việc rất đỗi lạ lẫm và mất đến 3 ngày đêm miệt mài. Tôi chọn màu từ lông gà, lên ý tưởng và xếp nó theo ý tưởng của mình. Sau 3 ngày đêm chọn lông, phết hồ dán lông gà tôi đã hoàn thành bức tranh đầu đời. Đó là bức Chùa Cầu, cây cầu bắc ngang qua con sông Hoài nơi gắn liền với tuổi thơ nhọc nhằn của tôi. Và dĩ nhiên, người bạn của người họa sĩ không chuyên đã rất bất ngờ nhưng cũng không bao giờ ngờ rằng từ cái ngày ấy, Đinh Ngọc Đạt lại trở thành một nghệ sĩ với những bức tranh về phố cổ Hội An bằng lông gà độc nhất vô nhị.
Đến níu giữ hồn phố cổ bằng tranh lông gà
Sau bức Chùa Cầu, ý tưởng sáng tác tranh về phố cổ Hội An của người họa sĩ không chuyên gián đoạn bởi cuộc chiến chống Mỹ. Được biết, năm 1979, ông lên đường nhập ngũ. Trong những khoảnh khắc khốc liệt của chiến tranh gian khổ, một lần nữa tài hội họa của Đinh Ngọc Đạt tỏa sáng. Người họa sĩ vẽ tranh bằng lông gà trở thành chiến sĩ vẽ bản đồ địa hình rất giỏi. Nghiệp vẽ lại theo anh từ Lữ Đoàn 173 đến Tiểu Đoàn 1 tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy nhiên, ý tưởng và khát khao sáng tác hội họa bằng lông gà vẫn chưa một lần nguôi ngoai trong người lính trẻ. Thế nên, ngay sau ngày xuất ngũ, Ngọc Đạt nhanh chóng chọn tranh vẽ lông gà làm nghề dựng nghiệp. Cũng từ đây, dòng tranh nghệ thuật từ lông gà sống dậy rồi trưởng thành với một vị trí rất riêng đặc biệt trong làng hội họa.
Bức Chùa Cầu Hội An
Ngắm những Chùa Cầu Hội An, Con ngựa, Xóm dừa, Hội An mùa lụt, người xem luôn bất ngờ trong sự ngạc nhiên ban đầu từ sự độc đáo của loại hình hội họa này đem lại. Hơn thế, người yêu hội họa bị cuốn hút trong vẻ đẹp kỳ diệu và lắng sâu trong tình yêu quê hương phố cổ của Đinh Ngọc Đạt. Thế nhưng, phía sau những nét đẹp độc đáo, rất riêng từ loại tranh trên, ít ai biết đến những bí quyết sáng tác tranh bằng lông gà của người họa sinh không chuyên Đinh Ngọc Đạt. Chia sẻ về những bí quyết riêng của con đường nghệ thuật độc đạo của mình, không một chút bận lòng, họa sĩ Đinh Ngọc Đạt cho biết: "Sáng tạo nghệ thuật không phải là con đường dễ đi. Sáng tác tranh bằng lông gà cũng vậy, cũng cần phải có những kỹ năng, kinh nghiệm riêng. Cấu tạo của một chiếc lông gà giống như một thân cây, tỏa nhiều nhánh như tóc của mình nên không phải chiếc nào cũng dùng làm tranh được. Lông gà được chọn phải có màu sắc, kích cỡ thích hợp với đề tài mình muốn thể hiện trong tranh.
Và để có những chiếc lông gà hội đủ những tiêu chuẩn khắt khe như: Màu sáng đẹp tự nhiên, không rách, hư hỏng, dễ phai màu, màu sắc không đều, tốt nhất là lông của gà trống ta. Theo lời ông, việc chọn lông gà trống ta, một chất liệu gần gũi đến bình thường là vì loại lông này có màu nâu, vàng đậm hoặc nhạt với nhiều sắc độ khác nhau, hay đen pha chút xanh lam. Đó là những gam màu gần gũi với nét cổ kính tường rêu, tường gỗ của phố cổ. Nhưng với một môn nghệ thuật đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo, kỳ công như trên, không ít lần họa sĩ nếm trái đắng. Tuy nhiên, sau những trái đắng là một lần ông tích lũy thêm cho mình những kinh nghiệm, kỹ năng. Đó là: "Nhất thiết phải lấy lông từ gà còn sống vì khi gà chết, thì bộ lông nhanh chóng bị đổi màu, biến dạng nên mất luôn vẻ tự nhiên.
Sau khi có lông gà, loại vật liệu này sẽ được phơi khô và phân chia theo từng kích thước màu sắc khác nhau, được lựa chọn một cách tỉ mẩn từ người họa sĩ có hơn 35 năm trong nghề. Song đó chưa phải là khâu khó nhất. Theo lời ông, công việc khó nhất của nghệ thuật vẽ tranh bằng lông gà là giai đoạn dán lông gà lên bản phác thảo. Ông cho biết, sau khi đã có cảm hứng, ý tưởng sáng tác, Đinh Ngọc Đạt sẽ thể hiện ý tưởng của mình ra giấy theo kiểu một bản phác thảo tác phẩm. Những đường nét trong bản phác thảo này sẽ hoàn toàn được thể hiện bằng bút chì và được chỉnh sửa nhiều lần cho đến khi ưng ý. Cuối cùng, lông gà sẽ được người nghệ sĩ chấm keo, dán từng chiếc lông gà lên theo những nét đã phác thảo bằng bút chì trước đó. Đây là giai đoạn kết hợp tất cả những phẩm chất của một nghệ sĩ thực thụ như: Độ khéo léo, tinh xảo và trí tưởng tượng phong phú cũng như khả năng phối màu kỳ diệu, …
Khẳng định về nhận định trên, ông Bùi Văn Quang, họa sĩ nghiệp dư tại phố Trần Quý Cáp, Hội An, người say đắm những tác phẩm của họa sĩ vẽ tranh bằng lông gà cho biết: "Đối với hội họa truyền thống, người họa sĩ có thể trực tiếp pha màu, trộn màu để vẽ còn với loại hình này, người họa sĩ không được phép tự trộn màu, pha màu theo ý muốn mà thụ động sử dụng những gam màu đã có để hoàn thành bức tranh. Cái hay, cái giỏi của anh là ở cách phối những gam màu đã có. Nhìn bức tranh từ xa, người ta luôn nghĩ đó là một tác phẩm sơn mài, sơn dầu chứ không phải là lông gà". Thế nên, theo lời Đinh Ngọc Đạt, mỗi tác phẩm từ lông gà của ông ít nhất cũng mất từ 1 - 2 tuần. Thậm chí có tác phẩm, ông phải miệt mài, ròng rã cả tháng trời.
Tuy nhiên, cho đến nay, những gắn bó và cống hiến của ông cho con đường nghệ thuật chưa một lần quay lưng và cho ông niềm thất vọng. Con đường sáng tạo độc đạo của người họa sĩ không chuyên đã và đang vươn xa khi có du khách từng nhận định rằng: Ông là người níu giữ hồn phố cổ bằng tranh lông gà.
Từng điêu đứng vì dịch cúm gà Sau hơn 35 sáng tác tranh bằng lông gà, họa sĩ nghiệp dư Đinh Ngọc Đạt cho biết những năm tháng thăng trầm nhất trong con đường nghệ thuật của mình là những năm xảy ra dịch cúm H5N1. Giai đoạn này, công việc sáng tác của Đinh Ngọc Đạt gần như ngưng trệ vì lý do không thể tìm ra lông gà để vẽ. Sau giai đoạn trên, ông cho biết, hiện nay, ông đã chuẩn bị được một kho nguyên liệu sạch được thu mua từ những nơi có nguồn gốc rõ ràng và tuyệt đối an toàn. Được biết, mỗi bức tranh của ông ngốn hết lông của 10 gói lông gà và có giá trung bình từ 1- 2000 USD. |
Hà Nguyễn