Nỗ lực bảo tồn và phát triển làng nghề
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) gắn liền với quá trình hình thành các cộng đồng cư dân trên vùng đất Thủ Dầu Một, với lịch sử hình thành hàng trăm năm tuổi.
![Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 1. Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/1/1/base64-17356899100691083846505.jpeg)
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (Tp.Thủ Dầu Một) có lịch sử lâu đời.
Có thể nói, trong dòng chảy thời gian và sự phát triển mạnh mẽ của thời đại, nhiều làng nghề truyền thống đã bị mai một. Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp cũng không thoát khỏi "vòng xoáy" thời gian, khi không còn được thịnh vượng như trước.
Tuy nhiên, dù đã trải qua bao thăng trầm, thử thách, các thế hệ làm sơn mài trên đất Bình Dương đã bỏ ra biết bao công sức để từng bước hoàn thiện, giữ gìn những kỹ thuật làm sơn mài, để tạo nên một giá trị lịch sử làng nghề, một thương hiệu sơn mài của Bình Dương và sau này là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội sơn mài Bình Dương cho hay: "Nghề sơn mài đã len lỏi vào đời sống người dân phường Tương Bình Hiệp từ khoảng những năm 1930. "Cha truyền con nối", hàng xóm láng giềng chỉ dạy nhau cách làm nghề và từ đó hình thành lên một làng nghề nổi tiếng như bây giờ".
Theo nghệ nhân Bá Linh, nghề sơn mài trông dễ mà khó, phải thực sự yêu nghề, yêu cái giá trị và nét đẹp của sự truyền thống thì mới có thể gắn bó được lâu dài.
Những năm trước, nghề sơn mài đã dần dần mai một. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan chức năng và những người trong làng nghề đang nỗ lực lưu giữ và phát triển làng nghề. Mong muốn làng nghề sẽ được bảo tồn và gắn liền với sự phát triển của tỉnh Bình Dương nói riêng cũng như đất nước nói chung.
![Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 2. Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 2.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2024/12/31/base64-1735688929604945313239.jpeg)
Sơn mài là một trong những nghề có nhiều công đoạn.
"Sản phẩm sơn mài không phải là mặt hàng thiết yếu, chỉ khi nền kinh tế phát triển, người ta mới có thể sử dụng. Hiện tại, có đơn hàng để duy trì công việc, đó là điều tốt. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi mong muốn nhất là nghề truyền thống này được bảo tồn và phát triển, không chỉ tạo sinh kế cho các gia đình ở đây, mà còn góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, để khi nhắc đến Bình Dương, mọi người sẽ nhớ đến làng nghề đặc sắc này," ông Linh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chiến, một nghệ nhân có hơn 20 năm gắn bó với nghề cho biết: "Tôi đã làm nghề này lâu năm, quen tay quen mắt, dù công việc vất vả nhưng tôi không từ bỏ. Hiện, làng nghề đã trở thành di sản văn hoá truyền thống được nhà nước công nhận và hỗ trợ. Chúng tôi cũng rất vui".
Thu hút lao động trẻ kế nghiệp
Theo các nghệ nhân và công nhân lành nghề tại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, không phải ai cũng dễ dàng làm quen và thành thạo nghề này. Sơn mài là một nghề đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp. Sau khi tạo dáng cho sản phẩm, người thợ phải thực hiện bước sơn hom, tức là pha sơn với bột thạch cao để tạo ra một lớp sơn đặc, sau đó dùng bay hoặc cọ quét lên bề mặt để tạo nền.
![Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 3. Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 3.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2024/12/31/base64-1735689047042689777404.jpeg)
Quy trình mài hộp.
Công đoạn mài cũng được chia thành nhiều giai đoạn, bao gồm mài khô và mài nước. Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của máy móc, công đoạn mài khô đã bớt vất vả hơn. Tuy nhiên, để có một sản phẩm mịn màng và không bị bụi, nghệ nhân vẫn phải mài sản phẩm dưới nước.
Khi đã hoàn thành nền tảng và phác thảo hình ảnh, người thợ tiếp tục sử dụng màu vẽ hoặc các kỹ thuật như cẩn trứng, cẩn ốc, dát lá vàng, lá bạc,... để tạo màu sắc cho sản phẩm, tùy theo ý tưởng nghệ thuật mà họ muốn thể hiện. Cuối cùng, sản phẩm sẽ được mài lại bằng giấy nhám và nước để làm lộ rõ các hình ảnh và lớp màu sắc, hoàn thiện tác phẩm.
![Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 4. Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 4.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2024/12/31/base64-17356890830701988880664.jpeg)
Nhiều thế hệ trẻ gắn bó với công việc sơn mài.
Kỹ thuật và kinh nghiệm của người thợ quyết định chiều sâu của bức tranh sơn mài, bởi họ biết mài ở đâu là đúng, nên dừng lại ở đâu và làm thế nào để thổi hồn vào sản phẩm của mình.
Để tạo nên một tác phẩm sơn mài sản xuất theo kiểu cổ truyền thường phải trải qua 25 công đoạn khắt khe, đòi hỏi mất nhiều công sức và thời gian. Có công đoạn phải làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt yêu cầu như công đoạn hom, sơn lót. Riêng công đoạn sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 - 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Phải làm việc với đá mài và giấy nhám trong thời gian dài, đôi tay của những người thợ có thể bị ăn mòn tươm máu. Và cường độ làm việc liên tục nên những vết thương trên da cũng lâu lành, vết mới chồng cũ sẽ trở thành những vết chai thô cứng.
![Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 5. Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 5.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2024/12/31/base64-17356891651362069994225.jpeg)
Thu nhập dù không cao, nhưng nhiều người vẫn bám trụ với làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Nhiều sản phẩm đẹp vẫn được ra đời.
Vì nhiều công đoạn vất vả, nghề sơn mài ít thu hút thế hệ trẻ. Các sản phẩm như tranh thêu, tranh 3D đang phổ biến hơn, khiến sơn mài khó tìm đầu ra và ít có lợi nhuận.
Ông Nguyễn Chiến chia sẻ: "Dù vậy, tôi vẫn đang động viên và hướng dẫn hơn 10 bạn trẻ muốn theo nghề, truyền cảm hứng về sự tỉ mỉ, vẻ đẹp trong từng sản phẩm, và khuyến khích các bạn kết hợp giữa văn hoá xưa và hiện đại để phát triển nghề và tạo ra lớp nghệ nhân kế cận".
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, thu nhập từ công việc của những người thợ tại làng nghề Tương Bình Hiệp bình quân chỉ dao động trong khoảng 6 - 8 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, lượng công nhân là việc và những người thực sự muốn gắn bó với nghề sơn mài rất ít.
![Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 6. Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 1: Làng nghề trăm tuổi giữa thách thức và hy vọng- Ảnh 6.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2024/12/31/base64-1735689200732152830287.jpeg)
Xây dựng thế hệ kế cận cho làng nghề sơn mài đang được nhiều nghệ nhân, cơ sở sản xuất hướng tới.
Anh Phan Huỳnh (24 tuổi) chia sẻ: "Mặc dù nghề sơn mài vất vả và thu nhập chỉ ở mức trung bình, nhưng tôi luôn đam mê nghệ thuật từ nhỏ. Tôi đã gắn bó với nghề 5 năm và mục tiêu là trở thành nghệ nhân, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống và tạo thu nhập cho bản thân".
Anh Phan Văn Tuấn (quê tỉnh Phú Thọ), sau 7 năm làm nghề sơn mài cho biết: "Tôi vào Bình Dương năm 2011, làm nhiều nghề để sinh sống. Sau khi xem triển lãm tranh sơn mài, tôi quyết định theo nghề. Ban đầu lương thấp nhưng nhờ sự tận tâm của các nghệ nhân, tôi đã học hỏi và thu nhập dần cải thiện.
Sơn mài đã gắn bó với tôi gần 1 thập kỷ rồi. Sau này tôi sẽ dạy nghề cho con trai tôi, để con tôi có niềm đam mê từ nhỏ, lưu giữ làng nghề sơn mài và phát triển nó".
Ngày 6/4/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1328/QĐ-BVHTTDL về công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp, thuộc phường Tương Bình Hiệp (Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Phùng Sơn
Giữ "lửa" làng nghề truyền thống - Bài 2: Chuyển mình cùng thời đại