Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) sản xuất những sản phẩm sơn mài độc đáo, giá trị, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động ở địa phương.
Nghề sơn mài truyền thống những năm sau này đã từng bước được các nghệ nhân sáng tạo, kết hợp nhiều chất liệu mới để tạo ra những sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu phong phú của thị trường.
![Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 2: Chuyển mình cùng thời đại- Ảnh 1. Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 2: Chuyển mình cùng thời đại- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/1/1/base64-17356902331641156534901.jpeg)
Sự kết hợp giữa xưa - nay, áp ụng máy móc vào trong sản xuất đã giúp làng nghề sơn mài tăng năng suất và tỉ mỉ hơn trong các khâu sản xuất.
Ngoài ra, để bắt kịp với thời đại số, nhiều cơ sở sản xuất đã "chuyển mình" khi áp dụng vào nhiều công nghệ, máy móc kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều phôi, mẫu, hình vẽ đa dạng hơn, không chỉ ở những bức tranh cảnh vật làng quê, phong cảnh… mà còn là những sản phẩm mới để phù hợp với xu thế và mỹ quan của người tiêu dùng.
Theo ông Lê Bá Linh, Công ty Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn, để thay đổi góc nhìn của người trẻ về nghề sơn mài, doanh nghiệp của ông và một số đơn vị khác đã phối hợp với các sinh viên Trường đại học FPT tổ chức các buổi trưng bày nghệ thuật "Cảm - Chạm - Mài" nhằm tôn vinh hành trình lịch sử bóng bẩy, màu sắc của chất liệu sơn mài truyền thống.
Việc kéo dài và đẩy mạnh sự hiện diện của ngành nghề, sản phẩm sơn mài trong đời sống hiện đại là ước mơ của những người nghệ nhân, thợ lành nghề đã dành cả nửa đời mình để yêu lấy nghệ thuật truyền thống. Với mong muốn tìm kiếm thế hệ yêu nghề, quan tâm với những nét văn hóa xưa cũ.
Trước sự cạnh tranh của thị trường đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm sơn mài bây giờ không được sử dụng phổ biến, các cơ sở sản xuất sơn mài, những người thợ gắn bó với nghề từ đó cũng giảm đi đáng kể.
"Để nghề sơn mài có thể duy trì và vươn xa hơn, doanh nghiệp, bản thân nghệ nhân phải thay đổi tư duy, tư duy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật, quảng bá làng nghề trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là thường xuyên học hỏi", ông Lê Bá Linh chia sẻ.
Đề án bảo tồn phát huy làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp
Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển các ngành nghề nông thôn ở địa phương, trong đó có nghề sơn mài.
Năm 2023, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký Quyết định 2801/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn Tp.Thủ Dầu Một".
Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương (đơn vị được giao chủ trì thẩm định đề án Bảo tồn và Phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp), việc điều chỉnh phê duyệt đồ án hướng đến mục tiêu xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề.
Đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ.
![Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 2: Chuyển mình cùng thời đại- Ảnh 2. Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 2: Chuyển mình cùng thời đại- Ảnh 2.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/1/1/base64-1735690710235602188717.jpeg)
Đề án bảo tồn phát huy làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được nhiều người kỳ vọng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp là một trong những nghề thủ công truyền thống ở tỉnh Bình Dương. Để bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của làng nghề, tỉnh Bình Dương đã chủ động xây dựng, áp dụng nhiều chính sách.
![Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 2: Chuyển mình cùng thời đại- Ảnh 3. Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 2: Chuyển mình cùng thời đại- Ảnh 3.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/1/1/base64-173569037181260597579.jpeg)
Những nét vẽ, trạm trổ tinh xảo.
Năm 2009, Hiệp hội sơn mài - điêu khắc tỉnh Bình Dương đã nộp đơn đăng ký thương hiệu tập thể "Sơn mài Bình Dương" và được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ.
Trường trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa tỉnh Bình Dương liên tục mở lớp đào tạo chuyên ngành sơn mài để cung ứng nguồn lao động trẻ, chất lượng. Các cơ sở của các nghệ nhận vẫn luôn truyền nghề cho các thế hệ kế cận, khuyến khích các em học hỏi, đam mê và duy trì, phát triển nghề.
UBND tỉnh Bình Dương đã thông qua đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch trên địa bàn Tp.Thủ Dầu Một", sẽ phát triển các tuyến du lịch làng nghề kết hợp trải nghiệm thực tế, giúp du khách hiểu thêm về các làng nghề, hoạt động của các nghệ nhân,…
![Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 2: Chuyển mình cùng thời đại- Ảnh 4. Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 2: Chuyển mình cùng thời đại- Ảnh 4.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/1/1/base64-17356904006831240220599.jpeg)
Sản phẩm sơn mài của làng nghề Tương Bình Hiệp.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, bên cạnh nỗ lực bảo tồn, gìn giữ những nét truyền thống của làng nghề thì việc phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm sơn mài gắn với ứng dụng công nghệ số, để nghề sơn mài không lạc hậu, luôn bắt kịp với thời đại công nghệ.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Sở đã và đang phối hợp cùng với địa phương, các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch để tổ chức tuyên truyền quảng bá làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp trên Website Du lịch Bình Dương, Website Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Dương; phối hợp với địa phương, các Sở, ban, ngành định kỳ tổ chức hoạt động triển lãm, hội thảo, hội chợ, giỗ Tổ ngành sơn mài nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối các cơ sở sản xuất với thị trường tiêu dùng.
![Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 2: Chuyển mình cùng thời đại- Ảnh 5. Giữ lửa nghề sơn mài - Bài 2: Chuyển mình cùng thời đại- Ảnh 5.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/1/1/base64-1735690574001781157849.jpeg)
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương (đứng giữa) khảo sát và thăm nhiều cơ sở tại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. (Ảnh Phương Chi).
Bên cạnh đó, hướng dẫn các cơ sở sản xuất phát triển sản phẩm sơn mài Bình Dương, kết hợp nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ mới để vừa bảo tồn truyền thống, vừa đáp ứng xu hướng thị trường.
Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hội thảo, hội chợ, mở rộng thị trường, tìm kiếm nguyên vật liệu trong và ngoài nước, và nâng cao tư duy sản xuất, thiết kế.
Ngoài ra, phối hợp với các điểm du lịch giới thiệu sản phẩm sơn mài, xây dựng khu trưng bày trong làng nghề, phục vụ du khách trải nghiệm và mua sắm. Quảng bá thông tin qua website và app Du lịch Bình Dương.
Bảo tồn và phát huy tốt nhất làng nghề truyền thống
Đầu năm 2024, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh uỷ, tỉnh Bình Dương đã khảo sát và thăm nhiều cơ sở tại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương mong muốn phát triển các showroom, phòng trưng bày của doanh nghiệp trở thành "bảo tàng" sản phẩm truyền thống.
Đối với Đề án "Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn Tp.Thủ Dầu Một", ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị các sở ngành, Tp.Thủ Dầu Một rà soát lại Đề án để đảm bảo đầu tư có hiệu quả, trong đó chú ý đến các nội dung chính sách phát triển nghề truyền thống, đảm bảo "vừa tập trung vừa phân tán", để chính những người làm nghề truyền thống vừa sản xuất, vừa bảo tồn và phát huy.
Ông Lợi cũng đề nghị chú trọng đưa các ngành nghề truyền thống vào trường học; kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở với các trường nghề trong công tác đào tạo. Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương tiếp tục quan tâm lưu giữ, phát triển các bộ môn này.
Đồng thời tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, giáo dục ngoại khóa tại các trường, doanh nghiệp để giáo dục truyền thống, lịch sử, hình thành nhận thức và lòng yêu thích các ngành nghề truyền thống đặc sắc của tỉnh.
Phùng Sơn