Máu đổ cho đường dây thông suốt
Trong thời kỳ chống Mỹ, Quảng Bình được xem là hậu phương trực tiếp của chiến trường lớn miền Nam. Tuyến đường Trường Sơn ngày đêm đều có tiếng bước chân trùng điệp của bộ đội ta hành quân ra trận với ý chí đánh thắng giặc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để chiến thắng kẻ thù với vũ khí tối tân hiện đại, Bộ Tư lệnh Trường Sơn xác định, ngoài việc vận chuyển quân lương thì công tác thông tin liên lạc trên toàn tuyến luôn phải bảo đảm.
Năm 1967, Trạm thông tin liên lạc A69 được thành lập ở hang Lèn Hà, thuộc bản Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, một xã nằm sát biên giới Việt - Lào. Lèn Hà là ngọn núi đá nằm phía Tây tỉnh Quảng Bình. Từ đây theo đường 15 trở ra Bắc hơn năm chục cây số là Ngã ba Đồng Lộc; theo đường 12A ngược hướng Tây là Khe Ve, Cha Lo; thẳng hướng Nam là đường 20 Quyết Thắng, hang Tám Cô... Tất cả đều là những trọng điểm ác liệt của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Ngọn núi này có đỉnh cao nhất 320m. Lưng chừng núi có một hang đá rộng trên 400m2 được chọn là nơi đóng quân của A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134 thuộc bộ Tư lệnh Thông tin. Hang Lèn Hà có địa hình, địa thế thuận tiện cho hoạt động của Trạm, vừa có thể cất giấu dự trữ thiết bị máy móc và đường dây của Trung đoàn 134, thường xuyên dự trữ 700km đường dây bọc dã chiến, sẵn sàng thay thế đường dây trần tuyến trục Bắc - Nam khi bị huỷ diệt.
Trạm cơ vụ A69 có vị trí cực kỳ quan trọng, bảo đảm thông tin Bắc - Nam từ Hà Nội đến đường 9 - Nam Lào, Cụm kho Binh trạm 25 thuộc Đoàn 559 ở Thanh Lạng, Binh trạm 12 ở Cổng Trời, Sư đoàn Phòng không 367, Đồn Biên phòng Cha Lo. Đường dây của trạm nối liền với mạng thông tin của bộ Tư lệnh 559, chạy dọc đường 12 (Quảng Bình) và đường 8 (Hà Tĩnh), đi qua nhiều trọng điểm địch đánh phá ác liệt, địa hình hiểm trở như Khe Nét, Thanh Lạng, Đò Vàng...
Trạm tổng đài cơ vụ A69 là một trong ba đơn vị cấp trung đội của Đại đội 9. Quân số của trạm lúc cao nhất là 33 người thuộc nhiều bộ phận. Trong đó, tiểu đội tổng đài gồm 13 nữ chiến sĩ, người lớn nhất chỉ mới 22, nhỏ nhất là 2 cô 16 tuổi, đều là người Bắc và chưa ai có gia đình. Khoảng 13h chiều 2/7/1972, trong khi các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, máy bay Mỹ bất ngờ ném bom khói, bom bi, B52 vào hang Lèn Hà. Trong chốc lát, lán trại bốc cháy dữ dội. Ba chiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Vang và Nguyễn Thị Nghiêm đúng phiên trực nên rời hang và may mắn thoát nạn, còn 13 chiến sĩ ở trong hang đang kết nối liên lạc với mặt trận đã hy sinh.
“Nén nước mắt, đau thương, 3 chiến sĩ còn lại tiếp tục làm nhiệm vụ thay cho các đồng đội. Thông tin lại được thông suốt sau đó một giờ, nửa tháng sau mới có lực lượng về bổ sung. Lúc đó giọng 3 chiến sĩ đã khản đặc. Thời gian tiếp theo, A69 vẫn tiếp tục hoạt động, phục vụ các chiến trường đến ngày Bắc - Nam nối liền một dải”, chị Hoàng Thị Luân, cán bộ trung tâm Văn hóa huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết. Trong ác liệt của bom đạn chiến tranh và muôn vàn khó khăn gian khổ, nhưng với tinh thần "Tất cả cho chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi", "Tim còn đập mạch máu thông tin còn thông suốt", "Trạm máy là chiến trường, dây máy là vũ khí", "Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương"... đã trở thành những khẩu hiệu hành động của cán bộ chiến sĩ Trạm cơ vụ A69.
Sự việc xảy ra đã gần 50 năm, nhưng bà Ngô Thị Trương (71 tuổi, ở thôn 4, xã Thanh Lạng, huyện Tuyên Hóa) vẫn không quên được sự kiện đầy máu và nước mắt hôm ấy. Theo bà Trương, lúc đó bà là Chủ tịch hội Phụ nữ xã Thanh Lạng; vì đơn vị A69 đóng quân gần đó nên thường giao lưu văn nghệ và kết nghĩa quân dân. “Ngay khi nghe thấy tiếng máy bay, tiếng bom nổ rung trời, rồi nghe tín hiệu báo có người của đơn vị hy sinh, chúng tôi chạy đến và đau đớn như đứt từng khúc ruột khi nhìn thấy cảnh lán trại đổ sập, bốc cháy, từng thi thể của các cô các chú ở đơn vị A69 cháy đen... Tôi cùng mọi người đã cùng nhau khâm liệm, chôn cất cho các cô chú ấy”, bà Trương nhớ lại.
Rưng rưng nghĩa tình quân - dân
13 chiến sĩ hy sinh ở hang Lèn Hà có 3 người là nam gồm Đoàn Văn Thành, Trần Văn Xây và Lương Văn Chấn. 10 chiến sĩ nữ thì chỉ có chị Vũ Thị Lan lớn tuổi. Trước khi hy sinh, chị Lan đang được đơn vị làm thủ tục ra quân để về ra mắt gia đình người yêu; 9 chị em còn lại họ đều đang rất trẻ, có người vừa bước qua tuổi 16, 17 như chị Chu Thị Mạnh và Hoàng Thị Liên, Ngô Thị Luận, Nguyễn Thị Anh, Lê Thị Châm...
“Thương cô Vũ Thị Lan, lẽ ra cô ấy về hôm trước để cưới chồng nhưng bị nhỡ xe, ở lại. Hôm sau thì đơn vị bị đánh bom. Người yêu cô lúc bấy giờ làm nhân viên kỹ thuật ở cung đường 12. Sau khi cô Lan hy sinh, chú đã xin đến đây làm việc thay cô. Chú ấy đến làm hơn 1 tháng mới nhận được bức thư của mình gửi cho người yêu trước đó, thương không để đâu cho hết”, bà Đinh Thị Tân, ở thôn 3, Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, (huyện Tuyên Hóa) bùi ngùi nhớ lại.
Thời kháng chiến chống Mỹ, nhà bà Tân ở bản Hà, cách hang Lèn Hà chừng hơn 500m. Trong ký ức của bà, vẫn không quên những buổi chiều các cô ghé đến chơi, ngồi hàn huyên tâm sự. “Khi các cô chú về đóng quân ở hang Lèn Hà, tôi cũng mới mười tám đôi mươi và còn nhớ rõ đơn vị chọn hang Hà để đặt căn cứ chứ không chọn hang Cao (phía trên hang Hà) vì cao quá, sợ lộ. Chúng tôi là những người đầu tiên sang giúp đơn vị kẹp lá, lợp mái lán. Đơn vị nhiều nữ, tuổi cũng ngang nhau, các cô lại xa quê nên nhớ nhà. Cứ chiều chiều lại qua nhà tôi chơi. Có sắn ăn sắn, có bồi ăn bồi, tâm sự chuyện chung chuyện riêng không khác gì chị em ruột thịt. Tôi còn nhớ, trước khi bị ném bom, cô Xuyên đi nhận áo quần đã mang qua tặng tôi một cái áo lót, mà tôi mặc đến rách rồi vẫn giữ mãi”, bà Tân rưng rưng nhớ lại.
Theo bà Ngô Thị Trương, chiến tranh ác liệt, để thông báo tình hình lúc bấy giờ, các chiến sĩ dùng tiếng súng để ám hiệu. Theo đó, nếu nghe 1 phát súng lệnh là có máy bay địch, 2 phát là an toàn, 3 phát tắc đường, 4 phát có người bị thương và 5 phát là có người hy sinh. Đến bây giờ, bà Trương cùng những người có mặt sau trận địch ném bom càn quét hôm ấy, vẫn bị ám ảnh bởi 5 phát súng cứ bắn từng hồi liên tiếp nhau vào cuối chiều 2/7/1972.“Cuối giờ chiều 2/7, chúng tôi nghe tiếng súng lệnh. Biết có người hy sinh ở Lèn Hà nên tập trung đến. Cảnh tượng đó đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được.Tôi cùng bà Trương và nhiều chị em nữa khiêng thi thể các cô ra mặc lại quần áo mới, lấy lọ penicillin để ghi tên tuổi, quê quán và chôn cất cẩn thận”, bà Ngô Thị Long (66 tuổi) ở xã Thanh Lạng, huyện Tuyên Hóa, buồn bã kể lại.
Ngô Huyền