Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính
Về đơn vị hành chính trong Luật vừa thông qua quy định: Đơn vị hành chính của Việt Nam gồm có: Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
Tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đơn vị hành chính cấp huyện tại các đảo, quần đảo (sau đây gọi chung là hải đảo) có thể không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) (Ảnh: Media Quốc hội).
Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, luật quy định: Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 1 của Luật này là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cụ thể thì chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là Ủy ban nhân dân.
Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.
Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.
Chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Trước đó, tham gia giải trình làm rõ vấn đề ĐBQH quan tâm thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), về tổ chức chính quyền địa phương và mô hình chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết "giữ nguyên như hiện tại".
Lý giải về điều này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết còn tiếp tục có đánh giá tổng thể về mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị.
"Theo đó, sẽ có điều chỉnh sắp xếp nên tạm thời chúng tôi vẫn giữ nguyên. Nếu không tạm thời giữ nguyên này sẽ có sự hẫng hụt trong việc vận hành tổ chức hệ thống tổ chức chính quyền địa phương cũng như mô hình chính quyền địa phương. Còn các chính quyền vẫn thực hiện như các nghị quyết của Quốc hội. Đối với các đô thị trực thuộc Trung ương vẫn tiếp tục có thể đề xuất về việc này, chúng tôi thấy không có vấn đề gì vướng", Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đang thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tiến hành việc đánh giá, nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức của bộ máy. Trong đó, có hệ thống chính quyền địa phương, do đó Bộ trưởng mong đại biểu ủng hộ cho phương án giữ nguyên.
Phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi các ĐBQH bấm nút biểu quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp.
Có ý kiến đề nghị thể chế hoá quan điểm chỉ đạo về "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" trong dự thảo Luật.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).
UBTVQH tiếp thu ý kiến nêu trên và đã chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật, bảo đảm bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, bảo đảm phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", "cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó", đặc biệt là quy định tại Điều 4 (Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương), Chương III (Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp) và các quy định tại Chương IV về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương từng cấp.
Có ý kiến đề nghị bổ sung một điều giải thích các thuật ngữ phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Một số ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Về nội dung này, ông Tùng cho biết, UBTVQH đã tiếp thu ý kiến nêu trên và rà soát, chỉnh lý quy định tại các điều 12, 13 và 14 của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất, phù hợp với vai trò, tính chất của mỗi chủ thể, rõ ràng về điều kiện bảo đảm và cơ chế chịu trách nhiệm trong thực hiện phân quyền, phân cấp, ủy quyền.
"Về khái niệm phân quyền, phân cấp, ủy quyền, Luật Tổ chức Chính phủ vừa được Quốc hội thông qua đã có quy định cụ thể nên xin phép không nhắc lại trong Luật này để tránh trùng lặp", ông Tùng nói.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành văn bản để điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền khi việc phân cấp dẫn đến thay đổi trình tự, thủ tục hành chính. Ý kiến khác cho rằng quy định này khó khả thi do trình tự, thủ tục đang được quy định trong các luật, nghị định nên UBND tỉnh không có thẩm quyền điều chỉnh và dễ tạo sự thiếu thống nhất trong việc thực hiện ở các địa phương.
Theo UBTVQH, việc giao UBND cấp tỉnh điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp trong trường hợp phân cấp dẫn đến cần thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền đang được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên là hết sức cần thiết.
Giải pháp này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh phân cấp, phù hợp với chủ trương địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm cũng như tinh thần "lấy thực tiễn là thước đo, giải quyết hết những điểm nghẽn", "không vì những quy trình, thủ tục cứng nhắc làm chậm sự phát triển của đất nước" và yêu cầu "quản lý theo kết quả" thay vì "quản lý theo quy trình" theo chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.
Hơn nữa, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) cũng không hạn chế việc quy định về trình tự, thủ tục trong văn bản quy phạm pháp luật của UBND nên không làm ảnh hưởng đến tính khả thi của quy định tại dự thảo Luật.
Ông Tùng cũng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 50 điều, giữ nguyên về số điều nhưng đã có sự chỉnh lý tại 41/50 điều so với dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại đầu kỳ họp. Các nội dung tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật đã có sự đồng thuận của Chính phủ, bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025.