Giữ vẹn một lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

Giữ vẹn một lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 2, 19/12/2016 07:11

Ở tuổi 95, ông Nguyễn Trọng Hàm vẫn minh mẫn, giọng nói sang sảng, quyết đoán và sục sôi khí thế cách mạng. Những kỷ niệm cách đây 70 năm về ngày toàn quốc kháng chiến như vẫn còn rõ nét.

Sau quá nửa đời người, quá nửa thế kỷ gắn với binh nghiệp, những kỷ niệm về ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa.

Ngày ấy, trước Cách mạng tháng Tám, chàng thanh niên phố Hàng Thiếc Nguyễn Trọng Hàm đã hăng hái tham gia đội Danh dự Việt Minh với nhiệm vụ len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm của đất Hà thành để rải truyền đơn, tiễu trừ Việt gian, phản động. Ông kể, ngày đó đi hoạt động nguy hiểm lắm, bước chân ra khỏi nhà, chưa biết có trở lại được hay không, nhất là khoảng thời gian đầu năm 1945 trở đi, Việt gian, mật thám giăng khắp nơi. Nguy hiểm là vậy, nhưng nhiệt huyết, quyết tâm, ai nấy cũng đều hy vọng vào một tương lai tươi sáng.

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, tuy nhiên, nguy cơ giặc có thể tái chiếm không loại trừ, Đảng và Chính phủ lâm thời cũng đã gấp rút chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ông Hàm lúc ấy đang là Đại đội trưởng đại đội Tự vệ công nhân phố Hàng Thiếc, về sau, do yêu cầu của cách mạng, đơn vị đó chuyển thành biên chế của Trung đoàn Thủ đô, ông là Trung đội trưởng Trung đội 2 tiểu đoàn 102 khu Đông Thành, nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các nhà máy, bệnh viện, cơ quan tại Hà Nội, chuẩn bị cho ngày Toàn quốc kháng chiến nổ ra. Anh em chiến sĩ ngày ấy sáng đi làm, tối lại tích cực rèn luyện vũ trang.

Những ngày đầu tháng 12/1946, khi thời cơ của cuộc kháng chiến Toàn quốc đang đến gần, khắp các con phố Hà Nội đều sôi sục không khí chuẩn bị cho cuộc quyết chiến. Nhiều căn nhà được đục thông với nhau, nhiều thân cây được khoan để đặt mìn, nhiều chướng ngại vật được đặt ra trên các nẻo đường.

Xã hội - Giữ vẹn một lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

 Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (phải).

Chiều 19/12, đơn vị của ông nhận được chỉ thị mật cho cuộc tấn công sẽ diễn ra trong đêm. Lực lượng trung đội 2 được phân tán nhỏ lẻ, sẵn sàng chặn chân địch tại các phố Hàng Thiếc, Thuốc Bắc, Lãn Ông, Hàng Ngang, Hàng Đào... Khi hiệu lệnh chiến đấu nổ ra vào 20h3’, các lực lượng vũ trang nhân dân Hà Nội đồng loạt nổ súng tiến công vào các vị trí đóng quân của giặc Pháp trong toàn thành phố.

Đại đội trưởng Nguyễn Trọng Hàm chỉ huy các đơn vị trực thuộc đã tiêu diệt được một số cơ sở của địch. Cả một Hà Nội đỏ rực trong đêm, tiếng súng, tiếng người đồng thanh “quyết tử”, không khí “nghìn năm có một” ấy còn kéo dài trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu bền bỉ trong thành Hà Nội.

Từ ngày 7 đến ngày 10/2/1947, trận chiến kéo dài trên phố Hàng Thiếc, Trung đội 2 do ông chỉ huy đã cùng Trung đội 3 đánh bại cuộc tiến công của địch, làm thất bại âm mưu đánh sâu vào trung tâm Liên khu I - cơ quan chỉ huy đầu não của trung đoàn. Đây là một dấu mốc trong 60 ngày đêm chiến đấu bền bỉ tại Hà Nội, tiêu biểu cho lối đánh lấy yếu thắng mạnh độc đáo của quân đội ta.

Một kỷ niệm khác mà ông Hàm vẫn còn rưng rưng mỗi lần nhớ lại chính là buổi lễ thề quyết tử. “Một hôm đồng chí Lê Trung Toàn, Chính ủy trung đoàn tập trung các cán bộ trung đội, đại đội đến nhà in báo Lao động (ở 51 phố Hàng Bồ) đọc thư của Bác giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Thủ đô. Trong đó, Người viết: “Các em là đội cảm tử, các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Ngày 14/1/1947, tại rạp Tố Như ở 72 phố Hàng Bạc, trong không khí trang nghiêm của buổi lễ quyết tử thực hiện nhiệm vụ Bác giao, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ tuyên thệ. Lúc ấy, đồng chí Vũ Lăng, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103 (sau này là Thượng tướng Vũ Lăng) thay mặt Trung đoàn đọc thư Bác, anh em chiến sĩ đồng thanh hô to: “Xin thề”. Kể từ giây phút đó, mỗi người đều cảm nhận rõ hơn bao giờ hết trách nhiệm trên vai mình trước khoảng thời gian lịch sử của dân tộc.

Xã hội - Giữ vẹn một lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (Hình 2).

 Ngày 19/12/1946, Hà Nội mở đầu cho ngày toàn quốc kháng chiến với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ”, “Mỗi căn nhà là một pháo đài”…

Đến khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 1947, do tình hình cuộc chiến có thay đổi, để bảo toàn lực lượng, lương thực và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện ra lệnh cho Trung đoàn Thủ đô rút vào đêm 17/2/1947.

“Theo dự định ban đầu, Trung đoàn Thủ đô chỉ định giữ lại khoảng 500 chiến sĩ ở lại bảo vệ thành. Thế nhưng, tối hôm đó, khi điểm danh, số lượng anh em lên đến 1.200 người. Người thì trốn trong tủ quần áo, người trốn trên xà nhà, trong bếp,... Theo quân lệnh như thế là kháng lệnh, nhưng xét về tinh thần của anh em với cách mạng thì... Ở lại, đồng nghĩa với nguy hiểm rất cao, đối mặt với cái chết, nhưng không anh em nào muốn ra đi. Bởi lời thề “quyết tử” đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người”, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm xúc động nhớ lại.

Sau khi được giải thích kỹ lưỡng, ở lại là để kìm chân địch chứ không phải là cố thủ, chúng ta phải tính về lâu dài của cuộc kháng chiến, chứ không chỉ riêng cho hiện tại, các anh em chiến sĩ cũng đồng tình với việc rút quân.

Được sự yểm trợ của đội du kích Hồng Hà, đến 18/2, việc rút lui của Trung đoàn Thủ đô hoàn tất. Đây cũng là khoảng thời gian mở đầu cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống lại thực dân Pháp xâm lược 9 năm (1946-1954) và kháng chiến chống Mỹ về sau.

Một câu chuyện khác mà các thành viên trong gia đình ông đến giờ vẫn nhớ, ấy là ngày được lệnh tản cư, mẹ ông đã già, muốn ông đi cùng lên Phú Thọ vì nhiều lẽ, sợ con hiểm nguy, sợ cuộc sống nơi mới không đảm bảo. Lúc ấy, ông chỉ ôm lấy mẹ động viên: “Mẹ cứ yên tâm đi đi, có các đồng chí, có cấp trên sẽ lo đảm bảo cuộc sống cho gia đình mình và cho mọi người tại nơi ở mới. Còn con, sẽ ổn thôi”.

Ông không nghĩ rằng, mãi tới 9 năm sau, khi về tiếp quản Thủ đô, ông mới có thể gặp lại được mẹ mình. Trong suốt 9 năm ấy, nhiều lần về Hà Nội vì nhiệm vụ, nhiều lần qua nhà nhưng đều phải lướt qua, vì sợ không cầm lòng nổi. Trong chiến tranh, việc hy sinh tình cảm riêng để hoàn thành nhiệm vụ, đó không chỉ là chuyện riêng gia đình ông.  

Câu chuyện của ông đưa chúng tôi trở lại với dòng ký ức về một Hà Nội lịch lãm, một Hà Nội anh hùng với máu và hoa cách đây hơn 70 năm...

Đỗ Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.