Theo Daily Mail, một tàu đổ bộ lớp Alligator của Nga đã được nhìn thấy khi đang đi qua vùng eo biển Bosphorus vào hôm 15/4, thời điểm mà cả thế giới đang chờ đợi phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với cuộc tấn công liên thủ bằng tên lửa của Mỹ, Anh, Pháp đối với Syria một ngày trước đó.
Con tàu trên được cho là đang trên đường đi tới căn cứ hải quân Tartus ở bờ biển phía Bắc Syria.
Trước đây, Nga đã ít nhất 3 lần triển khai khí tài quân sự tới Syria. Trong lần này, vẫn như những lần trước, tàu chiến Nga mang theo nhiều xe tăng, xe vận tải quân sự, xe cứu thương và radar dò thiết bị bom mìn tự chế.
Theo đó, tàu Project 117 LST Orsk 148 (màu xanh) mang theo xe tăng thời Liên Xô BTR-80, xe tải Ramaz và radar Pelena-1 chuyên dùng để dò chất nổ tự chế.
Một con tàu vận tải khác màu vàng mang tên RoRo Alaxandr Tkachenko cũng đang trên đường tới cảng hải quân Tartus, mang theo tàu tuần tra cao tốc, tàu BMK-T, cầu tạm cùng một số xe tải. Những hình ảnh này được đăng tải lên mạng xã hội bởi một nhà quan sát hải quân ở Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) Yoruk Isik.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi liên quân Mỹ, Anh, Pháp tiến hành không kích bằng tên lửa nhằm vào các cơ sở khoa học của Syria (vào hôm 14/4) để trả đũa nghi án chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào dân thường ở Douma, ngoại ô Thủ đô Damascus.
Tàu chiến Nga tới Syria sau khi Mỹ lên kế hoạch đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga vì tiếp tục hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nói rằng những biện pháp cấm vận mới được áp dụng sẽ gửi một thông điệp tới Nga sau khi nước này 6 lần cản trở nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong việc điều tra sử dụng vũ khí hóa học.
Trong khi đó, tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định chiến dịch không kích mà ông chỉ đạo đã “thành công”. Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua 15/4 nhấn mạnh các lực lượng đồng minh không “tuyên chiến” với Syria.
Ông Macron nói với đài truyền hình French TV: “Chúng tôi không tuyên chiến với chính quyền Bashar al-Assad”. Trong cuộc phỏng vấn kéo dài hai tiếng đồng hồ, ông Macron khẳng định đã “thuyết phục” ông Trump duy trì hiện diện quân sự ở Syria sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ rút quân hoàn toàn khỏi quốc gia Trung Đông chìm trong chiến tranh suốt 7 năm qua này.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/4 đã lập tức đưa ra chỉ trích, gọi cuộc tấn công của Mỹ, Anh, Pháp là “hành động xâm lược” có thể làm xấu đi khủng hoảng nhân đạo vốn đã rất tồi tệ ở Syria và gây ảnh hưởng tới hệ thống quan hệ quốc tế.
Tuy vậy, ông Trump đã cam kết sẽ tiếp tục cứng rắn nếu chính quyền Tổng thống Assad còn tiếp tục “thách thức bằng cách sử dụng vũ khí hóa học”.
Cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria diễn ra vào rạng sáng ngày 14/4 (giờ địa phương), trong đó Washington đã phóng hơn 100 quả tên lửa.
Tuy nhiên, do đã có chuẩn bị từ trước nên không quân Syria đã đánh chặn khoảng 71 quả tên lửa từ phía đối phương, trong khi số còn lại chủ yếu nhằm vào những địa điểm bỏ hoang như các trung tâm nghiên cứu khoa học...
Thương vong sau vụ tấn công được cho là không đáng kể, song vẫn có 3 người Syria thiệt mạng và nhiều cơ sở vật chất của quốc gia này bị tàn phá.
Xem thêm: [Video] Xem tàu ngầm Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào Syria