Nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi ở miền tây Ukraine. Ảnh: Reuters.
Dự luật gây tranh cãi
Quốc hội Ukraine ngày 11/2 đã thông qua một dự luật gây tranh cãi. Dự luật cho phép chính phủ mua hai lò phản ứng hạt nhân đời cũ chưa qua sử dụng có nguồn gốc của Nga với giá ít nhất 600 triệu USD. Kế hoạch đối mặt sự chỉ trích gay gắt vì chi phí cao và việc lắp đặt sẽ mất nhiều năm.
Chính phủ Ukraine giải thích hai lò phản ứng hạt nhân mua cũ sẽ được lắp đặt tại nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi ở miền tây nhằm giúp củng cố lưới điện vốn bị hủy hoại nặng nề do các cuộc tấn công tầm xa liên tiếp của Nga.
Hai lò phản ứng này dự kiến được Ukraine mua từ Bulgaria – quốc gia mua lò phản ứng hạt nhân từ Nga cách đây hơn một thập kỷ nhưng vì nhiều lý do mà đến nay vẫn chưa sử dụng.
Các chuyên gia về năng lượng hạt nhân và các nhà hoạt động chống tham nhũng nói việc lắp đặt hai lò phản ứng sẽ mất nhiều năm. Nguồn tiền chi cho dự án lẽ ra có thể được sử dụng hiệu quả hơn vào việc mua vũ khí hoặc các giải pháp tức thời để tăng cường khả năng phục hồi năng lượng, ví dụ như lắp đặt các tuabin khí đốt cỡ nhỏ trên khắp cả nước.
Cũng có những lo ngại rằng dự án chỉ là bình phong để một số cơ quan Ukraine rửa tiền, do trong quá khứ xảy ra rất nhiều vụ tham nhũng liên quan đến Bộ năng lượng và Energoatom - công ty năng lượng nguyên tử Ukranie. Một số quan chức và nhân viên cấp cao của công ty đã bị bắt trong những tháng gần đây với cáo buộc nhận hối lộ.
Mua lò phản ứng hạt nhân liệu có phù hợp?
Theo NYT, dự án mua bổ sung lò phản ứng hạt nhân đã thu hút sự chú ý đáng kể trong giới ngoại giao và chính trị ở Kyiv trong những tháng gần đây vì nó liên quan đến một số thách thức cấp bách nhất mà quốc gia đang phải đối mặt và trong tương lai gần. Đó là xây dựng lại cơ sở hạ tầng năng lượng, xác định nơi tốt nhất để phân bổ nguồn tài chính hạn chế và kiểm soát tham nhũng.
"Đây sẽ là một thử nghiệm", Inna Sovsun, nghị sĩ Ukraine đối lập, hiện công tác tại ủy ban năng lượng của Quốc hội, nói với NYT. Bà là một trong 39 nghị sĩ bỏ phiếu chống trong khi 261 người khác bỏ phiếu tán thành.
Bà cũng lưu ý, Quốc hội Ukraine vẫn phải thông qua luật chấp thuận lắp đặt lò phản ứng hạt nhân trước khi dự án có thể chính thức được xúc tiến. Bà Sovsun lo ngại liệu phương Tây sẽ nghĩ gì khi Kiev đổ tiền mua lò phản ứng hạt nhân, đặc biệt khi Mỹ chưa chắc đã duy trì hỗ trợ Ukraine.
“Với nhiều vấn đề tham nhũng liên quan đến Energoatom, tôi nghĩ rằng quyết định này có thể gây tổn hại đến uy tín quốc gia khi phương Tây đã kêu gọi Kiev giải quyết nạn tham nhũng “, bà nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ sớm ký phê chuẩn dự luật. Hôm 11/2, ông Zelensky bày tỏ sự ủng hộ, tin rằng các lò phản ứng hạt nhân bổ sung sẽ giúp Ukraine giải quyết tình trạng thiếu điện vào mùa đông và giúp giảm giá điện.
Nga và Ukraine đều tránh tấn công các nhà máy điện hạt nhân của nhau theo cam kết ngầm để ngăn xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát. Ngược lại, các nhà máy điện khác của Ukraine hầu hết đã bị Nga hủy hoại nặng nề. Ukraine hiện phụ thuộc vào 3 nhà máy điện hạt nhân để cung cấp điện cho một nửa quốc gia.
Trên lý thuyết, Nga vẫn có thể cản trở hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân Ukraine bằng cách phá hủy các trạm biến áp kết nối nhà máy với lưới điện.
Đại diện công ty Energoatom nói Ukraine sử dụng công nghệ hạt nhân từ thời Liên Xô và do đó chỉ có thể mua lò phản ứng từ các nước thuộc Liên Xô cũ như Bulgaria. Trong tương lai, Energoatom sẵn sàng chuyển sang sử dụng công nghệ hạt nhân của phương Tây nếu có thể.
Trước mắt, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ sự không đồng tình và tuyên bố không tài trợ tiền cho dự án. Phía Bulgaria nói sẽ chỉ bán lò phản ứng rỗng mà không cung cấp uranium để chúng hoạt động.
Đăng Nguyễn - NYT