Nữ bệnh nhân N.T. (Hà Tĩnh) trước đó khỏe mạnh nhưng bỗng nhiên bị liệt nửa người. Bệnh nhân được chỉ định chụp MRI, phát hiện một nửa bán cầu não có rất nhiều khối u.
Qua thăm khám, Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ (GS) Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng bộ môn Ký sinh trùng (trường Đại học Y Hà Nội) cho rằng bệnh nhân bị nhiễm giun đầu gai và ký sinh ở trong não, chính giun này gây nên những khối u bên trong và dẫn tới bị liệt.
Bệnh nhân sau đó được chỉ định dùng thuốc đặc hiệu, chỉ sau một liệu trình hình ảnh chụp chiếu lại cho thấy các khối u ở bán cầu não đã giảm hẳn.
Tình trạng liệt của bệnh nhân cũng được giải quyết, có thể đi lại được bình thường, điều trị liệu trình 2 là khỏi. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết thường xuyên ăn thủy hải sản.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân ngoài 40 tuổi (Lào Cai) đến bệnh viện khám trong tình trạng ngứa 3 năm không đỡ. Bệnh nhân đã khám nhiều nơi, điều trị nhiều cách mà không khỏi. Sau đó, bệnh nhân được GS Đề chẩn đoán nhiễm giun đầu gai, điều trị một liệu trình thuốc thì các triệu chứng ngứa gần như đã hết.
Hay một bệnh nhân nam ở Kim Bảng, Hà Nam bị sưng chân cũng điều trị bệnh viện 2 năm không đỡ, nhưng khi phát hiện nhiễm giun đầu gai, cho điều trị đặc hiệu là đỡ và khỏi.
Tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cũng từng tiếp nhận một nam thanh niên ở Đan Phượng, Hà Nội bị nhiễm giun đầu gai, nơi loại giun này ký sinh là ở phần bìu, sau đó lại chạy lên thành bụng. Bệnh nhân sau khi bị ngứa ngáy, da vùng bìu sưng phồng thành từng đợt, sẩn nề và đau nên đã đi khám.
Sau khi thăm khám, kết quả bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da do ký sinh trùng gây nên. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ, dùng thuốc đến ngày thứ 8 thì tổn thương vùng thành bụng bên phải khu trú lại và tự bắt được bệnh phẩm nghi ngờ ký sinh trùng.
Qua xét nghiệm xác định, ký sinh trùng bệnh nhân mắc phải là giun đầu gai. Khai thác tiền sử, bệnh nhân này cho biết, anh có thói quen ăn thịt ếch nướng và đây chính là nguyên nhân khiến anh nhiễm ký sinh trùng.
Giun đầu gai có tên khoa học là Gnathostoma. Là bệnh ký sinh trùng mới nổi, khi nhiễm giun đầu gai bệnh nhân có thể gặp các hội chứng lâm sàng nguy hiểm như: ấu trùng di chuyển đến não gây áp xe não, đến phổi gây áp xe phổi, khó thở, ho ra máu, đến da và mô mềm gây ngứa viêm da và cảm giác lo lắng của người bệnh làm trầm trọng hơn bệnh cảnh.
Khi ấu trùng giun đầu gai xâm nhập vào cơ thể, chúng không nằm cố định ở một chỗ mà “di chuyển” đến các bộ phận khác. Có thể ở dưới da, có thể lên não, vào tim, gan… Do vậy, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.
GS Đề lưu ý, không chỉ ở nông thôn mà ngay cả thành thị nguy cơ nhiễm giun đầu gai luôn hiện hữu. Dẫn chứng một nghiên cứu do chính GS Đề thực hiện cho thấy, trong lươn ở Hà Nội, có đến 11% là nhiễm giun đầu gai Gnathostoma. T.
“Tóm lại, ăn thủy hải sản tái, sống đều có nguy cơ nhiễm giun đầu gai. Khi vào cơ thể nó là ấu trùng chứ không phải con trưởng thành, sau đó nó sẽ gây tổn thương ở các bộ phận mà chúng ký sinh như dưới da, tim, gan, não…”, GS Đề cảnh báo.
Để phòng giun đầu gai, GS Đề khuyến cáo việc đầu tiên cần thực hiện đó là phải ăn chín, uống sôi, nhất là các loại thủy hải sản. Đặc biệt, các loại lươn, cá, ếch nhái làm gỏi hoặc nướng tái nguy cơ mắc sẽ rất cao.
Ngoài ra, mọi người cũng cần chú ý các biểu hiện bất thường như ngứa dưới da, có các ổ áp xe trong gan, não… phát hiện qua chụp chiếu thì cần nghĩ đến bệnh do ký sinh trùng gây nên. Từ đó đi thăm khám đúng chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Minh Hoa (t/h)