Đó cũng chính là động lực cho tôi trau dồi đạo đức và nghiệp vụ để ngày càng hoàn thiện hơn về nghề viết. Và tôi ngày càng yêu nghề báo hơn từ những điều như thế.
Còn nhớ đầu năm 2019, Đường dây nóng của chuyên trang PhapluatNet (hiện tại đổi tên là chuyên trang Diễn đàn pháp luật) nhận được điện thoại của một người dân ở xóm Khăm, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình. Trong điện thoại, anh khẩn khoản nhờ phóng viên lên tiếng giúp người dân địa phương trước Dự án xây dựng Công viên nghĩa trang ở ngay đầu nguồn nước của đập Khăm, nơi cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt cho toàn bộ người dân ở xóm Khăm.
Người dân lo lắng dự án nghĩa trang này sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nguồn nước ngầm của dân cư địa phương và cũng không phù hợp với tập quán chôn cất lâu đời của bà con dân tộc nơi đây.
Một bà cụ cho chúng tôi biết: “Họ mang ngành nghề gì đó về giúp dân giải quyết công ăn việc làm thì chúng tôi hoan nghênh chứ đưa nghĩa trang về thì chúng tôi không đồng ý. Đất vùng này rộng, không thiếu gì nơi đặt nghĩa trang, hơn nữa Kim Bôi nổi tiếng là vùng đất có suối khoáng thiên thiên, giờ tự nhiên cho xây dựng một nghĩa trang mấy chục hecta lại nằm ngay trên nguồn nước sinh hoạt của chúng tôi thì chúng tôi phản đối. Các hộ dân nơi đây toàn người nghèo, làm nghĩa trang ở đây thì làm sao chúng tôi có nước để nấu cơm, để sinh hoạt nữa. Đời chúng tôi đã đành, còn đời con cháu chúng tôi nữa, có phải thích chuyển đi là chuyển được đâu”.
Tiếp cận hồ sơ của vụ việc, chúng tôi nhận thấy Dự án đã được UBND tỉnh Hòa Bình đồng ý chủ trương cho phép đầu tư xây dựng dự án nghĩa trang tại xóm Khăm, xã Bình Sơn, huyện Kim Bôi với quy mô 58ha.
Chủ trương đầu tư được ký cuối năm 2018 nhưng theo những người dân ở đây cho biết, từ cuối năm 2017, đã có một số người lạ mặt đứng ra thu gom và mua đất rừng của hàng chục hộ dân. Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện UBND huyện Kim Bôi cho biết rằng việc mua bán chuyển nhượng đấy là quyền của người sử dụng đất, trong luật không ai cấm cả.
Vẫn biết kinh doanh nghĩa trang là một thị trường siêu lợi nhuận và sự “lên tiếng” của PhapluatNet có thể sẽ khó khăn, sẽ rơi vào im lặng nhưng đứng trước sự khẩn khoản của người dân, chúng tôi vẫn nhận lời và vệt bài: Hòa Bình: Lo lắng việc dự án nghĩa trang đặt đầu nguồn nước (xuất bản ngày 9/1/2019); Nghĩa trang Lạc Hồng: Nếu dân không đồng thuận thì không triển khai (xuất bản ngày 11/1/2019) đã ra đời. Và kết quả của chuyến đi ấy là lời khẳng định huyện Kim Bôi: “Quan điểm của huyện là khi nào dân đồng thuận thì dự án mới triển khai theo quy định. Trước đây cũng có một dự án tỉnh cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư rồi, cho thuê đất rồi nhưng người dân không đồng thuận nên cũng khó mà triển khai được”. Cho đến thời điểm hiện nay, Dự án Công viên nghĩa trang này vẫn nằm đang trong tình trạng “đắp chiếu”.
Hay như chuyến đi về xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, trước đó, hàng trăm cư dân địa phương đã tụ tập suốt mấy ngày trước cổng nhà máy để đòi lại đất đã cho nhà máy thuê 20 năm, đến thời điểm đó đã hết thời hạn thuê đất.
Tiếp xúc với người dân mới thấy những lo lắng của họ hoàn toàn chính đáng “Đất của chúng tôi vốn là đất nông nghiệp cho nhà máy bia Heineken thuê với thời hạn là 20 năm, đến tháng 8/2016 là hết thời hạn thuê đất. Trong thời gian thuê đất thì nhà máy bia Heineken vẫn trả thóc cho chúng tôi theo từng vụ để chúng tôi có cái ăn. Từ khi hết hạn thuê đất đến nay đã là 3 vụ rồi nhưng chúng tôi chưa nhận được một cân thóc nào, cũng không biết chủ trương tiếp theo đây là có thuê tiếp hay không? Trong khi đất sản xuất thì không có, miệng ăn chỉ trông chờ vào số thóc mà nhà máy bia trả nhưng đã 3 vụ trôi qua rồi không thấy trả gì cả, trong khi hợp đồng thuê đất có nói rõ là một năm trả làm 2 lần, thời điểm vào vụ thu hoạch lúa”.
Và sau khi bài báo được đăng tải, cùng với một số cơ quan ngôn luận khác thì Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đã về lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, tâm tư của bà con nông dân để có cách giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Tôi thấy ấm lòng sau mỗi bài báo ấy.
Đối với một phóng viên thì không niềm vui nào lớn hơn niềm vui là giúp đỡ được những người yếm thế và tôi hạnh phúc về điều đó. Nó là động lực cho tôi trau dồi đạo đức và nghiệp vụ để ngày càng hoàn thiện hơn về nghề viết. Và tôi ngày càng yêu nghề báo hơn từ những điều như thế.
Vũ Sơn