Lạm phát là một trong những thách thức mà nền kinh tế Nga phải đối mặt khi nhà lãnh đạo Vladimir Putin chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 3 tới. Và sự kết hợp giữa lạm phát cao và các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt đã dẫn đến cuộc khủng hoảng trứng gà ở Nga.
Tổng thống Putin hồi tháng trước đã đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi khi một người về hưu phàn nàn với ông về giá trứng. Ông nói: “Tôi xin lỗi vì điều này, nhưng đây là sự thất bại trong công việc của chính phủ… Tôi hứa rằng tình hình sẽ được khắc phục trong tương lai gần”.
Với giá trứng đã tăng 42% vào năm ngoái, Moscow đã phải áp dụng một số biện pháp khắc phục, bao gồm miễn thuế hải quan cho 1,2 tỷ quả trứng trong nửa đầu năm nay. Các nhà chức trách kỳ vọng rằng hàng nhập khẩu từ các “nước thân thiện” có thể giúp trả lại sự cân bằng cho thị trường.
Để đạt được mục tiêu trên, trước tiên Nga cần nhà cung cấp sản phẩm này, do đó đã tìm đến nước láng giềng Kazakhstan nhờ giúp đỡ. Nhưng thiện chí của Kazakhstan khi đồng ý giúp Nga giảm bớt tình trạng thiếu trứng gà lại làm dấy lên những lời càu nhàu của “người trong nhà”.
Cam kết hỗ trợ được đưa ra tại cuộc họp về các vấn đề thương mại giữa Phó Thủ tướng Kazakhstan Serik Zhumangarin và người đồng cấp Nga, Alexei Overchuk, tại Astana vào ngày 17/1.
Trứng gà chính thức chiếm một vị trí trong chương trình nghị sự song phương. Tại cuộc họp ở Astana, ông Overchuk đã yêu cầu sự giúp đỡ của Kazakhstan và đã nhận được phản hồi tích cực. Ông Zhumangarin đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp Kazakhstan tăng nguồn cung trứng sang Nga càng sớm càng tốt.
“Trong vấn đề an ninh lương thực, sự linh hoạt trong việc ra quyết định là cần thiết”, ông Zhumangarin nói.
Nhưng cử chỉ thiện chí này không diễn ra tốt đẹp ở Kazakhstan, nơi đã phải vật lộn trong nhiều năm để đối phó với tai ương lạm phát của chính mình. Người tiêu dùng nội địa Kazakhstan ở khu vực biên giới với Nga phàn nàn rằng không có đủ trứng để họ mua.
Nga hôm 18/1, người dân ở thành phố Uralsk phía Tây Bắc đất nước thuộc Liên Xô cũ nói với các nhà báo rằng họ đã thấy hạn ngạch áp dụng đối với số lượng trứng được bán tại các cửa hàng quốc doanh, nơi hàng hóa được bán với giá trợ cấp. Giới hạn là 10 quả mỗi người. Người dân nghi ngờ kế hoạch xuất khẩu nhiều trứng gà hơn sang Nga có thể là nguyên nhân.
“Sẽ có lợi hơn cho các doanh nhân khi xuất khẩu trứng gà với giá cao hơn là bán chúng ở đây với giá trợ cấp. Suy cho cùng, ai cũng sẽ nghĩ đến lợi ích của mình. Nhưng liệu có ai nghĩ đến chúng tôi không?”, trang tin tức địa phương Moi Gorod dẫn lời ông Kulyash Dauylbaeva, một cư dân ở Uralsk, cho biết.
Các quan chức nông nghiệp nói với trang Moi Gorod rằng hạn ngạch được đưa ra nhằm ngăn chặn các nhà đầu cơ mua quá nhiều sản phẩm địa phương và mang sang Nga để bán với giá hời.
Mặt khác, tình hình sản xuất trứng gà nói chung ở Kazakhstan thời gian gần đây khá khả quan. Theo dữ liệu của Chính phủ Kazakhstan, mức cung cấp trứng vào năm 2022 cao hơn 2% so với nhu cầu của người dân. Năm ngoái, quốc gia vùng Trung Á đã có thể xuất khẩu 190 triệu quả trứng dư thừa sang các nước láng giềng Nga, Kyrgyzstan và Afghanistan.
Ngoài Kazakhstan, Ấn Độ cũng có khả năng giúp Ngà thoát khỏi cuộc khủng hoảng trứng gà. Được mệnh danh là “thủ phủ trứng gà”, thành phố Namakkal thuộc bangTamil Nadu được cho là đang đàm phán với phía Nga về xuất khẩu trứng.
Dữ liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy quốc gia Nam Á đã xuất khẩu trứng gà trị giá 110.000 USD sang Nga trong thời gian từ tháng 4-tháng 10/2023 so với 10.000 USD cùng kỳ năm trước đó.
Minh Đức (Theo bne IntelliNews, Business Standard)