Một số ít các quốc gia trên thế giới cho phép những người mắc bệnh hiểm nghèo, sự chống chọi bệnh tật đối với họ là quá sức chịu đựng và họ hoàn toàn tự nguyện xin được “chết”. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng phải tuân theo các quy tắc hết sức nghiêm ngặt để tránh bị lạm dụng hoặc có sai sót, nhầm lẫn trong quá trình thực hiện.
Cũng như đa số các nước, Việt Nam cũng chưa công nhận về “quyền được chết”.
Luật sư Vũ Tiến Vinh, công ty luật Bảo An đưa ra quan điểm pháp lý về vấn đề này như sau: Hành vi giúp đỡ người khác được an tử là trái pháp luật bất luận vì lý do gì. Hành vi giúp đỡ người khác được an tử có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo hành vi, tính chất, mức độ trong từng trường hợp.
Người nào giúp đỡ người bệnh được an tử mà những hành vi của người này đã trực tiếp tước đi tính mạng của bệnh nhân như đổ thuốc vào mồm, tiêm thuốc vào người bệnh nhân… thì cấu thành tội giết người được quy định tại Điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Kể cả trường hợp vì một lý do khách quan nào đó như người bệnh được cấp cứu kịp thời hoặc liều lượng thuốc không đủ nên không có khả năng làm người bệnh tử vong mà những lý do này hoàn toàn nằm ngoài ý thức chủ quan của người giúp thì họ vẫn bị truy tố về tội giết người nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Điều này có nghĩa người phạm tội có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Người nào giúp đỡ người bệnh được an tử (tự sát) mà không trực tiếp tước đi tính mạng của bệnh nhân, chỉ mang tính giúp sức như đưa thuốc cho bệnh nhân nhưng để bệnh nhân tự uống, tự tiêm hoặc những hành vi khác nhằm tạo điều kiện cho người bệnh tự tước đoạt tính mạng của họ thì cấu thành tội “giúp người khác tự sát” được quy định tại Điều 101 Bộ luật Hình sự, với mức án có thể lên tới 7 năm tù.
Điều luật chỉ đòi hỏi nạn nhân đã có hành vi tự sát mà không đòi hỏi nạn nhân có bị chết do tự sát hay không. Do vậy yếu tố nạn nhân có bị chết hay không không phải là yếu tố bắt buộc của tội này.
Luật sư Đỗ Minh Thu (giám đốc Công ty luật TNHH Minh Thu, Nam Định) qua trao đổi với báo dân trí, cũng bày tỏ quan điểm của mình: “Giúp người khác chết là phạm tội”. Tính mạng, sức khỏe của con người là khách thể đặc biệt được Bộ luật Hình sự tôn trọng và bảo vệ. Không ai được tự cho mình có quyền can thiệp vào sự sống, chết của người khác.
Trừ những trường hợp đã được pháp luật quy định như trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng hoặc thi hành mệnh lệnh pháp luật cho phép (như thi hành án tử hình) thì hành vi đó không bị coi là phạm tội. Còn lại, mọi sự can thiệp hay giúp đỡ để người khác được chết (dù được sự đồng ý hoặc theo đề nghị của “khổ chủ”) đều bị coi là hành vi phạm tội.
Người nào thực hiện hành vi nhằm trợ giúp người khác tự tử, xúi giục hoặc giúp người khác chết thì tùy theo mức độ, tính chất, hoàn cảnh của hành vi giúp người khác chết mà có thể phạm vào một trong các tội như: “Giết người” , “Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” hoặc “Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.
Như vậy, mặc dù xuất phát từ mục đích bảo vệ quyền con người nên bộ luật hình sự có quy định về tội xúi dục hoặc giúp người khác tự sát. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, các nhà làm luật cũng nên linh hoạt để những bệnh nhân quá đau đớn với bệnh tật có thể có cơ hội được giải thoát.
Hoài Thương (tổng hợp)