Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ có chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc vào ngày 18/10 tới đây - chuyến công du gây sự chú ý đặc biệt bởi những quan điểm gây thu hút của ông về tranh chấp Biển Đông.
Trước đó quan điểm của Duterte dường như muốn có một cuộc đàm phán hòa giải song phương với Bắc Kinh sau phán quyết của Tòa Trọng tài đưa ra hôm 12/7, trong đó phản đối yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông, một động thái trái ngược với phản ứng trước đó của chính phủ Manila tiền nhiệm.
Hướng đi mới của nhà tân lãnh đạo Philippine cho thấy ông đang tìm cách để duy trì một chính sách đối ngoại cân bằng, tránh đối đầu với cả Mỹ và Trung Quốc, một học giả Trung Quốc nhận định.
"Người đứng đầu Manila đã thể hiện sự chân thành trong việc làm dịu đi mối quan hệ nóng bỏng với Trung Quốc bằng chuyến thăm tới Bắc Kinh. Không giống người tiền nhiệm Benigno Aquino III, Duterte không lựa chọn chính sách đối ngoại một chiều", Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Zhu Feng, giám đốc điều hành của Trung tâm hợp tác nghiên cứu về biển Đông tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc.
Duterte đã ra một phát ngôn hồi tuần trước nói sẽ chấm dứt các cuộc tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông, và đe dọa cắt đứt quan hệ với đồng minh thân thiết.
Sự chuyển hướng của Duterte phần lớn nhằm đáp trả những chỉ trích của Mỹ về cuộc thanh trừng tội phạm ma túy đẫm máu của ông.
Tuy nhiên, học giả Trung Quốc có một sự thận trọng khi cho rằng lời hùng biện như vậy không đồng nghĩa với việc Manila sẽ dừng lại quan hệ đồng minh với Washington.
"Quan hệ giữa Philippines và Mỹ sẽ không tan rã. Trung Quốc sẽ là ngớ ngẩn nếu như nghĩ theo cách đó", Zhu Feng nói.
Bonnie Glaser, Giám đốc dự án nghiên cứu Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với Thời báo Hoàn cầu tại một diễn đàn an ninh gần đây rằng: "Tôi hy vọng quan hệ Mỹ-Philippines không bị hư hại, bởi Philippines có thể có mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc cùng một lúc. Không có quốc gia nào bắt buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó là một hướng đi tồi tệ".
Manila và Washington ký kết thỏa thuận quân sự quốc phòng từ năm 1951, và là đồng minh quân sự mạnh mẽ tạo thành thế đối đầu với sự nổi lên của Trung Quốc trong khu vực. Theo Reuters, trong năm nay, Philippines sẽ nhận được khoảng 120 triệu USD viện trợ từ quân đội Mỹ - lớn nhất kể từ năm 2000.
Bất chấp những tranh cãi đáng lo ngại trong vấn đề Biển Đông, nhà lãnh đạo mới của Philippines đã bóng gió rằng ông muốn bàn về việc thu hút đầu tư từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thời gian ở Bắc Kinh từ ngày 18-21, trước khi thăm Nhật Bản sau đó. Khoảng 250 đại biểu doanh nghiệp sẽ thăm Bắc Kinh cùng với tổng thống, theo các báo cáo cho biết.
Phía Manila nhấn mạnh nước này có thể sẽ tạm gác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế sang một bên để tập trung thảo luận các vấn đề khác.
"Chúng tôi sẽ thảo luận với họ các lĩnh vực được sự quan tâm của cả hai bên, nhưng có lẽ sẽ không dùng phán quyết để làm họ bất an hay mất mặt", Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters. "Họ vẫn là hàng xóm của chúng tôi và chúng tôi vẫn muốn có quan hệ tốt với họ".
Ông Dominguez nói rằng bây giờ là thời điểm vàng để đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ về Philippines và ông hy vọng đất nước sẽ chính thức tham gia dự án Ngân hàng Cơ sở hạ tầng châu Á trong tuần tới như một cơ hội thu hút đầu tư từ Trung Quốc.
Học giả Trung Quốc đánh giá dù Manila đang có những bước tiến làm nồng ấm hơn quan hệ với Bắc Kinh nhưng điều đó không làm thay đổi tư tưởng cốt yếu của Philippines về các tranh chấp về mặt chủ quyền lãnh thổ.
"Chuyến thăm Duterte là một khởi đầu tốt để giảm bớt căng về chuyến thăm", Zhu Feng nói, "Trung Nam Hải nên có một sự nhìn nhận hợp lý".
Theo ông, một chuyến thăm không thể đảm bảo một sự thay đổi mối quan hệ song phương, bởi thực chất sự rạn nứt giữa hai quốc gia còn bao gồm các vấn đề an ninh khác trong khu vực.
Quốc Vinh