Gỡ khó về nguyên liệu, làng hương trầm xứ Nghệ chạy đua với đơn hàng Tết

Gỡ khó về nguyên liệu, làng hương trầm xứ Nghệ chạy đua với đơn hàng Tết

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Chủ nhật, 19/01/2025 08:27

Thời điểm này, các công xưởng sản xuất hương trầm ở Nghệ An đang cấp tập chạy đua với thời gian để kịp số lượng các đơn hàng đã đặt.

Bài toán sản xuất khi giá nguyên liệu tăng cao

Những ngày này, cơ sở sản xuất hương trầm của gia đình chị Trần Thị Loan (trú tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) lại nhộn nhịp hẳn lên vì bước vào vụ làm ăn chính trong năm.

"Cơ sở của gia đình sản xuất hương trầm Quỳ Châu hoạt động quanh năm, song chỉ thực sự nhộn nhịp 4 tháng cuối năm. Để kịp cho vụ hương Tết, chúng tôi đã huy động người thân và thuê thêm công nhân thời vụ làm việc cho kịp đơn hàng", chị Loan nói.

Gỡ khó về nguyên liệu, làng hương trầm xứ Nghệ chạy đua với đơn hàng Tết- Ảnh 1.

Cơ sở làm hương của gia đình chị Loan tất bật vào vụ Tết.

Tuy nhiên, việc sản xuất hương trầm thời điểm này đang gặp khó, nguyên nhân là do giá rễ hương - nguyên liệu chính để làm hương tăng. "Năm ngoái, giá rễ hương khô dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg thì đầu vụ năm nay đã tăng vọt lên 60.000 đồng/kg", chị Loan cho biết thêm.

Theo tính toán, mỗi năm, cơ sở của chị Loan nhập khoảng 15 tấn tấn rễ hương, với chi phí như hiện tại sẽ phải tiêu tốn gần 1 tỷ đồng nguyên liệu, tăng khoảng 30% so với các năm trước.

"Làm ra búp hương không chỉ cần cây rễ hương mà còn thêm các nguyên liệu khác như tùng bách, đinh hương, quế, hồi… chưa kể chi phí giấy cuốn, nhân công… trong khi giá thị trường không đổi thì đây sẽ là bài toán khó cho các hộ sản xuất quy mô lớn như chúng tôi", chủ cơ sở sản xuất chia sẻ.

Đó cũng là nỗi lo chung của các hộ sản xuất hương trầm trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Nguyên nhân, diện tích cây rễ hương trên địa bàn huyện Quỳ Châu rất ít, không đủ để bà con sản xuất hương trầm, do đó đa phần đều nhập nguyên liệu tại các huyện như Quỳnh Lưu, Thanh Chương.

Gỡ khó về nguyên liệu, làng hương trầm xứ Nghệ chạy đua với đơn hàng Tết- Ảnh 2.

Hương là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, vậy nên mọi công đoạn đều phải được thực hiện tỉ mỉ và công phu.

Chị Phạm Thị Uyên (trú ở xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) cũng đang phải loay hoay với việc giá nguyên liệu tăng cao. Năm nay, giá rễ hương tăng vọt nên cơ sở đang phải tính toán lại phương án sản xuất, sản lượng để cân đối, tránh thua lỗ…

"Nguyên liệu tăng, nhưng giá hương vẫn được giữ nguyên nhiều năm qua chứ không tăng. Thị trường ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt nên chúng tôi phải chấp nhận giảm tiền lãi, duy trì khách hàng thôi", chị Uyên nói.

Nỗ lực đưa hương trầm thành sản phẩm chủ lực

Quỳ Châu được xem là "thủ phủ hương trầm" tại Nghệ An. Năm 2019, thương hiệu trầm hương Quỳ Châu đã được Cục sở hữu trí tuệ Công nhận đăng ký bảo hộ và được Sở Khoa học nghệ công nhận bảo hộ thương hiệu và sản phẩm.

Gỡ khó về nguyên liệu, làng hương trầm xứ Nghệ chạy đua với đơn hàng Tết- Ảnh 3.

Nghề làm hương trầm tuy vất vả nhưng đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân dịp Tết.

Nơi đây có 6 làng nghề hương trầm được công nhận OCOP, bao gồm khối 1, khối 2, khối 3, khối Tân Hương 1, khối Tân Hương 2 tại thị trấn Tân Lạc và bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh.

Hương ở Quỳ Châu được pha trộn từ các loại hương liệu, tuy nhiên lại "nói không" với các hóa chất, nhờ vậy hương trầm Quỳ Châu ngày càng được thị trường ưa chuộng mỗi dịp tết.

Hương trầm được làm hoàn toàn thủ công, lực lượng đảm nhiệm công việc này chủ yếu là phụ nữ. Trung bình, một người lành nghề có thể quấn 4.000-5.000 que hương, được trả công 300.000-350.000 đồng mỗi ngày.

Gỡ khó về nguyên liệu, làng hương trầm xứ Nghệ chạy đua với đơn hàng Tết- Ảnh 4.

Tuy nhiên, việc sản xuất hương trầm thời điểm này đang gặp khó, đặc biệt là giá rễ hương - nguyên liệu chính để làm hương tăng.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng UBND huyện Quỳ Châu cho biết, sản lượng hương trầm hàng năm đạt khoảng 80 - 90 triệu que hương, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho con em địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Mặc dù vậy, dự kiến năm nay sẽ là một năm khó khăn đối với nghề truyền thống này, bên cạnh giá cả nguyên liệu tăng cao thì việc tìm được nhân công cũng không dễ dàng do các thanh niên hiện nay đều đã đi làm ăn xa.

Ngoài ra, các làng nghề sản xuất hương chưa chủ động về nguyên liệu và phải mua từ ở các nơi khác. Theo đánh giá của huyện Quỳ Châu, có gần 80% nguyên liệu phải nhập từ các địa phương khác, chỉ hơn 20% nguyên liệu có sẵn tại chỗ.

"Sau đợt lũ lịch sử tại Quỳ Châu vào năm 2023 đã khiến cho nguyên liệu làm hương bị hư hỏng, ảnh hưởng đến sản xuất. Thì từ đầu năm 2024, huyện Quỳ Châu đã xem việc mở rộng diện tích cây rễ hương là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc tạo nguyên liệu cho các làng nghề", ông Hùng nói.

Gỡ khó về nguyên liệu, làng hương trầm xứ Nghệ chạy đua với đơn hàng Tết- Ảnh 5.

Huyện Quỳ Châu xác định trầm hương là nghề chủ lực của địa phương để xoá đói giảm nghèo.

Địa phương này hiện có hơn 100ha cây rễ hương được trồng, tập trung nhiều ở các xã như Châu Thuận, Châu Hoàn, Châu Hội... Chính quyền địa phương đang khuyến khích mở rộng diện tích trồng cây rễ hương, phấn đấu nâng diện tích lên 200ha trong năm 2025.

"Giải quyết bài toán nguyên liệu sẽ giúp nghề làm hương tại Quỳ Châu phát triển cả về số lượng và chất lượng. Chúng tôi xác định một trong những giải pháp lâu dài cho nghề sản xuất hương trầm Quỳ Châu là phải chủ động được đầu vào bằng quy hoạch và phát triển được vùng nguyên liệu ổn định, nhất là cây rễ hương và các nguyên liệu phụ khác", đại diện UBND huyện cho biết thêm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.