Nỗ lực hoàn thành hạ tầng, kết nối kinh tế biển
Cuối tháng 8/2024, đại lộ Vinh - Cửa Lò, công trình giao thông trọng điểm của Nghệ An với đường chính rộng 32m, thiết kế 8 làn xe cơ giới, được thông xe. Đây là tuyến đường lớn nhất Nghệ An, trục giao thông huyết mạch, kết nối nhanh chóng Tp. Vinh và bãi biển Cửa Lò.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.826 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 hơn 1.411 tỷ đồng với mỗi bên 2 làn đường gom rộng 9m; Giai đoạn 2 hơn 1.415 tỷ đồng, mỗi bên 4 làn xe, rộng 16m.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Ban QLDA công trình giao thông Nghệ An, Sở GTVT Nghệ An cho biết, công trình sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng, thu hút đầu tư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị.
"Dự án sẽ góp phần quan trọng triển khai và hoàn thành Đề án phát triển Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ", ông Khánh nói.
Dự án quan trọng này sẽ là cánh cửa hướng ra biển, tạo động lực phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, dự án sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 46, tuyến đường gom (đã đầu tư xây dựng dự án giai đoạn 1), đặc biệt là giai đoạn cao điểm mùa du lịch Cửa Lò.
Việc mở rộng Tp. Vinh bằng việc sát nhập phố biển Cửa Lò đã được tỉnh Nghệ An phê duyệt. Cơ quan hành chính được xây dựng mới, mang lại diện mạo xứng đáng với vị thế top 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.
Ngoài dự án trên, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã bố trí kế hoạch tập trung đầu tư các dự án động lực phát triển vùng kinh tế biển, như: Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò với số vốn 3.400 tỷ đồng; các dự án đầu tư phát triển hạ tầng ven biển thuộc địa bàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An với số vốn 1.050 tỷ đồng,…
Thực tế, từ năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã nhìn nhận, việc quy hoạch và xây dựng cảng biển Cửa Lò, cảng biển Đông Hồi có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương lân cận.
Bởi hệ thống cảng biển tại Nghệ An đang là "nút thắt" trong xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh với những bất cập ngày càng bộc lộ, cần điều chỉnh để mở nút thắt này.
Vì vậy, vào phiên họp thường kỳ tháng 7/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương điều chỉnh Dự án xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò.
Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng 7.325 tỷ đồng. Phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: Vốn đầu tư giai đoạn 1 (2024 -2028) là 5.250,804 tỷ đồng; vốn đầu tư giai đoạn 2 (2029 -2030) là 2.074,152 tỷ đồng.
Việc xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò sẽ giúp điểm đến này trở thành đầu mối giao thông đường biển quan trọng. Nơi đây sẽ sớm trở thành trung tâm logistics, nắm giữ vai trò phân phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phục vụ vận tải và tiếp nhận hàng hóa cho Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
Ngày 24/7/2022, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Thái Thanh Quý đề cập, hiện nay, Nghệ An đang gặp điểm nghẽn rất lớn trong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về cảng biển nước sâu và mở rộng sân bay Vinh.
Chính vì vậy, tại buổi làm việc, tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến việc nâng cấp quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Vinh, triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp VSIP giai đoạn II và mở rộng Khu công nghiệp Hoàng Mai II…
Đẩy mạnh nhiều ngành kinh tế biển
Theo quy hoạch tổng thể tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 xác định, phương hướng phát triển Nghệ An sẽ phát triển hiệu quả và bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển.
Về mục tiêu cụ thể, Nghệ An chỉ tiêu đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển sẽ chiếm khoảng 57 - 60% tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân của vùng ven biển giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 12,5 - 13,5%/năm.
Để thực hiện được điều này, Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển theo hướng chú trọng phát huy lợi thế so sánh của tỉnh với các địa phương giáp biển khác của cả nước.
Tập trung vào các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Công nghiệp ven biển; kinh tế hàng hải; du lịch biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; khai thác khoáng sản biển; và các hoạt động kinh tế biển khác.
Trong đó, lấy công nghiệp ven biển, kinh tế hàng hải và phát triển du lịch là các lĩnh vực đột phá; lấy khu kinh tế Đông Nam (mở rộng) làm lãnh thổ trọng điểm cho phát triển kinh tế biển; lấy hợp tác vùng và hợp tác quốc tế làm đòn bẩy để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Đối với các lĩnh vực mang tính đột phá, trước hết là công nghiệp ven biển, tỉnh Nghệ An sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao (điện tử - viễn thông, sản phẩm số, dược phẩm), phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp ven biển.
Với khu kinh tế Đông Nam (mở rộng), đây được xem là lãnh thổ trọng điểm cho phát triển kinh tế biển của tỉnh Nghệ An. Theo quy hoạch, khu kinh tế Đông Nam sẽ được mở rộng ranh giới với tổng diện tích 105.535,2 ha.
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết, dự kiến trong giai đoạn 2023 - 2024, hoàn thành Đề án mở rộng ranh giới khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và đổi tên thành khu kinh tế Nghệ An.
Giai đoạn 2024 - 2025, sẽ hoàn thành quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nghệ An mở rộng. Giai đoạn 2025 - 2030, sẽ hoàn thành và được phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng các phân khu chức năng.
Ngoài ra, đối với kinh tế hàng hải, Nghệ An xác định, phát huy vai trò trọng yếu của vận tải biển trong kết nối tỉnh nhà với thị trường quốc tế, tạo sức hút với dòng vốn FDI trong giai đoạn 2021-2030.
Vì vậy, phát triển các cảng biển tổng hợp Cửa Lò, Cửa Hội, Đông Hồi, trong đó đẩy mạnh phát triển khu bến Đông Hồi trong vai trò đảm nhận phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, hỗ trợ khu bến Nam Nghi Sơn để hình thành cụm cảng Nghi Sơn - Đông Hồi.
Đối với ngành du lịch biển, đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển để tạo bước đột phá gắn với xây dựng và nâng cấp hệ thống công viên ven biển theo hướng văn minh, chất lượng và thân thiện với môi trường, phát triển dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm...
Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án tầm cỡ gắn với các điểm du lịch biển giàu tiềm năng ở Nghi Lộc (du lịch sinh thái và vui chơi, giải trí), Cửa Hội (tổ hợp vui chơi, giải trí), Bãi Lữ (biệt thự du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng),…
Hình thành thương hiệu du lịch biển Nghệ An thân thiện, văn minh. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch; đẩy mạnh du lịch cộng đồng, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch, dịch vụ biển.
Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) Nghệ An 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,76%, (quý I tăng 6,38%; quý II tăng 7,22%), đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,15%).