Dẹp bỏ vấn nạn tàu giã cào
Còn nhớ, những năm 2018, 2019, trên vùng biển tỉnh Hà Tĩnh từ xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) vào đến xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) xuất hiện nhiều tàu giã cào ngoại tỉnh công suất lớn như: Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa… liên tục hoạt động trái phép.
Theo kể lại, những chiếc tàu dã cào này đi đến đâu là “ngoạm” hết tôm, cá, kể cả những con cá hay con ốc nhỏ nhất cũng không thể thoát. Đặc biệt, có chiếc giã cào còn “nuốt chửng” cả lồng và ngư cụ của ngư dân đánh ghẹ trên khu vực biển. Tàu dã cào trở thành nỗi ám ảnh của ngư dân khai thác vùng lộng tại tỉnh này.
Trước thực trạng này, chính quyền địa phương, công an, lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp tuyên truyền, chế tài xử phạt nhằm răn đe. Lúc bấy giờ, cũng là thời điểm ngành thủy sản tập trung thực hiện các giải pháp nỗ lực gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (chống khai thác IUU) nên nhiệm vụ truy quét, dẹp bỏ vấn nạn tàu dã cao lại càng cấp bách, khẩn thiết.
Theo Đại tá Nguyễn Mậu Phúc, Chủ nhiệm Chính trị (BĐBP Hà Tĩnh), trách nhiệm chính trong việc chống thai thác thủy sản bất hợp pháp là của ngành NN-PTNT, tuy nhiên, quá trình phối hợp truy quét tàu giã cào trên biển, lực lượng BĐBP đóng vai trò rất quan trọng trong việc trấn áp, răn đe tàu cá vi phạm. Ngoài ra, công tác tuyên truyền được các đồn, trạm triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức đã phần nào thay đổi nhận thức cho bà con ngư dân.
Vai trò của lực lượng BĐBP trong chống khai thác IUU ở Hà Tĩnh là không thể thiếu. Lực lượng này đã đồng hành tuyên truyền cho ngư dân về lợi ích của việc không tham gia khai thác IUU, kịp thời ngăn chặn các tàu cá vi phạm IUU, đặc biệt là tàu giã cào, nhờ đó trong những năm gần đây hiện tượng tàu giã cào đánh bắt ven biển Hà Tĩnh đã giảm hẳn. Việc đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng đã góp phần đẩy lùi vi phạm của đội tàu giã cào, hạn chế xung đột trên biển giữa ngư dân trên địa bàn và ngư dân ngoại tỉnh liên quan đến việc khai thác trên biển.
Theo số liệu thống kê, năm 2020, BĐBP Hà Tĩnh bắt giữ 17 vụ/38 tàu giã cào, xử phạt hành chính 469 triệu đồng; năm 2021 bắt giữ 21 vụ/44 phương tiện, xử phạt hơn 447 triệu đồng; năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 26 vụ việc đối với 33 đối tượng/32 phương tiện; trong đó, lực lượng BĐBP phát hiện, xử lý 16 vụ/25 phương tiện, xử phạt hành chính hơn 436 triệu đồng. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, lực lượng Bộ đội biên phòng đã xử phạt 18 trường hợp khai thác đánh bắt hải sản sai khu vực, sử dụng ngư lưới cụ sai quy định.
Xử phạt "mạnh tay", nâng cao công tác tuyên truyền
Đồn Biên phòng Lạch Kèn (huyện Nghi Xuân) là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới bờ biển dài 32km với 9 xã ven biển của huyện Nghi Xuân. Vị trí giáp ranh với vùng biển Nghệ An nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đồn thường xuyên phát hiện tàu cá ngoại tỉnh, đặc biệt là tàu các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An… khai thác thủy sản trái phép, đáng chú ý là hoạt động của đội tàu giã cào công suất lớn đánh bắt sai vùng, sai tuyến, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cạn kiệt tài nguyên, kéo mất ngư lưới cụ của ngư dân đánh bắt truyền thống ven bờ và vùng lộng.
Để ngăn chặn thực trạng trên, các chiến sỹ đồn Biên phòng Lạch Kèn thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Xuân, các tổ đồng nghề cá tuần tra trên biển để duy trì an ninh trật tự; kịp thời phát hiện, bắt giữ các tàu cá vi phạm.
Từ 2019 đến nay, Đồn Lạch Kèn đã bắt giữ, xử lý trên 40 phương tiện khai thác thủy sản trái phép, xử phạt vi phạm hành chính hơn 500 triệu đồng. Gần đây nhất, vào ngày 3/7, Đồn Lạch Kèn đã bắt giữ 2 tàu cá Nghệ An công suất lớn, khai thác hải sản bằng lưới giã cào, sai vùng quy định.
Theo Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên đồn Biên phòng Lạch Kèn (BĐBP Hà Tĩnh), qua thời gian tăng cường truy quét, chế tài xử phạt “mạnh tay”, đặc biệt là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân, đến nay, đa số ngư dân thực hiện nghiêm túc việc đánh bắt theo quy định, tuy nhiên, vẫn còn số rất ít ngư dân vì lợi ích trước mắt mà vi phạm. Lực lượng BĐBP sẽ tiếp tục tuyên truyền, tăng cường kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác, tiến tới dẹp bỏ hoàn toàn vấn nạn tàu dã cào, tàu đánh bắt sai khu vực quy định.
Xác định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp là nhiệm vụ chính trị quan trọng vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản vừa bảo vệ chủ quyền biển bảo, những năm qua, lực lượng cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên luôn lấy đó làm kim chỉ nam.
Trung tá Hoàng Minh Thảo, Đồn trưởng đồn Biên phòng Thiên Cầm cho rằng, để truy quét tàu giã cào đạt hiệu quả, trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân, sau đó là xây dựng nguồn tin trên biển. “Khó khăn trong bắt tàu giã cào là họ hoạt động vào ban đêm, tàu của ngư dân lớn hơn tàu của lực lượng chức năng; đặc biệt, khi triển khai vây bắt dễ bị tàu vi phạm phát hiện, cắt lưới bỏ chạy”, Trung tá Thảo nói.
Theo ông Nguyễn Tông Thắng, phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh, khi cả hệ thống chính trị nỗ lực không ngừng nghỉ để gỡ thẻ vàng mà ngư dân lại thiếu nhận thức với bát cơm của chính mình nên đối với những tàu cá vi phạm như 2 trường hợp tàu cá Nghệ An vừa bị Đồn Biên phòng Lạch Kèn bắt giữ và 01 trường hợp tại Đồn Biên phòng Kỳ Khang, quan điểm là sẽ có chế tài xử phạt nghiêm nhất.
Hoạt động đánh bắt IUU (trong tiếng Anh là Illegal, unreported and unregulated fishing, viết tắt là IUU) có nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lí. Đây là hoạt động đánh bắt cá trái với các biện pháp bảo tồn và quản lí ở khắp nơi trên thế giới.
IUU là các hoạt động đánh bắt cá hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định. Theo Hội đồng Liên minh châu Âu (EC), hoạt động này là một trong những hoạt động gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường biển, tính bền vững của các đàn cá và tình hình kinh tế -xã hội của ngư dân. Theo đó, EC ban hành quy định số 1005/2008 vào tháng 9/2008 nhằm thiết lập hệ thống trong cộng đồng phòng ngừa, ngăn chặn và xoá bỏ các hoạt động khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
* Bài 3: Đưa công nghệ vào giám sát (Mời quý độc giả đón đọc bài viết vào lúc 14h ngày 8/7 trên Tạp chí Điện tử Người Đưa Tin)