Như báo Người Đưa Tin đã thông tin, tập đoàn Gỗ Trường Thành đang ở giai đoạn vô cùng bi đát. Cổ phiếu TTF của tập đoàn này đã đứng trước nguy cơ phải hủy niêm yết bắt buộc do lợi nhuận sau thuế (LNST) thuộc về công ty mẹ 1,3 tỷ đồng. LNST chưa phân phối đến 30/6/2017 trên BCTC soát xét bán niên là - 1.462 tỷ đồng, chiếm 98% vốn điều lệ.
Trước đó, cổ phiếu TTF cũng đã bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 24/4/2017 do LNST chưa phân phối đến cuối năm 2016 là -1.417 tỷ đồng và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ -1.271 tỷ đồng.
Với hàng loạt biến cố xảy ra, thị giá cổ phiếu TTF cũng đã lao dốc từ mức hơn 40.000 đồng xuống hiện chỉ còn 7.800 đồng chỉ trong vỏn vẹn vài tháng giao dịch.
Hiện nay, giá cổ phiếu của TTF trên thị trường chỉ khoảng 7.480 đồng/cp (kết thúc phiên giao dịch ngày 21/12/2017). Theo BCTC hợp nhất quý 3/2017, nhìn chung TTF đã bắt đầu có lãi nhưng vẫn đang lỗ lũy kế 1.409 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu là 1.446 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý 3, các khoản phải thu và tồn kho vẫn là khoản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của TTF.
Thuyết minh BCTC của công ty này cũng cho hay, các khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản cá nhân của ông Võ Trường Thành và các cá nhân khác, hàng hóa tồn kho luân chuyển, các tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của tập đoàn, các khoản phải thu.
Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn cuối kỳ tại ngày 30/9/2017 cũng thể hiện hiện phần tài sản công ty này không đủ bù đắp cho nợ ngắn hạn (vốn hoạt động thuần).
Tuy đã bắt đầu có lãi nhưng cũng không thể nói trước được điều gì, vì hiện nay TTF đang vay ngân hàng với số tiền rất lớn (6 ngân hàng). Và có lẽ các ngân hàng đã cho Gỗ Trường Thành vay cũng không thể ngồi yên.
Theo BCTC đến hết quý 3, “chủ nợ” lớn nhất của TTF tính đến cuối tháng là ngân hàng Việt Á.
Cụ thể, ngân hàng Việt Á chi nhánh Bình Dương cho TTF vay gần 430 tỷ đồng bao gồm cả khoản vay USD và VNĐ. Ngân hàng Việt Á chi nhánh Buôn Mê Thuột cũng đang cho TTF vay khoảng 103 tỷ đồng.
Ngoài ra là một loạt ngân hàng khác như Đông Á (124,5 tỷ); ngân hàng Kiên Long (34 tỷ), Agribank Buôn Mê Thuột (hơn 25 tỷ), ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) 50 tỷ đồng.
Có thể thấy, với con số nợ không hề nhỏ ở nhiều ngân hàng, đặc biệt là chủ nợ Việt Á, nếu như doanh nghiệp này biến động về tài chính thì ngân hàng sẽ ôm một con số nợ xấu không hề nhỏ. Và cũng không ai dám chắc rằng, trong số hàng tồn kho hay các khoản phải thu mà ngân hàng đã nhận thế chấp từ Gỗ Trường Thành lại không có các tài sản chỉ là "hơi" nếu như doanh nghiệp này không mắc sai phạm thêm một lần nữa về những “sai lệch nghiêm trọng” trong việc ghi nhận hàng tồn kho và nợ khó đòi.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.