Với mục đích huy động vốn nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua các thị trường vốn quốc tế, trái phiếu xanh được chính phủ và các tổ chức tư nhân phát hành để huy động vốn cho các dự án có lợi ích cho môi trường và xã hội.
Tuy nhiên, so với các nước khác trên thế giới, thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam triển khai chậm hơn. Phần lớn số tiền thu được từ phát hành trái phiếu được sử dụng cho năng lượng tái tạo, bên cạnh lĩnh vực nước, rác thải và nông nghiệp.
Những bước đi đầu khiêm tốn
Bức tranh tổng thể về thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam được đánh giá hiện đang ở dạng sơ khai, chưa phát triển, quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu trái phiếu xanh đều chưa chắc chắn, đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết của nhà đầu tư nói riêng và thị trường nói chung về trái phiếu xanh còn rất nhiều hạn chế.
Xét về mặt cơ cấu, trái phiếu xanh ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là trái phiếu chính quyền địa phương tài trợ cho các dự án xanh, gần như hệ thống các doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn chưa nhiều.
Cụ thể, cuối tháng 8/2019, CTCP Điện mặt trời Trung Nam đã phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn 9 năm và CTCP Trung Nam (sở hữu 70% vốn của CTCP Điện mặt trời Trung Nam) cũng phát hành thành công 945 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 năm cộng biên độ 3,5%/năm, riêng năm đầu tiên là 10,5%/năm. Tổng số tiền hai công ty này huy động được là 3.045 tỷ đồng và được sử dụng cho dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận.
Đầu tháng 10/2019, CTCP Bamboo Capital (BCG) công bố kế hoạch dự kiến phát hành 900.000 trái phiếu chuyển đổi trong quý IV/2019 với lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 3 năm. Trong đó dự kiến 350 tỷ đồng đầu tư các dự án năng lượng mặt trời, 500 tỷ đồng đầu tư vào các dự án bất động sản, 50 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây, tiêu biểu như BIM Land và VinGroup. BIM Land thuộc BIM Group đã huy động thành công 200 triệu USD trên thị trường quốc tế năm 2021. Trong khi đó, VinGroup đã tiên phong phát hành trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu trị giá 425 triệu USD.
Và đến tháng 7/2022, lần đầu tiên thị trường Việt Nam ghi nhận một tổ chức phát hành trái phiếu xanh dựa trên nguyên tắc do ICMA công bố năm 2018. Theo đó, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) đã phát hành 73,7 triệu USD trái phiếu xanh với lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn 10 năm, được Công ty Dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia (GuarantCo) bảo lãnh một phần.
Động thái của EVNFinance được đánh giá là "cú hích" lớn đối với thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam vốn còn khiêm tốn và mới mẻ. Theo Chủ tịch Phạm Trung Kiên, EVNFinance phát hành trái phiếu dài hạn để phù hợp và ổn định về cơ cấu vốn đối với các dự án xanh do công ty tài trợ. Thực tế, với các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thời gian đầu tư và thu hồi vốn của các doanh nghiệp lên đến 7 năm. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, EVNFinance cũng cần nguồn vốn ổn định và bền vững với kỳ hạn tương ứng.
Trong năm 2023, Ngân hàng BIDV cũng đã thực hiện phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu trong nước có khung trái phiếu xanh được xếp hạng bởi Moody’s.
Thiếu cơ chế rõ nét cho doanh nghiệp phát hành
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp, tổ chức phát hành đều nhận thấy vẫn còn những mặt hạn chế.
Cụ thể, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm nhận thấy hiện chưa có các cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh.
Từ đó, lãnh đạo BIDV đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh bao gồm: Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế.
"Điều này giúp thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc triển khai dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo cùng hệ quy chuẩn", ông Lâm nói.
Ngoài ra, ông cũng kiến nghị xem xét quy định các tiêu chí xanh bao gồm các cấp độ tương ứng với các mức độ ưu đãi về chính sách khác nhau. Khi đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh có thể tiếp cận dần với các chính sách ưu đãi cũng như tạo lập được các mục tiêu/động lực để đạt tới sự tăng trưởng bền vững.
Đồng thời, ban hành các hướng dẫn cho hoạt động phát hành và báo cáo sau phát hành trái phiếu xanh, trong đó xem xét đến các quy định đặc thù giữa hoạt động của tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế.
Đồng quan điểm, Chủ tịch EVN Finance Phạm Trung Kiên cho rằng các tiêu chuẩn về phát hành trái phiếu xanh chưa rõ ràng hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho các tổ chức phát hành trái phiếu khiến cho các tổ chức phát hành trong nước còn dè dặt trong việc phát hành trái phiếu xanh theo quy định tại Nghị định 153 hay Nghị định 65.
Do đó, EVNFinance kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng bộ danh mục phân loại xanh phù hợp với thị trường Việt Nam và tiệm cận với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới, là cơ sở để tổ chức phát hành nghiên cứu triển khai và cũng là căn cứ để các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế xem xét trước khi đầu tư.
Ngoài ra, EVNFinance cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức phát hành, nhà đầu tư về mặt lãi suất, thuế, phí trong việc phát hành, mua trái phiếu xanh. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh cũng như góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Không những vậy, hiện các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn trái phiếu xanh nếu phát triển các công nghệ tại Việt Nam.
Theo đó, ông Trường An - đại diện Tập đoàn CT Group cho biết, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các công trình bất động sản của CT Group đều đạt những kiểm định và chứng chỉ xanh để có thể tiếp cận được những khoản tín dụng xanh.
Tập đoàn CT cũng đã đầu tư và nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ nhằm tối ưu việc giảm phát thải cũng như tối ưu về tiêu thụ năng lượng. Hiện CT Group có viện nghiên cứu tại Pháp chuyên sử dụng thuật toán AI để nghiên cứu các công nghệ tối ưu việc tiêu thụ năng lượng trong các khu công nghiệp, nhà máy và lĩnh vực logistics.
Bên cạnh đó, CT Group cũng đang phát triển mảng vật liệu xây dựng xanh để giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, CT Group còn đầu tư phát triển các hệ thống giao thông công cộng nhanh (tàu điện cao tốc và máy bay không người lái) nhằm góp phần thực hiện việc giảm phát thải nhà kính đến năm 2050 đạt net zero.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh nếu phát triển các công nghệ nói trên tại Việt Nam. Do đó, các công ty phát triển công nghệ của CT Group đều phải đặt trụ sở tại các nước phát triển như: Pháp, Israel, Thuỵ Sĩ… vì các nước này có khung pháp chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ để có thể tiếp cận nguồn tín dụng xanh.
Trên cơ sở đó, ông Trường An kiến nghị nên kết nối các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp với các quỹ đầu tư, cùng chính chính quyền thành phố để có thể đưa ra các cơ chế, chính sách phát triển thị trường tài chính tại Việt Nam.
Nắm bắt cơ hội
Đánh giá về sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh trong thời gian qua, trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng trên thế giới, trái phiếu xanh tăng trưởng rất tích cực trong khoảng 5 năm gần nhất, nhất là thời điểm Covid-19 và kể cả trong đợt xung đột chính trị trến thế giới thì đà tăng trưởng của thị trường này vẫn giữ vững ở mức 10-15%/năm.
Trong khi đó tại Việt Nam, hiện Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới tăng trưởng xanh, tài chính xanh và đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang thực hiện cam kết về chiến lược Net Zero vào năm 2050.
“Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển với sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự phát triển của thị trường xanh này sẽ còn nhiều dư địa tăng nhanh hơn cả tốc độ thế giới bởi chúng ta đang có mức nền khá thấp”, vị chuyên gia nhận định.
Theo đó, để đẩy nhanh tốc độ phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam, TS.Cấn Văn Lực cho rằng cả phía nhà nước lẫn doanh nghiệp cần có đánh giá tổng thể một cách toàn diện và đúng đắn về thị trường này.
Đối với Nhà nước, ông Lực cho rằng nên sớm hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh; có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn (cả Nhà nước và tư nhân) cho đầu tư xanh; nhanh chóng nghiên cứu và ban hành bộ tiêu chí về trái phiếu xanh, tín dụng xanh cho phù hợp với mục tiêu mới, bối cảnh mới và theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia vào quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, trái phiếu xanh và dán nhãn dự án xanh, trái phiếu xanh; Chính phủ, các bộ ngành có chính sách, giải pháp để trực tiếp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế, các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tăng trưởng xanh và tài chính xanh.
Về phía doanh nghiệp, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nêu quan điểm doanh nghiệp cần làm 3 việc.
Thứ nhất, doanh nghiệp phải tự xây dựng cho mình tiêu chí xanh cho sản phẩm, dịch vụ, lĩnh vực kinh doanh của chính mình.
Thứ hai, doanh nghiệp phải tự nghiên cứu làm thế nào để đo lường được mức độ phát thải trong bản thân doanh nghiệp trên cơ sở bộ tiêu chí của Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng như Bộ Tài chính. Từ đó, đưa doanh nghiệp tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.
Cuối cùng, doanh nghiệp phải chủ động và tiên phong trong văn hóa kinh doanh xanh. “Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, từ khâu đầu tư cho đến tiêu dùng, cho khâu hợp tác, đối với các đối tác thì từ phía doanh nghiệp cũng cần đảm bảo yếu tố xanh hóa”, ông Lực nêu.
Hồng Nhung - Tú Anh