Dự án đường giao thông kết nối 2 huyện vùng khó khăn
Từ ngày dự án tuyến đường giao thông giữa huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) và huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) được triển khai, người dân rất kỳ vọng dự án sẽ phụ vụ nhu cầu đi lại của người dân, là "bàn đạp" để thúc đẩy phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống của người dân. Thế nhưng, sau 4 năm triển khai, dự án chưa thể đưa vào hoạt động bởi vướng đất rừng. Cơ quan chức năng đang tìm cách tháo gỡ.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, tháng 5/2021, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án, đầu tư xây dựng công trình đường giao thông từ xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy) đi huyện Kbang (tỉnh Gia Lai).
Dự án do UBND huyện Kon Rẫy làm chủ đầu tư với số vốn 150 tỷ đồng.
Dự án, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông huyện Kon Rẫy, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng.
Bên cạnh đó, dự án là tiền đề thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giảm nghèo bền vững tại 2 huyện vùng khó.
Dự án được triển khai (từ 2021-2024), tuy nhiên đến nay vẫn ngổn ngang. Nguyên nhân do phạm vi thực hiện dự án có một phần diện tích thuộc rừng tự nhiên, với diện tích 13,85ha.
Trong đó, UBND xã Đăk Pne quản lý 2,63ha, diện tích còn lại do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy quản lý.
Chính vì vậy, dự án sau đó phải trình cấp thẩm quyền cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, công tác phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Chuyển đổi hơn chục ha rừng tự nhiên
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) cho biết: "Do một phần dự án vướng đất rừng tự nhiên, vướng quy định của pháp luật, các cơ quan ban ngành của tỉnh nhiều lần họp đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giải quyết khó khăn, vướng mắc tồn đọng.
Sau một thời gian dài, mới có chủ trương cho chuyển đổi đất rừng. Tuy nhiên, về việc khai thác tận dụng gỗ rừng trên phạm vi đã được chuyển đổi, bàn giao mặt bằng mất nhiều thời gian. Trong khi đó, cuối năm nay mà dự án không triển khai được là chủ đầu tư phải trả lại vốn".
Liên quan đến việc khai thác, tận dụng gỗ rừng trong phạm vi đã được chuyển đổi, ông Lê Viết Bẩy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy cho biết: "Với diện tích khai thác là hơn 13,85ha (thuộc Tiểu khu 529, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy), tổng số cây rừng dự kiến sẽ khai thác là 1.232 cây với tổng khối lượng hơn 724m3 gỗ. Trong đó, số lượng gỗ tận dụng được gần 400m3. Giá khởi điểm đấu giá số gỗ trên là 850 triệu đồng".
"Hiện, chúng tôi đang triển khai thực hiện việc bán đấu giá theo đúng quy định. Theo đó, công ty sẽ tiến hành đấu giá, các đơn vị có khả năng khai thác sẽ mua hồ sơ nộp vào. Sau đó, chúng tôi sẽ thuê một đơn vị trung gian đứng ra bán đấu giá.
Căn cứ vào giá khởi điểm, đơn vị nào nộp hồ sơ với giá cao hơn thì trúng đấu giá. Trong thời gian khai thác, đơn vị trúng đấu giá sẽ phải chịu trách nhiệm về tiến độ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công", ông Bẩy nói.