Để tìm hiểu sâu những vấn đề pháp lý xung quanh vụ án này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Lương Quang Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư An Thái (đoàn Luật sư TP.Hà Nội), nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao.
PV: Khi ra tòa, một số bị cáo, người làm chứng bất ngờ thay đổi lời khai vì cho rằng trong quá trình điều tra mình bị ép cung, mớm cung. Ông có ý kiến gì về việc này?
Luật sư Tuấn: Khi ra tòa, bị cáo, người làm chứng, người tham gia tố tụng khác thay đổi lời khai là chuyện bình thường. Vì trong quá trình bị cáo bị tạm giam, họ hoang mang, lo sợ, nhân chứng cũng vậy. Do đó khi vụ án được đưa ra xét xử công khai họ bình tĩnh hơn, họ thành khẩn khai báo để được tình tiết giảm nhẹ… Có thể đây là cơ hội để họ khai báo sự thật, để HĐXX đánh giá các lời khai, chứng cứ họ đưa ra có hợp pháp không, có phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án hay không?
Đánh giá chứng cứ hết sức quan trọng, được quy định tại Điều 66, Bộ luật tố tụng Hình sự: “Mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải đảm bảo đủ để giải quyết vụ án. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm nhân dân xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đấy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả các tình tiết vụ án”.
Việc bị cáo khai bị bức cung, nhục hình có căn cứ hay không do HĐXX đánh giá.
PV: Nhân chứng Nguyễn Mai Phương được ngồi trong phòng kín, theo ông việc này có đảm bảo được sự khách quan hay không, thưa luật sư?
Luật sư Tuấn: Nhân chứng là người biết được những tình tiết của vụ án (Điều 55, Bộ luật tố tụng Hình sự). Việc HĐXX cho nhân chứng ngồi riêng khai báo được pháp luật quy định tại Điều 211, Bộ luật này: Không để những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi.
Việc cách ly nhân chứng do HĐXX quyết định và cũng là việc bảo vệ nhân chứng. HĐXX sẽ đánh giá chứng cứ của nhân chứng khai báo trước tòa. Tôi cho rằng việc bố trí cho nhân chứng khai báo đúng quy định của pháp luật.
PV: Theo ông, sau khi tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung thì cơ quan cảnh sát điều tra cần thiết phải làm sáng tỏ những nội dung gì và đâu là mấu chốt trong vụ án này?
Luật sư Tuấn: Sau khi HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 9 vấn đề. Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát cần làm rõ những vấn đề HĐXX đã nêu.
Tôi cho rằng mấu chốt của vụ án là: Làm rõ việc bị cáo Nga có hành vi lừa đảo ông Mỹ về việc mua nhà để chiếm đoạt 16,5 tỷ đồng hay đây là quan hệ tình cảm thương yêu nhau, hai bên hợp tác làm ăn hoặc tạo điều kiện cho nhau trong cuộc sống tình cảm lâu dài… Làm rõ hai vấn đề này sẽ sáng tỏ nội dung vụ án.
PV: TAND TP.Hồ Chí Minh cấm xuất cảnh đối với bà Mai Phương và ông Cao Toàn Mỹ để phục vụ công tác điều tra, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Luật sư Tuấn: Việc TAND TP.HCM cấm xuất cảnh đối với bà Mai Phương và ông Cao Toàn Mỹ để phục vụ công tác điều tra là hết sức cần thiết. Đây là hai mắt xích quan trọng trong vụ án. Nếu quá trình điều tra bổ sung mà thiếu mất lời khai của hai người này thi vụ án sẽ bế tắc. Vì ông Mỹ là người đứng đơn tố cáo.
Đối với bà Mai Phương, các bị cáo và nhân chứng khai tại Tòa rằng có nhiều tình tiết do bà dàn dựng, là người mớm cung cho các bị cáo, là người có hành vi giúp sức trong việc thông cung. Do đó, HĐXX cấm xuất cảnh đối với bà Phương, ông Mỹ không có nghĩa là HĐXX đã nhận thấy hành vi ngụy tạo chứng cứ. Việc có ngụy tạo chứng cứ hay không quá trình điều tra bổ sung sẽ được làm rõ.
PV: Ông đánh giá như nào về việc Phương Nga sử dụng quyền im lặng trong quá trình điều tra và xét xử?
Luật sư Tuấn: Việc bị cáo Phương Nga sử dụng quyền im lặng được pháp luật quy định. Bị cáo có thể tự khai hoặc nhờ luật sư khai báo và đưa ra chứng cứ trước tòa. Bộ luật tố tụng Hình sự mới năm 2015 cũng quy định tại điểm h, khoản 2, Điều 61, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Chứng minh tội phạm thuộc cơ quan tiến hành tố tụng.
Sau quá trình im lặng, tại phiên tòa sơ thẩm vừa rồi, bị cáo Phương Nga đã khai trước HĐXX và đưa ra những chứng cứ mới có phần sắc bén, HĐXX cũng phải nghiên cứu các lời khai và chứng cứ mà Phương Nga đưa ra tại tòa…
Chính những lời khai của hai bị cáo Nga và Dung và các nhân chứng mâu thuẫn nhau không làm rõ được tại tòa, nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa và trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tôi cho rằng trong phiên Tòa này trách nhiệm của HĐXX rất cao đã lắng nghe và đánh giá chứng cứ, các lời khai của bị cáo, nhân chứng, lời hỏi đáp và chứng cứ của luật sư hai bên đưa ra.
PV: Một lần nữa xin được cảm ơn luật sư.
Thúy An