Góc khuất chợ nổi

Góc khuất chợ nổi

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Đằng sau sự no đủ trên chợ nổi là gánh nặng mưu sinh, nhiều khi phải đánh đổi cả tính mạng.

Câu chuyện với những người dân sông nước cho tôi khá nhiều điều thú vị, nhưng cũng không ít ngậm ngùi. Anh Hai Hương (33 tuổi, ngụ Sóc Trăng) một tiểu thương đi lên từ nông dân miệt vườn tâm sự về hành trình từ nhà nông thành nhà buôn của mình: "Trước đây gia đình tôi đâu ai biết buôn bán là gì, quê mãi Cù Lao Dung (Sóc Trăng), hạ nguồn sông Cửu Long. Bên kia nước mặn, bên này phù sa, quanh năm ngập úng, làm không đủ ăn.

Trong lần nhà trồng được ít khoai lang, tui dành dụm ngược sông Cửu Long tìm đến chợ nổi Cái Răng bán. Thấy lời, thế là về nhà bàn với vợ quyết định góp vốn, mua lại của những hộ dân trong vùng đi bán kiếm lời, thế là trở thành tiểu thương". Nói là tiểu thương cho nó oai, chứ thực chất anh cũng chẳng hơn gì dân nhà nông là mấy.

Chỉ khác là cuộc sống không còn eo hẹp như trước, nhờ những lần khôn khéo cưa miệng, chắt bóp được ít đồng lời, đủ trang trải cuộc sống, nuôi 3 đứa con nhỏ mà thôi.

Pháp luật - Góc khuất chợ nổi

Người bán treo hàng trên những chiếc bẹo cây

Không như ghe anh Hai Hương, ghe chị Sáu Hời (39 tuổi, ngụ Kiên Giang) thì "gói" luôn cả gia đình trên đó. Thời cha ông nghèo khó, chài lưới qua ngày, chết đi chẳng có gia sản gì cho con cháu thừa kế. Chẳng có tấc đất trên cạn, chị theo chồng gắn cuộc đời lênh đênh sông nước.

Ghe chị cũng là nhà, hai vợ chồng gồng gánh cùng kiếm cơm cho 4 đứa con mà chẳng đủ tiền cho chúng đi học. Những đứa con chị ngay từ khi lọt lòng, đã lăn lóc theo chân cha mẹ rong ruổi trên khắp các con sông. Từ Kiên Giang, lên chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long), xuống Ngã Năm (Sóc Trăng) đến chợ Ngã Bảy (Hậu Giang) và cuối cùng trụ lại chợ Cái Răng.

Ở các tỉnh khác cũng có chợ nổi, nhưng manh mún, chị chỉ ghé chân được một dạo, hết duyên gia đình lại lỉnh kỉnh thu neo, nổ máy ra đi. Chỉ có chợ nổi Cái Răng là gia đình chị cắm neo lâu nhất, vì hoạt động buôn bán ở đây tương đối thuận lợi, cuộc sống phố thị cũng có phần tiện hơn.

Để làm nghề buôn thúng bán bưng ngay trên sông, hầu như chủ tự "thiết kế" chiếc ghe của mình thành căn nhà di động, để tiện bề sinh hoạt, ăn, uống, tắm, giặt, ngủ nghỉ ngay trên ghe. Họ còn mang cả cuộc sống ở trên bờ xuống. Điều độc đáo là mỗi chủ ghe đều nuôi sẵn những con vật gần gũi như chó, mèo và gà trống.

Tuy họ giải thích là để đỡ nhớ trên bờ nhưng mục đích sâu xa thì mỗi loài có vai trò nhất định. Chó về đêm canh được nạn trộm hàng, mèo phòng trừ nạn chuột phá hoại nông sản và gà trống là chiếc đồng hồ báo thức để họ đoán định đúng giờ họp chợ. Nhìn cảnh sinh hoạt chân chất dân dã ấy mà lòng tôi nao nao, ai bảo họ đã no đủ, ai dám nói là trong sâu thẳm họ lại không mong muốn một cái nhà, một cuộc sống trên bờ bình yên?

Đằng sau vẻ no đủ của chợ nổi, chúng tôi lại bắt gặp câu chuyện đẫm lệ của một chủ ghe, chị Tư Hiệp (44 tuổi, ngụ Trà Vinh), làm nghề buôn hoa quả. Điều khác lạ là nhiều năm qua ghe của chị không có bóng dáng đàn ông. Hỏi chuyện, chị gạt nước mắt cho biết, chồng chị tên là Hai Chai đã chết mất xác từ 5 năm trước.

Chị bảo cái tên Hai Chai như vận vào số mệnh của chồng chị, vốn dân sông nước, tảo tần thức khuya dậy sớm giúp vợ sắp hàng, chỉ có thói đánh chết không chừa là nghiện rượu. Đã uống không say không chịu được, cái tên Hai Chai người ta gán cho chồng chị cũng vì lẽ đó.

Chị kể, trong một lần ngồi buồn, nửa đêm anh Hai Chai lấy rượu ra uống. Không biết có phải vì quá say không, nhưng nửa đêm chị thức giấc sửa soạn đồ chuẩn bị đi chợ thì không thấy chồng đâu, ngoài khoang thuyền chai rượu còn bỏ dở. Lúc đó, chị mới hay sông nước đã lấy mất chồng chị. Từ đó, chị một thân một mình gánh vác gia đình, nuôi 2 đứa con trong cuộc mưu sinh, trầy trật sông nước.

Chị Tư Hiệp cho biết, những câu chuyện đau lòng trên sông thì rất nhiều, nhất là vào mùa mưa. Mùa nước nổi, nước sông dâng cao, ghe thuyền chở hàng nặng thường bị lật chết người, mất của là chuyện cơm bữa.

Dương Đông


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.