Không thể phủ nhận thực tế, nhiều nhóm hát rong từ thiện đã làm lay động, thức tỉnh cả triệu trái tim bằng những giọng ca ngọt ngào của những người khuyết tật. Trong những ngày tất bật đi tìm tài liệu cho loạt bài viết này, tôi đã từng đứng lặng nhiều lần bởi nghe những ca khúc nhạc tình của họ.
Phải khẳng định rằng, các nghệ sĩ này (hãy cho tôi gọi họ là nghệ sĩ bởi với tôi, họ là người nghệ sĩ thật. Họ chỉ khác nghệ sĩ nổi tiếng là không có sân khấu hoành tráng để biểu diễn mà thôi) đã hát bằng cả trái tim mình.
Đối với những người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, những người thiệt thòi về số phận, âm nhạc là một phương tiện giúp họ có thể truyền tải những tâm tư nguyện vọng, tình cảm của mình đến với công chúng. Thế nhưng, những năm gần đây, hoạt động hát rong từ thiện đã bị biến tướng nhiều. Những người nghệ sĩ này đã thiệt thòi trong cuộc sống bởi số phận thiếu ưu ái với họ nay đang trở thành phương tiện để một số kẻ xấu lợi dụng sức lao động, lợi dùng lòng hảo tâm của khán thính giả để thu lời bất chính dưới chiêu bài đoàn nghệ thuật nhân đạo.
Ở Hà Nội, mỗi khi đêm xuống, bất kể trời nóng hay lạnh, không khó để bắt gặp những sân khấu tạm bợ của các nhóm từ thiện ở các ngã tư, ngã ba đông đúc hát rong xin tiền các nhà hảo tâm trên phố. Sự xuất hiện với tần suất quá nhiều của các nhóm nghệ thuật nhân đạo này khiến nhiều người nghi ngờ mục đích thật sự của người tổ chức hoạt động này.
Theo tìm hiểu của PV, ngay từ 16h chiều, các nhóm nghệ thuật này đã chuẩn bị chở sẵn loa đài bằng xe ba gác đến địa điểm “biểu diễn”. Theo quan sát của PV, chỉ cần trời không mưa, với sân khấu dăm ba mét vuông, hai cọc để dựng phông bạt in thông tin đoàn nghệ thuật nhân đạo của đủ các trung tâm nhân đạo là người ta đã có được nơi biểu diễn ngay tại các ngã ba, ngã tư đông đúc.
Đi kèm với sân khấu đơn sơ ấy là dàn loa công suất lớn với đèn chiếu sáng, bàn âm ly điều khiển âm thanh, micro... Những nhóm nghệ thuật nhân đạo với dăm ba nghệ sĩ đã biến những thứ được lắp ráp vội vã ấy thành một sân khấu sáng đèn suốt buổi tối.
Chất lượng của các chương trình biểu diễn hàng đêm của các đoàn nghệ thuật này vẫn còn là điều phải bàn. Trên khắp các con phố như Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), Láng Hạ (Đống Đa), Phạm Hùng (Cầu Giấy)... mỗi đoàn nghệ thuật đều có cách chọn cho mình những loại hình biểu diễn khác nhau, nhưng đa phần vẫn là hát. Nhóm thì hát nhạc vàng, nhóm thì nhạc cách mạng, nhạc tiền chiến...
Không chỉ vậy, nhiều nhóm còn sử dụng các tiết mục tăng thêm phần hấp dẫn như: Xiếc, ảo thuật kiểu phun lửa, tráo bài, đồng tiền biến mất, gạo biến thành cánh hoa... trên nền nhạc chói tai và ầm ĩ. Càng về cuối, chương trình càng “bốc” với cả các bài hát remix sôi động, với sự tham gia của mọi thành phần “nghệ sĩ”, cả những người khuyết tật lẫn người không khuyết tật.
Đi cùng với những giọng hát không chuyên là hệ thống loa đài chất lượng kém được mở hết cỡ. Thậm chí đến cả lời MC giới thiệu bài hát cũng được thu sẵn, các nghệ sĩ chỉ việc lên sân khấu và cứ thế mà “diễn”.
Chưa kể, để “tiện” cho việc tiếp nhận các tấm lòng hảo tâm đang lưu thông trên đường, nhóm nghệ thuật còn dựng đến hai hòm từ thiện đèn sáng trưng ngay bên vỉa hè và một hòm từ thiện trên sân khấu, liên tục phát đi những thông điệp kêu gọi lòng trắc ẩn của khán thính giả. Chính những lời thuyết phục ngọt ngào của các nhóm nghệ thuật nhân đạo này đã làm rất nhiều người đi đường mủi lòng thương và quyên tiền từ thiện.
Thực tế, nếu bạn một lần đứng lại, lắng nghe nghệ sĩ của nhóm này hát, bạn sẽ không thể trăn trở. Và, chuyện quyên tiền cho vào hòm từ thiện là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, ngày nào bạn cũng đến đúng địa điểm đó, chứng kiến từ đầu đến cuối buổi biểu diễn của nhóm nghệ thuật từ thiện này, bạn sẽ thương người nghệ sĩ và phát sinh cảm giác khó chịu với những người đứng ra tổ chức cho nhóm này đi biểu diễn. Sự khó chịu này rất tự nhiên mà có khi bạn tiếp xúc nhiều với họ. Và, tôi, người viết loạt bài này cũng chưa thể cắt nghĩa cái sự khó chịu đó là gì?
Sân khấu “du kích”
Mỗi nhóm nghệ sĩ vô cùng đặc biệt này luôn chỉ có 3 – 4 ca sĩ là thực sự biểu diễn. Mỗi lần biểu diễn, họ thường hát cả một sê – ri các bài liên tục. Cứ vậy, một đêm biểu diễn của họ kéo dài 4 tiếng không ngừng nghỉ. Ngay đằng sau phông bạt của các nhóm nghệ thuật này, luôn có sự “điều phối” của những người khác, làm nhiệm vụ điều chỉnh các băng ghi âm sẵn có.
Các sân khấu dựng trên đường phố của các nhóm nghệ thuật nhân đạo này luôn có tính “du kích”. Nói như vậy bởi, các nhóm nghệ thuật nhân đạo này chỉ xuất hiện “chớp nhoáng” sau một tối, ngay tối hôm sau, họ lại xuất hiện ở một địa điểm khác. Rất ít khi, các nhóm nghệ thuật này diễn 2 tối ở một địa điểm. Ngày 27/10, tại các địa điểm như ngã tư Lạc Long Quân- Nghi Tàm, chân cầu vượt Láng Hạ, khu vực đường Phạm Hùng, Lê Văn Lương... xuất hiện các nhóm nghệ thuật của hội Người mù, hội Người khuyết tật và hội Nạn nhân da cam...
Tuy nhiên, đến ngày 28/10, những địa điểm kể trên đã hoàn toàn vắng bóng các nhóm nghệ thuật này. PV tìm quanh một vòng Hà Nội, vẫn có những nhóm nghệ thuật khác nhau trên đường Lạc Long Quân, đường quanh sân Mỹ Đình...
Sau 3 ngày khảo sát liên tiếp cuối tháng 10/2016, PV đã ghi nhận có hơn 10 đoàn nghệ thuật cùng biểu diễn giữa Thủ đô. Mỗi đoàn có một phong cách riêng với phông bạt sân khấu riêng biệt. Hầu hết các đoàn nghệ thuật nhân đạo đến từ nhiều câu lạc bộ khác nhau của đủ các hội như hội Nạn nhân da cam, hội Người khuyết tật, hội Cứu trợ tàn tật Việt Nam...
Để lấy lòng khán giả, họ không ngại đưa ra những tâm sự não nề, những hình ảnh thương cảm sau mỗi chuỗi biểu diễn, thậm chí đối với các chương trình của câu lạc bộ thuộc hội Nạn nhân chất độc da cam, một số “nghệ sĩ” tàn tật được đặt sẵn trên xe lăn và nhiệm vụ của họ suốt cả đêm biểu diễn không gì khác ngoài việc ngồi một chỗ, nhìn xa xăm về phía đường phố đông đúc. Có lẽ chính những hình ảnh ấy đã làm cho nhiều khán giả “bất đắc dĩ” rủ lòng thương.
Khi buổi biểu diễn kết thúc, những “nghệ sĩ” lặng lẽ được một đội quân đưa về phòng trọ, cũng có đoàn thuê cả chiếc xe ba gác để chở người cùng với loa đài lao vào phố đêm kết thúc một buổi “nghệ thuật” nhân đạo.
Lại Cường